Friday, February 12, 2016

Cơ hội và thách thức cho kinh tế VN

Thanh Trúc, phóng viên RFA 2016-02-12  
000_Hkg10249023
 Một người thợ sửa giày trên vỉa hè Hà Nội hôm 25/1/2016  AFP photo
Năm 2016 được coi là một năm có rất nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội để  Việt Nam vươn lên nếu cải tổ đúng mức cũng như tăng cường năng lực cạnh tranh về mọi lãnh vực.
Với nhận định năm 2016 có nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội cho kinh tế Việt Nam vươn lên, tiến sĩ Lê Đăng  Doanh,  nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương,  nhấn mạnh rằng sự  thách thức luôn là động lực để Việt Nam cố gắng và khi chạy đua với  các nước bạn  thì Việt Nam sẽ phải nỗ lực để vươn lên.
Đồng tình với ý kiến của tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế độc lập Huỳnh Bửu Sơn, cựu giảng viên Đại Học Kinh Tế và Đại Học Mở, phân tích:
Tôi rất đồng ý với ý kiến của ông Lê Đăng Doanh. Thật sự trong tiến trình hội nhập nền kinh thế giới thì điều Việt Nam phải quan tâm nhiều nhất chính là tăng cường năng lực cạnh tranh. Nói đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thì phải nói đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, phải thấy những chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách về ngân sách, về thuế, về tiền tệ về lãi suất.... đều có tác dụng rất mạnh trong việc làm giảm hay làm tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Tăng cường năng lực cạnh tranh, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn nói tiếp, cũng có nghĩa là phải thay đổi, phải đổi mới, những điều được bàn tới bao năm qua chứ không phải đợi tới giờ mới nói.
Theo ông thì trước đây, khi chưa hội nhập với thế giới, rõ ràng phần lớn chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam đều tập trung vào việc duy trì và bảo hộ các xí nghiệp quốc doanh, cho nên vấn để sử dụng tài nguyên quốc gia rồi các chính sách kinh tế vĩ mô đều xoay quanh việc cố gắng sao cho các xí nghiệp nhà nước tồn tại dù  hiệu quả gần như là không có:
Còn trong điều kiện hôm nay, khi mà Việt Nam đã hội nhập rất sâu vào nền kinh tế thế giới rồi thì tôi nghĩ quan điểm đó phải thay đổi, bây giờ chính phủ phải rất quan tâm cải thiện và tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, trong đó quan trọng nhất là doanh nghiệp tư nhân để kinh tế Việt Nam có năng lực cạnh tranh mạnh hơn.
Trả lời câu hỏi của báo chí là Việt Nam có thể trở thành  một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 như  mục tiêu đề ra trước đây hay không, tiến sĩ Lê Đang Doanh cho rằng mục tiêu đó không thực hiện được vì tính đến năm 2016 này GDP bình quân đầu người Việt Nam chỉ mới đạt 2.109USD, trong lúc theo tiêu chuẩn hiện tại  phải tương đương với Trung Quốc, tức phải đạt 7000USD GDP bình quân đầu người.
Ngoài ra, vẫn theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, để trở thành một nước công nghiệp thì nông nghiệp phải dưới mức 10% GDP, trong lúc nông nghiệp Việt Nam hiện đang chiếm 16 đến 17% GDP, như vậy từ giờ đến 2020 không làm sao có thể giảm xuống dưới 10% GDP được.
Còn theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, con đường tiến tới một nước công nghiệp hiện đại còn khá xa vời:
Tôi nghĩ phải cần một thời gian ít nhất là hai thập kỷ với một chính sách đúng đắn, thật sự khuyến khích sự phát triển thì khu vực kinh tế tư doanh Việt Nam mới có thể vươn lên và sánh vai cùng các nước lân bang như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia.
- Chuyên gia KT Huỳnh Bửu Sơn
Rõ  ràng cái nỗ lực chung là muốn xây dựng một nền công nghiệp hiện đại tuy nhiên điều kiện của Việt Nam hôm nay cho thấy có lẽ phải nhiều thập niên nữa Việt Nam mới thực sự có thể sánh ngang với Hàn Quốc, Đài Loan hay những nước lân cận như Thái Lan chẳng hạn.
