Wednesday, January 6, 2016

Trung Quốc có thể sớm thiết lập ADIZ ở Biển Đông

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia an ninh-quốc phòng sau khi Trung Quốc cho phi cơ thử hạ và cất cánh ở phi trường vừa xây dựng trên bãi đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa.

Vị trí bãi đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa và khoảng cách từ bãi đá này đến Trung Quốc, cũng như Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á khác. (Hình: Defense News)

Ông Leszek Buszynski, một chuyên gia làm việc tại Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Phòng và Chiến Lược thuộc Đại Học Quốc Gia Úc, nhận định, sau chuyến bay thử nghiệm đầu tiên hôm 2 Tháng Giêng sẽ là các chuyến bay thử nghiệm. Kế đó, Trung Quốc sẽ đưa các phi cơ quân sự tới các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. ADIZ (vùng nhận dạng phòng không) sẽ xuất hiện khi Trung Quốc hoàn tất việc củng cố không quân.

Ông Ian Storey, làm việc tại Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Châu Á của Singapore, cho rằng, dù chưa tuyên bố thiết lập ADIZ, chắc chắn Trung Quốc sẽ thực hiện nhiều động tác nhằm bảo vệ các công trình hạ tầng trên chuỗi đảo nhân tạo. Cảnh báo đối với các phi cơ cả quân sự lẫn dân sự bay qua khu vực Biển Đông sẽ được phát thường xuyên hơn. Chúng sẽ là tiền đề để Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ, hoặc tạo ra một ADIZ có tính mặc định.

Theo nhiều chuyên gia an ninh-quốc phòng, chuỗi hành động của Trung Quốc tại Biển Đông cho thấy, Trung Quốc đã tuần tự tiến hành kế hoạch kiểm soát toàn bộ Biển Đông và chắc chắn sẽ đưa các phi cơ quân sự đến những đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp và xây dựng xong. Các căn cứ quân sự mà Trung Quốc thiết lập tại Biển Đông sẽ là nơi trú đóng cho các phương tiện quân sự, hậu thuẫn cho tuyên bố thiết lập ADIZ và cuối cùng là hỗ trợ cho yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông.

Cần lưu ý rằng, tại quần đảo Trường Sa, ngoài phi đạo dài 3,000 mét trên bãi đá Chữ Thập, Trung Quốc còn hai phi đạo trên hai đảo nhân tạo khác. Các phi đạo này đủ cho chiến đấu cơ, oanh tạc cơ, vận tải cơ quân sự cất và hạ cánh. Điều đó sẽ giúp quân đội Trung Quốc hiện diện cả trên biển lẫn trên không.

Mới đây, các viên chức Hoa Kỳ cho biết thêm rằng, bất chấp phản ứng của cộng đồng quốc tế, vào lúc này, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục xây dựng các cảng, hệ thống kho, khu vực đồn trú trên các đảo nhân tạo. Sắp tới, chắc chắn Trung Quốc sẽ lắp đặt hệ thống radar và hệ thống liên lạc quân sự.

Đó cũng là lý do sau khi Việt Nam lên tiếng phản đối Trung Quốc cho phi cơ thử hạ và cất cánh ở phi trường trên bãi đá Chữ Thập, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Philippines tuyên bố, hành động của Trung Quốc đã khiến tình hình Biển Đông căng thẳng hơn. Ngoại trưởng Nhật thì nhấn mạnh, Nhật “không thể chấp nhận” việc Trung Quốc hành động như thế, đặc biệt là khi cộng đồng quốc tế đã khuyến cáo Trung Quốc không nên đơn phương thay đổi hiện trạng Biển Đông, đặt cộng đồng quốc tế trước những chuyện đã rồi như: Bồi đắp các bãi đá ở quần đảo Trường Sa thành những đảo nhân tạo và biến chuỗi đảo nhân tạo này thành căn cứ quân sự.

Đáp lại phản đối của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục tuyên bố, việc họ đã làm là tất nhiên và chính đáng bởi Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi tại quần đảo Trường Sa và các vùng biển quanh đó.

Thái độ của Trung Quốc khiến nhiều người nổi giận, trong đó có ông John McCain, chủ tịch Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện Hoa Kỳ. Ông chỉ trích kịch liệt việc chính phủ Hoa Kỳ trì hoãn thực hiện thêm các cuộc tuần tra nhằm bảo vệ quyền tự do lưu thông bên trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp ở Biển Đông. Ông McCain xem đây là điều “đáng thất vọng” mà nguyên nhân có thể là vì chính phủ Hoa Kỳ không đủ sức kiểm soát những phức tạp trong việc ra quyết định hoặc vì quá lo âu về những rủi ro nên đã không làm những việc cần làm để bảo vệ trật tự tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. (G.Đ.)
01-05- 2016 5:35:56 PM 

No comments:

Post a Comment