Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
Theo RFA-2015-12-22
Bãi biển miền Trung đang lở lói bị sóng xâm thực từng giờ từng phút -RFA
Bờ cát đang lở lói, sóng xâm thực từng giờ từng phút ở dọc bở biển từ Bắc chí Nam, vấn đề này không những đe dọa đến đời sống người dân ven biển mà tính về mặt chiến lược quốc phòng, về tương lai đất nước, đây là mối nguy lớn. Bởi mỗi mét đường nội thủy bị co vào cũng đồng nghĩa với khu vực chủ quyền trên biên Đông bị hẹp lại. Trong khi đó, các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng trên biển Đông ngày càng phình to ra.
Biển xâm thực từ bao giờ?
Một người dân thành phố Đà Nẵng tên Long, chia sẻ: “Nó ở vậy sao hợp lý được. Nó xấc xược, nó né luật, luồn lách để nó mua đất khu sân bay Nước Mặn. Nó có tiền thì nó mua chi không được, nó đi đêm với mấy ông trên chứ với chín mươi mấy triệu dân này, việc nó mua đất và nhà nước bán đất cho nó làm sao hợp lý được!”.
Theo ông Long, hiện tại, dù muốn hay không muốn thì người dân Đà Nẵng cũng như người dân duyên hải khắp các tỉnh trên đất nước đều chịu chung cảnh ngột ngạt khi người Trung Quốc xuất hiện ngày càng đông và bờ biển thì ngày càng trở nên nguy hiểm, không còn hiền hòa như trước.
Theo ông Long, những tỉnh có bờ biển lở lói nặng nhất Việt Nam hiện tại phải nói đến Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa và một số tỉnh khác đang bắt đầu bị sóng xâm thực. Và ở tất cả các tỉnh này đều có người Trung Quốc xây dựng công trình. Đặc biệt, nếu xâu chuỗi lại toàn bộ sự việc từ trước tới nay, ở những tỉnh có bờ biển bị lở lói đều trải qua hai giai đoạn gồm người Trung Quốc sang đầu tư xây dựng lấn biển, sau các đảo nhân tạo ngoài Trường Sa được đắp gấp rút. Và bờ biển Việt Nam bị lở lói, đặc biệt là bờ biển miền Trung Việt Nam.
Ông Long cho rằng có một mối liên hệ mật thiết, mang tính nhân quả giữa việc người Trung Quốc xây dựng trong bờ, xây đắp đảo nhân tạo với bờ biển miền Trung Việt Nam bị sóng xâm thực. Bởi quá trình xây dựng lấn biển của các khu du lịch, khu nghỉ mát và sòng bạc của người Trung Quốc đã làm thay đổi hướng gió đáng kể, điều này dẫn đến hậu quả nguy hiểm bởi các vectơ sóng bị thay đổi do gió gây ra.
Bên cạnh đó, tuy khoảng cách khá xa nhưng đáy biển vốn ổn định cả triệu năm nay khi mà các dòng chảy ngầm dưới đáy biển đã có qui luật đi của nó, không bị bẻ gãy bởi những vật chắn bất ngờ nào. Khi Trung Quốc hút cát dưới đáy biển một cách gấp rút để đắp đảo nhân tạo, hệ quả của việc này là tạo ra những hố sâu dưới đáy biển, bẻ gãy dòng chảy ngầm, bên cạnh đó, những đảo mới nổi lên sẽ chặn rất nhiều dòng chảy ổn định bên dưới, tạo ra một trận đồ sóng ngầm dữ dội để tìm hướng thoát của năng lượng. Việc sóng xâm thực, ngày càng đào sâu vào bờ cũng là một hướng thoát năng lượng của những dòng chảy ngầm khi bị bẻ gãy, chặn đứng ngoài khơi.
Và cũng theo ông Long, mặc dù chưa có công trình khoa học nào cụ thể, phân tích rõ ràng về mối liên hệ giữa việc người Trung Quốc xây trên bờ, đắp ngoài khơi với việc bờ biển miền Trung Việt Nam bị lở lói. Nhưng có một chuyện rất dễ nhìn thấy là hầu hết bờ biển miền Trung Việt Nam bị lở lói sau khi người Trung Quốc xây trong bờ và đắp đảo nhân tạo ngoài khơi.
Và ông Long khẳng định rằng nguyên nhân của bờ biển miền Trung sóng xâm thực là do người Trung Quốc xây đắp, hút cát vô tội vạ. Bởi chỉ cần làm một phép so sánh nhỏ, những bãi biển không có người Trung Quốc xây dựng và cách xa Trường Sa đều không bị sóng xâm thực. Trong khi đó bờ biển miền Trung gần với Trường Sa, Hoàng Sa, nơi mà Trung Quốc đang thả sức xây dựng, hút cát và đắp. Và bờ biển miền Trung cũng là nơi có nhiều người Trung Quốc đến sống, xây dựng nhất. Như vậy, không cần phải chờ đợi một công trình khoa học nhà nước chứng minh điều này nữa.
