Khắc Giang
Gửi cho BBC từ Hà Nội 4 giờ trước
Ông Ama Hwak, người Ê-đê, tự nhận mình là người chăm chỉ. Là trụ cột của gia đình có 5 người con, ông còn là buôn trưởng.
Nhưng lơ lửng trên đầu ông là khoản nợ 100 triệu đồng không biết bao giờ mới trả hết.
Từ khi trồng cây cà phê gần 30 năm trời, chưa lúc nào gia đình ông thoát khỏi cảnh nợ nần. Đến vụ mùa, gần như tất cả số cà phê ông làm ra đều được gán để trả nợ.
Phải nhắc lại, ông Ama Hwak là một người chăm chỉ, và nó cho thấy nợ xấu không chừa một ai.
Ở buôn Tinh 2, được coi là khá giả trong khu vực Buôn Hồ, tỉnh Dak Lak, không một gia đình nào là không mang nợ, ít thì vài chục, nhiều thì đến vài trăm triệu đồng.
Nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) còn cho rằng 90% hộ dân tộc thiểu số Tây Nguyên được hỏi cho biết gánh nặng nợ nần đang rất trầm trọng với họ.
Và Tây Nguyên cũng không phải là ngoại lệ. Theo một khảo sát khác thực hiện cách đây 2 năm, chỉ có hơn 13% số vốn vay ở nông thôn là qua hệ thống ngân hàng. Điều này có nghĩa nông dân phần lớn phải vay tiền sản xuất thông qua các kênh phi chính thức, hay còn gọi là “tín dụng đen”.
Như buôn Tinh 2, dù có nhiều hộ tiếp cận được nguồn vốn vay có lãi suất thấp từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (VSBP) hay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), hai tổ chức thực hiện nhiệm vụ phân bổ nguồn vốn ưu đãi cho nông dân, nhưng những khoản vay đó là không đủ lớn để đáp ứng nhu cầu.
Thêm vào đó, những thủ tục ngân hàng nghiêm ngặt nhiều khi cũng làm họ ngần ngại, rồi tặc lưỡi bỏ qua. Để bù đắp cho khoản còn thiếu, bà con phải đi vay tiền của các đại lý thu mua cà phê, mà ông Ama Hwak gọi chung là “bà buôn”.
Với lãi suất trên trời, một gia đình chỉ có hơn 1 mẫu cà phê như ông gần như chắc chắn không bao giờ trả hết nợ. Một vụ mùa ông thu được 20 triệu thì 18 triệu đã phải dành để gán nợ. Chi tiêu của gia đình, tiền đầu tư cho vụ mới, hay cả tiền học cho con, ông phải đi vay với lãi suất lên đến 40 – 50%/năm. Cứ thế, năm này qua năm khác, quy trình này trở thành một vòng xoáy không lối thoát.
Vì sao mắc nợ?
Sẽ là không công bằng nếu đổ lỗi tình trạng “tín dụng đen” cho các ngân hàng, bởi họ có những tiêu chuẩn để đảm bảo hoạt động của hệ thống không chịu rủi ro quá lớn. Và cũng sẽ không công bằng nếu cho rằng các “bà buôn” gây ra tình trạng nợ xấu ở nông thôn, bởi theo nguyên tắc kinh tế thị trường, có cầu hẳn sẽ có cung. Không có “bà buôn” này sẽ lại sản sinh ra những “bà buôn” khác.
Nếu không có những khoản vay “đen”, người dân khó lòng tiếp tục quay vòng sản xuất, mất thu nhập, và rơi vào tình trạng, nói như những nhà kinh tế, là “phá sản”.
Vậy tại sao người nông dân mắc nợ?
Để trả lời cho câu hỏi này, có lẽ cần phải tìm thời điểm mà người nông dân chưa mắc nợ.
Những người dân ở buôn Tinh 2 cho biết, họ chỉ bắt đầu biết đến “nợ”, “lãi suất”, “bà buôn” từ khi trồng cây cà phê 30 năm trước theo phong trào của nhà nước. Cây cà phê đưa bao nhiêu người thành tỷ phú, thì cũng đẩy một bộ phận lớn người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, rơi vào cảnh nợ nần.
Vấn đề, tất nhiên, cũng không phải ở cây cà phê. Nhưng khi bắt đầu trồng cà phê, hay ca cao, hồ tiêu, phần lớn những người nông dân Tây Nguyên không biết đến kinh tế thị trường và nguyên tắc cung – cầu. Với sự trợ giúp từ nhà nước, quá trình chuyển đổi từ tự cung tự cấp sang kinh tế hàng hoá diễn ra mạnh mẽ trong những năm 1990 và 2000.
Tuy nhiên, để làm quen với kinh tế thị trường thì một vài năm là chưa đủ. Đến khi hỗ trợ từ chính quyền không còn, nhiều nông hộ gần như lạc lối trong một mô hình sinh kế hoàn toàn xa lạ với họ.
Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không liên kết được với nhau, không có độ nhạy bén về thị trường, tình trạng nợ chồng nợ với họ là không thể tránh khỏi.
Trong một nền kinh tế thị trường, sẽ rất khó để đòi hỏi nhà nước phải “ba đầu sáu tay” lo lắng cho tất cả những nhóm yếu thế như người dân Tây Nguyên.
Ở những quốc gia khác, từ những nước phát triển như Nhật Bản cho đến Bangladesh, khoảng trống hỗ trợ này được dành cho các tổ chức xã hội.