Một thực trạng đáng buồn được tiến sĩ Lê Đăng Doanh nêu ra với báo chí là  trong một thập niên qua sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào nền kinh tế quốc gia chỉ khoảng hơn 11%  GDP,  có nghĩa là rất hạn chế.
Về tầm quan trọng của khối tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam và làm thế nào để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn góp ý:
Thật sự doanh nghiệp tư nhân, nếu đứng về sản lượng của kinh tế tư doanh cũng như số lượng lao động thu hút trong khu vực kinh tế tư doanh, thì tôi nghĩ đang ở một tỷ lệ rất cao, có thể cao hơn cả so với khu vực quốc doanh và khu vực kinh tế nước ngoài.
Tuy nhiên qui mô của từng doanh nghiệp tư doanh thì hiện nay không đủ lớn, nguồn vốn của họ cũng không đủ mạnh để họ có thể hoạt động trong những lãnh vực công nghiệp mà đòi hỏi số vốn lớn hay đòi hỏi một hệ thống quản trị tốt.
Tôi nghĩ phải cần một thời gian ít nhất là hai thập kỷ với một chính sách đúng đắn, thật sự khuyến khích sự phát triển thì khu vực kinh tế tư doanh Việt Nam mới có thể vươn lên và sánh vai cùng các nước lân bang như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia.
Năm 2015 được các chuyên gia đánh giá  là một năm thành công của Việt Nam khi đạt mức tăng trưởng cao, lạm phát thấp, vốn FDI giải ngân tăng mạnh....
Được hỏi  kết quả này liệu có  là sức bật, là cơ hội cho kinh tế Việt Nam bước sang 2016 này không,  nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trả lời rằng xét về tổng thể thì đúng là như vậy nhưng khi đánh giá những điểm tích cực thì phải trực diện những điều chưa đạt được.
Nhắc lại rằng năm 2016 sẽ là một năm có nhiều thách thức, đồng thời cũng là cơ hội vươn lên cho Việt Nam, ông Lê Đăng Doanh nói  năm nay với AEC, tức Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN mà Việt Nam là thành viên,  thì những mặt hàng nông nghiệp và công nghiệp của Thái Lan sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam. Khi đó, Việt Nam bắt buộc phải cạnh tranh để sinh tồn. Chính  nỗ lực cạnh tranh gay gắt  là cơ hội cho Việt Nam cất cánh, tiến sĩ Lê Đăng Doanh kết luận.
Chuyên gia kinh tế độc lập Huỳnh Bửu Sơn cũng đồng ý rằng khách quan mà nói thì kinh tế Việt Nam năm 2015 khá hơn những năm trước đó:
Thí dụ lạm phát trong khoảng 1 đến 1, 5%, tốc độ tăng trưởng kinh tế lên đến mức 6,7%. Tuy nhiên nếu cho rằng đây là nền móng, là bệ phóng cho kinh tế Việt Nam đi lên nhanh hơn, mạnh hơn trong 2016 thì tôi cho rằng hơi quá lạc quan.
Những thách thức cũng là những cơ hội để kinh tế Việt Nam cất cánh trong năm 2016 bao gồm:
Tại vì cấu trúc kinh tế Việt Nam còn những nhược điểm, hệ thống ngân hàng Việt Nam cần sự cải tổ mạnh mẽ để tạo một nền tài chánh lành mạnh, có thể  hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp.
Như tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cũng thừa  nhận khu vực tư  đóng vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết trong tiến trình phát triển :
Trong suốt những năm 2011, 2012 và 2013 thì số lượng doanh nghiệp phá sản hay bị giải thể rất nhiều. Thậm chí tới 2015 thì số doanh nghiệp tư nhân giải thể cũng khá lớn.
Và có lẽ phải cần thêm vài năm nữa, ít nhất  từ 2017 trở đi, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn dự kiến, nếu Việt Nam thực hiện đúng chính sách kinh tế vĩ mô trong lãnh vực tiền tệ lẫn lãnh vực ngân sách, bên cạnh những chính sách khuyến khích hỗ trợ đắc lực đối với khu vực kinh tế tư doanh và nền kinh tế nói chung, thì may ra mới có cái nhìn lạc quan về tương lai kinh tế cho 10 năm tới.

No comments:

Post a Comment