Theo RFI-ngày 22 tháng mười hai năm 2015
Từ trái sàng phải: Tổng thống Mỹ Barack Obama, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Mike Froman và Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang. AFP PHOTO / SAUL LOEB
Nền kinh tế Mỹ đã hồi phục. Khủng hoảng ngấp nghé đe dọa Trung Quốc. Kinh tế Nhật Bản chưa thực sự khởi sắc trở lại. Châu Âu tạm xua tan mối đe dọa Hy Lạp bị vỡ nợ nhưng lại đối mặt với khủng hoảng di dân. Nhóm 5 nền kinh tế đang trỗi dậy BRICS bị hụt hơi. Việt Nam trước thách thức cạnh tranh mở rộng.
Trong báo cáo cập nhật công bố ngày 02/12/2015 Ngân Hàng Thế Giới dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2015 đạt 6,5 %. Thành quả đó có được nhờ tiêu thụ nội địa và đầu tư gia tăng. Đây là « nền tảng vững chắc cho tăng trưởng trong trung hạn » đối với quốc gia này.
Trong năm 2015 Việt Nam đã cùng với 11 quốc gia khác trong khu vực Thái Bình Dương kết thúc đàm phán về khu vực tự do mậu dịch TPP. Nhờ đó, vậy Việt Nam sẽ tham gia thị trường rộng lớn chiếm tới 40 % GDP toàn cầu, nơi các rào cản giao thương đang từng bước được xóa bỏ. Việt Nam là một trong 10 thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á và tổ chức này vừa chính thức thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN : một khu vực với hơn 600 triệu dân và sản lượng hơn 2.600 tỷ đô la.
Đối với Việt Nam, cơ hội càng nhiều, thách thức càng lớn
Theo lời chuyên gia kinh tế bà Phạm Chi Lan, không đổi mới thể chế, không cải tổ kinh tế thì « cơ hội của Việt Nam là rất mong manh ». Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cảnh báo : « Không cải cách đủ mạnh, Việt Nam tiếp tục có tăng trưởng, nhưng các cơ hội chủ yếu rơi vào tay doanh nhân nước ngoài ».
Về nhu cầu đẩy mạnh cải tổ ở Việt Nam, trả lời đài RFI tiếng Việt, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ Hoa Kỳ nhắc lại khuyến cáo của Ngân Hàng Thế Giới :
Nguyễn Xuân Nghĩa : “Từ vài chục năm nay, sau khi bắt đầu viện trợ cho Việt Nam, hàng năm Ngân hàng Thế giới thường có một phúc trình về tình hình kinh tế Việt Nam khi đại diện các nước cấp viện họp nhau thảo luận về việc viện trợ vào tháng Tháng 12. Ngày 05/12/2015 Giám đốc Thường trú của Ngân hàng Thế giới là bà Victoria Kwakwa người Ghana có bài phát biểu rất đáng chú ý. Bà nói rằng Việt Nam cần cải cách hơn nữa chứ không chỉ nói rồi thôi. Lý do là Hà Nội vừa ký nhiều hiệp ước thương mại, như TPP với 11 nước trên vành cung Thái Bình Dương, với Liên Hiệp Châu Âu và năm 2016 có Cộng đồng Kinh tế ASEAN thống nhất, cho nên Việt Nam bước vào thời kỳ cạnh tranh mở rộng có nhiều cơ hội mà cũng có nhiều thách đố.
Từ ba năm qua, chính quyền Hà Nội có nghị quyết và thông tư về việc cải cách kinh tế, doanh nghiệp và ngân hàng mà thực tế thì chưa hề tiến hành, kể cả việc cải cách ngân hàng tưởng như có nhúc nhích. Trong khi ấy, nguy cơ bội chi ngân sách và việc vay nợ quá sức trả đang gây ra nhiều thách đố rất nghiêm trọng ».
RFI : Nợ xấu, bội chi ngân sách : những thách thức của Việt Nam ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : « Các định chế quốc tế thường dùng ngôn ngữ ngoại giao để khỏi xúc phạm tự ái của xứ cầu viện và Hà Nội thì chỉ thích dẫn lời ngợi khen mà giấu nhẹm khuyến cáo chuyên môn của các nước cấp viện. Lần này đại diện Ngân hàng Thế giới nói thẳng hơn, nhất là về nhu cầu cải cách bộ máy hành chánh đã được viện trợ từ năm 1992, để giải trừ nạn tham nhũng và sự hình thành của các nhóm lợi ích.
Sự thật khác bên kia màn khói là Việt Nam có vẻ đã cải tổ hệ thống ngân hàng, nhưng gánh nợ xấu, không sinh lời, khó đòi và sẽ mất, của 12 ngân hàng thương mại có thể cao hơn số chính thức rất nhiều và là điều rất nguy.
Một sự thật kia là sau 20 năm được viện trợ theo thể thức tín dụng nhẹ lãi thì tình hình đã khác và từ nay Việt Nam phải huy động tiền tài trợ các chương trình xã hội như y tế giáo dục từ thị trường thương mại đắt giá hơn. Khi ấy, việc sử dụng tiền vay càng phải được cải tiến khi ngân sách công quyền lại bị thiếu hụt triền miên. Mà nói về xã hội người ta mới thấy hiện tượng tiêu cực khác là nạn bất công đang mở rộng tại Việt Nam.
Tình hình không sáng sủa như người ta nói, rằng Việt Nam đang được giới đầu tư quốc tế chiếu cố với viễn ảnh TPP và có hy vọng thay thế thị trường Trung Quốc.
Sự thật sau cùng mà nhiều người muốn chối bỏ là Việt Nam đang tụt hậu về kinh tế, về trình độ tổ chức và giáo dục, về năng suất và sức cạnh tranh. Thay vì sánh vai Hàn Quốc, Đài Loan thì Việt Nam chỉ hơn Miến Điện, Cam Bốt và Lào mà thua kém tất cả các nước ASEAN còn lại. Sự thua kém ấy sẽ kéo dài ».
RFI : Làm gì để vượt qua những thách đố ấy ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : « Các nhà cầm quyền tại Hà Nội đều biết: 1) Việt Nam là nước chỉ có lợi tức trung bình thấp, dưới hai ngàn đô la một đầu người, và sẽ rơi vào cái bẫy sập của rất nhiều quốc gia tương tự như giới kinh tế đã từng cảnh báo; 2) Kinh tế Việt Nam có quá nhiều bất ổn, cả về mặt môi trường lẫn văn hóa ; 3) đã vậy, Việt Nam bị sức ép muôn mặt từ chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, văn kiện chuẩn bị Đại hội đảng lần thứ 12 nhấn mạnh việc « xây dựng kinh tế thị trường, dưới sự quản lý của nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa ». Giải thích cho rõ thì chủ trương ấy có nghĩa là 1) chỉ tạm theo kinh tế thị trường thôi; 2) chứ vẫn tăng cường vai trò của nhà nước và của khu vực kinh tế nhà nước trong thực tế thì vẫn do đảng lãnh đạo.
Một cách cụ thể thì từ chủ trương ấy, chỉ tạm chấp nhận quyền sở hữu tư nhân và sự hiện diện của tư doanh còn non yếu. Ngoài ra, Việt Nam vẫn kiểm soát và thu hẹp dần khu vực tư doanh, để tăng cường chế độ công hữu, là sở hữu tập thể các phương tiện sản xuất và trao cho đảng viên quản lý.
Trong khi ấy, ta thấy thời điểm 2016 có tầm quan trọng riêng vì có thể là « điểm lật » của hệ thống chính trị tại Việt Nam và cả tại Trung Quốc dựa trên kinh tế thị trường để một thiểu số cứ tiếp tục trục lợi ».
Mỹ : khủng hoảng tài chính đã thuộc về quá khứ
2015 đánh dấu sự phục hồi của kinh tế Mỹ. Sau khi đã giữ lãi suất ở số không trong 7 năm, bơm 2.500 tỷ đô la vào cỗ máy kinh tế để khắc phục khủng hoảng tài chính 2008, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ Fed vừa tăng lãi suất chỉ đạo hôm 16/12/2015. Washington chờ đợi tỷ lệ tăng trưởng vào năm 2016 dao động ở gần 2,5 %.
Trên thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp đang từ hơn 9,8 % hồi tháng 5/2009 rơi xuống còn 5 %. Chỉ riêng trong tháng 10/2012 nước Mỹ đã tạo ra được thêm 271.000 việc làm. Đây là thành tích cao nhất trong năm.
Tuy nhiên việc Mỹ tăng lãi suất ngân hàng, khép lại giai đoạn « tiền rẻ » đang gây lo ngại cho các nền kinh tế đang trỗi dậy. Nhất là trong bối cảnh tăng trưởng của khối 5 nước của nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, trong năm 2015 đã hoàn toàn gây thất vọng : Brazil lún sâu vào khủng hoảng chính trị và kinh tế, Nga do tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây và giá dầu hỏa giảm sụt, tăng trưởng ở số âm.
Trung Quốc trong sương mù
Trung Quốc may còn giữ được tỷ lệ tăng trưởng 6,5 % nhưng khủng hoảng trên thị trường tài chính Thượng Hải và Thẩm Quyến hồi tháng 6/2015 là dấu hiệu báo trước một tai họa khó lường. Mùa hè năm 2015, từ 3.500 đến 4.000 tỷ đô la đã « bốc hơi » trên thị trường chứng khoán. Giới đầu tư bắt đầu mất tin tưởng vào chính sách kinh tế và tài chính của Bắc Kinh.
Dù Trung Quốc ra sức bơm tiền vào hệ thống kinh tế, nhưng từ năm 2014 thị trường địa ốc hụt hơi, các chỉ số kinh tế liên tục đổ dốc, khu vực sản xuất dậm chân tại chỗ, xuất khẩu ứ đọng. Chỉ riêng có núi nợ của các chính quyền địa phương và doanh nghiệp thì vẫn cứ lớn thêm. Không ai biết trong gói nợ đó, có tới bao nhiêu phần trăm là nợ khó đòi.
Trong 6 tháng đầu năm 2015 Bắc Kinh đã bơm thêm 9.500 tỷ nhân dân tệ, tức khoảng 1.500 tỷ đô la- vào cỗ xe kinh tế nhưng theo thẩm định của hãng bảo hiểm tín dụng Euler Hermes, để có được một tỷ lệ tăng trưởng 8 % Trung Quốc cần thêm đến 6.000 tỷ đô la một năm. Đó là khoản tiền khổng lồ nhưng chưa chắc gì đã thực sự hiệu quả khi biết rằng, để tạo ra 1 đồng sản phẩm, các tập đoàn của Trung Quốc cần huy động đến 3,3 nhân dân tệ tiền vốn đi vay !
Nhật Bản chưa vững vàng, Ấn Độ chậm mà chắc
Nhìn tới một cột trụ kinh tế khác của thế giới là Nhật Bản, cho dù đồng yen đã giảm giá đến 60 % so với đô la kể từ thời điểm của năm 2013, tạo lợi thế cho khu vực xuất khẩu nhưng đà phục hồi của kinh tế Nhật còn rất bấp bênh. Tổng nợ công vẫn cao gấp đôi so với GDP.
Trong bối cảnh tương đối ảm đạm đó, Ấn Độ trong năm 2015 đã tạo bất ngờ : theo dự phóng của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, lần đầu tiên Ấn Độ qua mặt Trung Quốc về thành tích tăng trưởng, với 7,5% trong năm nay. Theo Viện nghiên cứu về thị trường Nielsen, Ấn Độ là một trong những quốc gia trên thế giới mà người tiêu dùng tự tin nhất và tiêu thụ nội địa là động lực chính của nền kinh tế còn chậm phát triển này. Một số nhà quan sát không ngần ngại xem Ấn Độ là đầu tầu mới của Châu Á.
Châu Âu tăng trưởng lười biếng, Nga điêu đứng
Nhìn sangCchâu Âu, tăng trưởng trung bình của khu vực đồng euro mới chỉ đạt được 1,6 % thua xa 2,4 % của Hoa Kỳ. Thành tích nhỏ nhoi đó chưa đủ sức trấn an công luận khi biết rằng, trong năm 2015 eurozone được hưởng hai yếu tố thuận lợi : năng lượng và nguyên liệu rẻ, đồng euro mềm giá kích thích xuất khẩu.
Nhìn đến thị trường lao động, tháng 10/2015 tỷ lệ thất nghiệp rơi xuống mức thấp nhất từ năm 2012. Nhưng vẫn còn 10,8 % dân số trong tuổi lao động không có việc làm. Tây Ban Nha dẫn đầu bảng trong số các nền kinh tế tạo thêm công việc làm cho người dân. Pháp bị chê là không có hiệu quả trong chính sách đẩy lui thất nghiệp.
Hy Lạp trong năm 2015 sau cuộc đọ sức kéo dài với các chủ nợ, nhiều chiêu chính trị ngoạn mục của nội các Alexis Tsipras, cuối cùng cũng đã đạt được đồng thuận với các chủ nợ để tạm xua tan đe dọa mất khả năng thanh toán và phải bước ra khỏi khu vực đồng euro. Dù vậy, đối với người dân Hy Lạp thì 2015 là năm thứ 6 liên tiếp kinh tế tụt hậu.
Nhìn tới nước Nga của Tổng thống Putin, ngày 23/11/2015 bộ Kinh tế Nga chính thức thông báo « khủng hoảng đã đi qua ». Thực tế không đơn giản như các nhà cầm quyền Matxcơva mong đợi : giá dầu hỏa rơi xuống dưới ngưỡng 40 đô la một thùng. GDP giảm hơn 4 % trong tài khóa 2015, lạm phát vẫn trên 10 % làm tê liệt tiêu thụ nội địa (10 % theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Nga ; 18 % theo ước tính của IMF).
Dầu hỏa và khí đốt chiếm ¼ tổng sản phẩm nội địa của Nga, 70 % khu vực xuất khẩu của quốc gia này và bảo đảm 50 % ngân sách của nhà nước. Theo giới chuyên gia để cân bằng cán cân chi thu, dầu hỏa của Nga phải được bán ra với giá tối thiểu là 50 đô la một thùng.
Trong những điều kiện hiện nay, Tổng thống Nga không thể giữ lời hứa giới hạn bội chi ngân sách ở mức 3 % tổng sản phẩm nội địa. Thu nhập của nhà nước giảm sụt trong lúc các chi phí quân sự gia tăng. Điện Kremli chỉ còn giải pháp cắt giảm các chi tiêu xã hội và bắt dân đóng thuế. Đời sống khó khăn bắt đầu có thể là yếu tố châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng xã hội ngay trên chính quê hương của ông Putin.
No comments:
Post a Comment