Bởi cũng theo ông Long, khi mà nhà nước bỏ ra hàng đống tiền để nghiên cứu, sáng chế ra chiếc cào răng lược để cào cỏ ruộng thì người nông dân đã tự chế ra máy cắt cỏ, máy gặt hoặc máy cấy rồi. Và đợi nhà nước bỏ ra hàng khối tiền để nghiên cứu, chứng minh bờ biển bị xói lở là do người Trung Quốc gây nên thì không chừng lúc đó biển đã lấn vào gần đến mép núi Trường Sơn rồi. Và khi bờ biển bị sóng xâm thực, mối nguy cơ đất nước rơi vào tay người Trung Quốc sẽ rất cao.
Nguy cơ mất biển và mất nước
Ông Hải, cư dân quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng tỏ ra lo lắng: “Sân bay Nước Mặn thời Mỹ là sân bay trực thăng không thôi. Sau này quân đội Cộng sản cũng đóng quân ở đó. Đó là điểm chiến lược quân sự. Người Trung Quốc nhờ người Việt đứng tên để mua đất. Họ chơi vậy là quá cao cờ rồi. Bây giờ nhà nước đã có chính sách rút bớt dự án lại rồi. Nhưng tôi thấy họ nói vậy thôi chứ rút chi! Có mua thêm thì tụi nó mua chứ rút chi được. Nói như vậy để an ủi dân thôi…!”.
Theo ông Hải, vấn đề bờ biển bị sóng xâm thực, nếu chỉ nhìn đơn giản thì đời sống bà con dọc duyên hải sẽ bị đe dọa, phải di dời tốn kém và ngành du lịch Việt Nam bị thất thu bởi mất đi những bãi biển đẹp. Vấn đề này cũng gây thiệt hại không kém cho một đất nước vẫn đang trong tình trạng ngoi ngóp phát triển như Việt Nam.
Nhưng nếu nhìn xa một chút, nhìn về vấn đề chủ quyền quốc gia, đặc biệt là vùng lãnh hải quốc gia, câu chuyện sẽ trở nên xám xịt hơn nhiều. Bởi vì mỗi tấc đất bị sóng xâm thực cũng đồng nghĩa với mỗi tấc đường nội thủy bị co lại. Và vùng lãnh hải quốc gia thì căn cứ trên đường nội thủy để phóng, để đặt tiêu ngoài khơi.
Trong khi đó, các đảo nhân tạo của Trung Quốc vẫn tiếp tục đào đắp và nó ngày càng phình to trên biển Đông. Với đà này, chừng vài năm sau, khi mà các văn phòng hành chính, quân đội và cư dân Trung Quốc trên các đảo này nhiều lên, họ sẽ tự xếp các đảo nhân tạo vào lãnh thổ Trung Quốc. Lúc đó, lãnh hải Trung Quốc sẽ phóng từ mép nội thủy của các đảo này. Và qui luật cá lớn nuốt cá bé được giở ra. Không chừng, lúc đó phần lãnh hải Việt Nam chỉ còn teo tóp như một con sộng chảy dọc bờ biển.
Ông Hãi tỏ ra lo lắng sau câu nói nửa bông đùa nửa thật của mình. Ông nói rằng trong tình hình hiện tại, rõ ràng là nhà nước cần phải nhìn thấy mối nguy khi người Trung Quốc có mặt quá đông ở các tỉnh duyên hải cũng như các tỉnh cao nguyên. Trong khi đó, việc đào đắp các đảo nhân tạo của họ đang hoàn thiện từng ngày nhưng Việt Nam lại không đưa vụ việc này ra tòa án quốc tế. Như vậy đến khi mọi chuyện đã mỹ mãn, phía Trung Quốc sẽ tiếp tục giở quẻ trên biển Đông. Và lúc đó, có đưa ra tòa án quốc tế đi nữa thì cũng khó bề mà làm được gì họ. Có chăng là đưa ra tòa quốc tế để tranh cải về đường lưỡi vịt lãnh hải Việt Nam đang bị đường lưỡi bò của Trung Quốc đè chồng lên, xâm lấn.
Ông Long kết luận, với đà này, không bao lâu nữa Việt Nam sẽ bị đè bẹp bởi Trung Quốc và không còn đường cựa quậy trên biển Đông. Lúc đó, có trở thành một tỉnh lẻ của Trung Quốc hay không thì cũng như nhau bởi vì Việt Nam đã nằm trọn trong bàn tay lông lá Trung Quốc, những ngón tay kinh tế, văn hóa, chính trị, lãnh thổ… đang bóp chặt Việt Nam như bóp một con mực.
Nói đến đây, ông Long thở dài và cho biết thêm là ông sẽ bán những chiếc tàu đánh cá để tính chuyện làm ăn trong lĩnh vực khác. Nhưng ông cũng chưa biết là sẽ làm gì. Ông dự đoán rằng hai phần ba số tàu đánh bắt xa bờ rồi đây sẽ chuyển loại hình, sẽ độ lại thành tàu chở khách du lịch. Không chừng là chở khách Trung Quốc đi dạo trong khu vực biển mới của họ! Và chuyện này không phải là không tưởng, mỗi ngày trôi qua trên đất nước ông Long đang sống đều cho thấy điều đó!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment