Chữ “nhục” hay chữ “vinh” không phải mới có bây giờ. Nếu không nhầm, cặp phạm trù đối lập này có từ thời con người bắt đầu ý thức được mối tương quan giữa bản thân với xã hội chung quanh họ. Đương nhiên tùy vào từng bối cảnh, hoàn cảnh mà cặp phạm trù này mang những cái tên khác nhau. Nhưng xét về mặt ý niệm, khái niệm, có lẽ không có gì khác.
Hai chữ “nhục” và “vinh” cũng tùy thời mà người ta định nghĩa, tùy vào kiến văn, tùy vào tri thức và lòng tự trọng cũng như tư tưởng của mỗi người mà có cách định nghĩa về nó. Đây là chuyện vừa nhạy cảm vừa khôi hài, đôi khi cười ra nước mắt. Tuy bên ngoài tưởng như không có gì quan trọng nhưng nó lại liên quan đến những khái niệm khác như “sang” và hèn”. Thậm chí, trên một chừng mực nào đó, có sự tương hỗ, bổ sung giữa hai cặp phạm trù này.
Sở dĩ phải nói chữ “nhục” hay chữ “vinh” là tùy thuộc vào sở tri và định nghĩa của mỗi cá nhân là vì bản chất của “vinh” và “nhục” vẫn chưa bao giờ thay đổi, “nhục” là “nhục” mà “vinh” là “vinh” nhưng do cách định nghĩa, sở tri của mỗi cá nhân lại nên hai chữ này bị đánh tráo, xáo trộn thường xuyên, thời đại nào cũng có kẻ đánh tráo, xáo trộn. Thời đại tốt thì số kẻ đánh tráo, xáo trộn này ít, thời đại tồi tệ thì người ta đua nhau đánh tráo, xáo trộn, tự lừa mị bản thân để được thỏa mãn.
Thời đại Cộng sản xã hội chủ nghĩa, hai chữ nhục và vinh bị đánh tráo thê thảm. Sở dĩ hai chữ này bị đánh tráo bởi khái niệm sang và hèn đã bị đánh tráo trước đó. Hay nói cách khác là hệ qui chiếu về chữ nghĩa, về vị thế xã hội thời Cộng sản xã hội chủ nghĩa hầu như bị sao chép 100% hệ qui chiếu thời phong kiến. Trong khi đó, thời đại toàn cầu hóa, cách nhìn, cách tiếp cận cũng như phương vị của mỗi cá nhân không còn bị giới hạn trọng một hệ tư tưởng độc tài, toàn trị như trước. Chính vì khả năng mở rộng này mà hệ qui chiếu thời Cộng sản trở nên lỗi thời, khủng hoảng.
Với kiểu quan niệm về sang và hèn của thời phong kiến, cứ sang dành chỉ những kẻ làm quan, sống bên trên xã hội, hèn là những thứ dân, không có chức quyền trong xã hội. Cái quan niệm này đem chụp y như vậy lên thời Cộng sản xã hội chủ nghĩa. Người dân vẫn cứ quan niệm người sang là phải ngồi trên xã hội, phải được làm quan, phải có chức này chức nọ. Chính vì kiểu quan niệm đầy chất võ đoán như vậy mà hầu hết người dân luôn tỏ ra nễ phục những kẻ làm quan. Và đây là cơ hội để bọn làm quan thả sức làm càn. Vì có làm càn cỡ nào thì họ vẫn cứ là hạng sang. Họ vẫn cứ là những kẻ “vinh dự” bởi họ là quan, họ được sang.
Trong khi đó, bản chất của chữ sang không phải nằm ở chỗ anh ngồi đâu mà là anh làm gì. Chính hành động cao thượng, đẹp đẽ và nhân văn của con người mang lại cho ncon người sự sang trọng. Một người ăn xin chẳng hạn, ông ta xin được một ổ bánh mỳ nhưng thấy người ăn xin khác đói giống mình nhưng chưa có bánh mỳ, ông bẻ nửa ổ để chia sẻ với người ăn xin kia. Hành động này sang trọng và cao quí gấp triệu lần một kẻ giàu có, làm quan cao chức trọng rút ra vài trăm USD tặng cho em chân dài nào đó trong bàn nhậu để đi ăn phở hoặc đi mua thỏi son.
Nhưng trong thời lộng giả thành chân, ít ai thấy được sự sang trọng của người ăn mày nếu không muốn nói trong con mắt thiên hạ, người ăn mày vẫn mãi là người ăn mày cho dù họ có bỏ hết túi tiền ra để cho người khác nghèo khó hơn họ. Nhưng kẻ làm quan ăn trên ngồi trốc chỉ cần cho ai một thứ gì để diễn kịch thì không riêng gì dư luận xã hội mà ngay cả báo chí nhà nước cũng xông vào ca ngợi họ như một điển hình cao quí. Trong khi đó, ít ai suy tư về giá trị thật của hai món quà, một của người ăn mày phải dầm mưa dãi nắng, phải đánh đổi cả sức khỏe, cuộc đời và số phận để có được nó và cho một cách không cần suy nghĩ khi thấy đồng loại khốn khó hơn mình. Còn cái gọi là sang trọng kia, có thể là nguồn tiền tham nhũng, hối lộ, đục khoét tài sản nhân dân, trộm cắp tài nguyên quốc gia… Nhưng khi mang cho ai đó thì cố gắng đánh tiếng cho to tát. Nhưng người đời vẫn nhầm lẫn đó là sang trọng, là lòng tốt. Người ta đã hoàn toàn nhầm lẫn khái niệm giữa sang và hèn.
Bởi chính sự nhầm lẫn khái niệm giữa sang và hèn nên người ta cũng nhầm lẫn dây chuyền giữa nhục và vinh. Một gia tộc có nhiều con cháu làm quan, không cần biết con cháu của họ đã làm gì để được làm quan, trình độ cỡ nào, liêm khiết hay tham ô… Cứ nghe làm quan là thấy vinh cả dòng, càng nhiều người làm quan và chức quan càng lớn thì càng vinh dự, càng tự hào. Thậm chí mới hôm qua con hoạn lợn, bữa nay lên làm bộ trưởng, làm nghị gật hay hôm qua làm anh y tá quèn, bữa nay lên làm bộ trưởng, thủ tướng, không biết gì ngoài thủ đoạn và chui luồn, cố chấp, tài phiệt… Nhưng vẫn thấy rằng đây là niềm vinh dự của tổ tiên.
Những trường hợp như Nguyễn Lân Thắng hay Anh Chí, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Tạ Phong Tần, Điếu Cày, Trương Duy Nhất… và rất nhiều trí thức yêu nước khác, hễ cứ nghe những người này bị hành hung, bị bắt nhốt, gán tội để bỏ tù thì ngoại trừ một nhóm nhỏ trí thức trong xã hội thấy bất bình nhà cầm quyền, đồng cảm với người bị hại… Đa phần còn lại đều cho rằng điều này là nhục nhã, tù tội là nhục nhã. Họ không cần biết trắng đen, tốt xấu… Và họ cũng chưa bao giờ định nghĩa được chữ vinh và chữ nhục cho chính xác.
Chính cái nền giáo dục thối nát của chế độ cụng như những chủ trương lớn của đảng Cộng sản Việt Nam tồn tại suốt mấy mươi năm nay đã làm cho đa số nhân dân trở nên mù quáng và u muội, không thể phân biệt được đâu là nhục, đâu là vinh.
Và cũng chính cái chế độ này mới tạo ra được những con người ngồi ghế bí thư, ghế chủ tịch, thậm chí ghế bộ trưởng, tiền bạc rủng rỉnh, xe cộ láng cóng, nhà năm bảy cái vẫn cứ khai man mình là hộ nghèo để được hưởng trợ cấp. Làm quan hách dịch, tham lam, vô cảm, bị dân lên facebook nhận xét có gương mặt kênh kiệu thì thay vì tự sữa, tự thấy nhục, người ta lại tìm để trả thù bằng cách phạt người nhận xét và những ai đồng cảm, sau đó ra bộ tha thứ. Đến nước này, chỉ có những kẻ bị liệt dây thần kinh mắc cỡ và không thể hiểu được thế nào là nhục mới có thể trơ tráo và hợm hĩnh đến độ như vậy.
Quan lớn ăn lớn, quan nhỏ ăn nhỏ, quan bé tí ăn theo kiểu bé tí, tất cả đang tùng xẻo, xâu xé quốc gia, ăn trên mồ hôi nước mắt của trí thức, của lao động nghèo và cả của những người tứ cố vô thân, quanh năm mặc quần thủng đít phải vá đi vá lại trăm bề… Ăn thông qua thuế, đâu có ai hiểu chuyện này, mà có hiểu thì cũng vậy thôi!
Khi cả một hệ thống quan lại từ trung ương xuống địa phương xem sự nhục là bình thường, đánh tráo nỗi nhục thành cái vinh thì thử hỏi đất nước này sẽ ra gì? Và cách tốt nhất để trả đất nước về trạng thái bình thường là những người không biết nhục cần phải lùi về sống tầng đáy xã hội, để từ đó họ lớn khôn, trưởng thành mà hiểu được thế nào là làm người, thế nào là nhục là vinh. Chỉ có như vậy mới hy vọng đất nước này tiến bộ! Mặc dù chỉ là hy vọng!
No comments:
Post a Comment