Các ngân hàng vi mô theo mô hình Grameen Bank của nhà kinh tế đoạt giải Nobel Muhammad Yunus cung cấp tín dụng quy mô nhỏ cho nông dân, trong khi các hiệp hội nghề độc lập sẽ hỗ trợ họ về kỹ thuật sản xuất, kỹ năng bán hàng, và cả mối liên kết trong sản xuất, như mô hình ở Nhật Bản.
Nhiệm vụ của nhà nước đơn giản là cung cấp khuôn khổ pháp lý để các tổ chức đó hoạt động hiệu quả.
Ở Việt Nam, đáng tiếc là những mô hình hỗ trợ độc lập kể trên chưa có điều kiện phát triển. Hệ thống tài chính vi mô đang ở giai đoạn sơ khai, còn các hiệp hội độc lập chưa được tạo hành lang pháp lý để hoạt động.
Dự thảo Luật về Hội, vốn đã được đề xuất xây dựng từ hơn chục năm trước, vẫn đang gây nhiều tranh cãi và chưa được Quốc hội thông qua.
Những yêu cầu về việc thành lập, tổ chức hoạt động, quy định về vay vốn ở trong và ngoài nước v.v. gây cản trở hoạt động của nhóm tín dụng vi mô, nhóm vốn rất hiệu quả trong việc hỗ trợ người nghèo.
Có vẻ như nhà nước vẫn chưa sẵn sàng phân quyền để xã hội giải quyết những tồn tại trong vấn đề xoá đói giảm nghèo. Nhưng trong khi chờ đợi bàn tay nâng đỡ của nhà nước, những người dân Tây Nguyên vẫn phải tiếp tục sống chung với nợ.
Sai lầm về đường hướng phát triển
Trong một cuộc tọa đàm, nhà văn Nguyên Ngọc, một người gắn bó và nghiên cứu về Tây Nguyên lâu năm, cho rằng các sai lầm về chiến lược phát triển vùng đã đẩy vùng đất trù phú bậc nhất Việt Nam gặp phải những khủng hoảng cả về kinh tế, xã hội, và môi trường.
Trước năm 1975, Tây Nguyên vẫn còn hoang sơ và hầu như không bị tàn phá đáng kể bởi chiến tranh. Những người dân tộc thiểu số sống hoà đồng với tự nhiên, và ngoài muối ra, họ không thiếu gì cả.
Nhưng sau khi Việt Nam thống nhất, chính quyền mới cho rằng lối sống của đồng bào là lạc hậu, và cần phải được cải tạo lại. Ngay sau đó, phong trào vận động người dân tộc thiểu số vào các nông trường ở Tây Nguyên bắt đầu. Như trong bài viết của ông Nguyễn Xuân Mẫn, một học giả nhà nước, viết trong bài “Việc đưa đồng bào dân tộc ít người tại chỗ vào nông trường” (Một số vấn đề kinh tế xã hội Tây Nguyên, Nxb KHXH, Hà Nội, 1986):
“Đưa đồng bào dân tộc thiểu số vào làm việc tại các nông lâm trường là một quá trình chuyển đổi những cộng đồng rất nghèo và lạc hậu thành công nhân xã hội chủ nghĩa, chuyển đổi cuộc sống kinh tế thiếu thốn và bấp bênh sang một cuộc sống ổn định và no đủ hơn. Khi họ trở thành công nhân, đời sống vật chất và tinh thần cũng như quan hệ xã hội trong làng sẽ thay đổi một cách nhanh chóng.
"Do lợi ích kinh tế và sự giúp đỡ từ các tập đoàn lớn mạnh, cùng với sự hướng dẫn nhiệt tình [của công nhân người Kinh], đồng bào các dân tộc thiểu số sẽ dần tự xoá bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, mạnh dạn áp dụng các mô hình tiên tiến trong các khía cạnh sản xuất và văn hoá, từ đó nâng cao cuộc sống một cách hiệu quả”
Cách nhìn nhận đó, theo nhà văn Nguyên Ngọc, là sai lầm, gượng ép và dập khuôn, khi những người làm chính sách không hiểu gì về đặc điểm của Tây Nguyên cũng như những người bản địa sinh sống ở đó.
Sau khi thất bại với thử nghiệm kinh tế theo mô hình Stalin, Việt Nam chuyển hướng sang nền kinh tế thị trường và đạt được một số thành công nhất định.
Thế nhưng, khi định hình chiến lược phát triển cho Tây Nguyên, họ lại tiếp tục mắc phải sai lầm như trước: ép người Tây Nguyên vào một mô hình kinh tế hoàn toàn xa lạ, và cũng không phù hợp với những đặc tính của họ.
Hậu quả nhận là những khu rừng bị tàn phá, môi trường huỷ hoại, những triệu phú đô la và hàng triệu người dân tộc thiểu số chìm trong nợ.
Ông Ama Hwak trả lời như đinh đóng cột rằng sẽ đủ tiền để trả nợ trong vòng 2 năm tới, khi thu hoạch xong vụ cà phê. “Nợ nhưng mình không sợ đâu, ở buôn không ai sợ cả”, ông tự tin nói với tôi.
Nhưng với những nhịp điệu lên xuống thất thường của thị trường, rủi ro về đầu vào lẫn đầu ra, cộng với quy mô canh tác quá nhỏ bé, việc thoát nợ với ông Hwak không phải là dễ dàng.
Và như thế, những người Tây Nguyên làm quen với kinh tế thị trường ở khía cạnh đáng buồn nhất của nó.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Khắc Giang, cây viết và nghiên cứu viên, hiện đang làm việc ở Hà Nội.
No comments:
Post a Comment