Wednesday, December 2, 2015

Chúng ta đã dạy môn Sử như thế nào?

Cát Linh, phóng viên RFA 2015-12-02
hinh1-622.jpg
Hình ảnh minh họa -Courtesy photo
Thời gian gần đây, Bộ giáo dục đào tạo đang có dự tính đưa môn Lịch Sử vào chung với các môn học khác, tạm gọi là môn tích hợp. Rất nhiều người lên tiếng bày tỏ quan điểm không đồng tình với kế hoạch này. Trên các diễn đàn truyền thông, không ít những tranh cãi từ những người có tâm huyết với môn Lịch sử và từ cả phía người dân trong và ngoài nước, là nên bỏ, hay giữ lại.
Cát Linh tìm đến những người đang trực tiếp đứng giảng dạy môn học này để hiểu thêm và nghe họ nói về phương cách giảng dạy mà họ đã và đang thực hiện. Tuy nhiên, đài Á Châu tự do chúng tôi xin phép tôn trọng lời đề nghị của những giáo viên này, là không nêu tên trong bài phóng sự này.

Dạy ‘đối phó’

Lịch sử là những gì đã qua, được giữ lại bằng cách ghi lại, và truyền lại bằng cách tái hiện lại. Mỗi một người thầy hoặc cô sẽ có cách tái hiện lại theo phương cách riêng của mình nhằm mục đích làm cho học sinh hiểu được những diễn biến của lịch sử. Thế nhưng, theo lời của một người có khoảng 30 năm đứng lớp, hiện đang là giáo viên giỏi môn Lịch Sử của trường cấp 2 Củ Chi cho biết về cách thức mà người giảng viên Sử đang áp dụng hiện nay:
Nếu phòng giáo dục, sở giáo dục đi dự giờ thì học sinh thích lắm, vì khi có người dự giờ thì các cô dạy rất nghiêm túc. Mấy cô sử dụng tranh ảnh, sử dụng phòng chiếu, sử dụng đủ hết chức năng. Nên khi có người đi dự giờ, học sinh mê lắm.
-Một giáo viên
“Nếu phòng giáo dục, sở giáo dục đi dự giờ thì học sinh thích lắm, vì khi có người dự giờ thì các cô dạy rất nghiêm túc. Mấy cô sử dụng tranh ảnh, sử dụng phòng chiếu, sử dụng đủ hết chức năng. Nên khi có người đi dự giờ, học sinh mê lắm.”
Một giờ học, hay còn gọi là một tiết học ở các trường phổ thông ở Việt Nam được qui định là 45 phút. Trong 45 phút đó, người giáo viên vừa phải kiểm tra bài cũ, vừa phải truyền tải hết tất cả những nội dung trong sách giáo khoa mà Sở giáo dục đã qui định cho một tiết học. Chính do qui định này mà xảy ra rất nhiều trường hợp gọi là ‘cháy giáo án’, theo lời của người giáo viên dạy Sử ở trường Củ Chi.
“Cái khâu mà kiểm tra, bây giờ tưởng tượng lên dạy một bài sử chính, nếu cho đọc và viết một bài theo qui định sách chuẩn kiến thức mà Bộ giáo dục bắt buộc tối thiểu phải ghi, thì hết một tiết học, đừng nói đến việc giảng.”
Để tránh tình trạng “cháy giáo án”, các giáo viên bắt buộc phải dạy theo cách đối phó. Khi có dự giờ, thì họ sẽ không kiểm tra bài cũ. Còn với những giờ học bình thường, nghĩa là không có người dự giờ, thì các giáo viên thường áp dụng cách thức giảng trước, và photo bài cho học sinh về nhà tự chép vào.
“Một số trong những giáo viên đó, nếu mà người nào tâm huyết lắm thì người ta mới dạy không có người dự giờ cũng giống như có người dự giờ. Còn đa số thì họ biết môn này thứ nhất là không có thi, cho nên nếu họ không có trách nhiệm tí xíu thì họ dạy cho nó xong. Mà dạy cho nó xong thì học sinh không thích.”
Hinh02-400.jpg
Tích hợp môn lịch sử với những môn khác trong chương trình sách giáo khoa, ảnh minh họa. Courtesy photo.
Nói một cách khác, như đã trình bày ở trên, lịch sử là môn học được chép lại, truyền lại. Người giáo viên khi đó đóng vai trò không khác gì một kịch sĩ, có nhiệm vụ làm sống lại giai đoạn lịch sử đó trước mấy chục khán giả đang dõi theo mình. Đây là lúc mà kiến thức, sự sáng tạo và cả đam mê của người giáo viên đóng vai trò rất quan trọng. Theo một giáo viên từng là tổ trưởng tổ chấm thi môn Lịch sử, hiện là hiệu trưởng một trường Đại học tư thục cho biết về những gì bà từng góp ý với các sinh viên sư phạm khoa Lịch Sử trước đây:
“Nếu như các em lên lớp giảng bài mà nói y như trong sách giáo khoa thì phần lớn học sinh nó ngủ, mà tôi cũng ngủ. Vì lúc đó, ăn thì thiếu, đạp xe thì cực, đổ mồ hôi đến trường dạy và dự giờ cái giờ 12 giờ trưa thì không ngủ mới lạ, nếu thầy giáo không có cái gì nói ngoài sách giáo khoa.”
Người giáo viên dạy giỏi môn Sử của trường Củ Chi nói rõ thêm về phản ứng của học sinh khi thầy cô có những sáng tạo khác bên ngoài sách giáo khoa:
“Cũng một kiến thức đó, nếu nói bình thường thì học sinh không thích. Mà lúc nói, mà mình nhập tâm với cái đó thì học sinh mê lắm.Ví dụ như giai đoạn nhà Nguyễn đi từ đầu hàng này đến đầu hàng khác là nó cũng phẫn uất, cũng tức lắm, nó nói ‘trời ơi sao kỳ vậy? ông vua này kỳ vậy?’”

Không đầu tư vào phương pháp dạy

Theo lời người giáo viên của trường Củ Chi, nguyên nhân của cách dạy Sử chưa sống động còn do ở bước tuyển chọn ban đầu, mà theo cách gọi của bà, là “đầu vô” của bộ môn này.
Cái đầu vô của ngành Sư phạm, những người học Sử, họ… không giỏi. Số lượng giỏi hiếm lắm. Nói chung là họ thi nhiều môn khác không nổi, thì họ phải thi môn Sử. Cho nên, họ đã không giỏi, thì làm sao họ dạy giỏi? Họ dạy không hấp dẫn.
-Một giáo viên
“Cái đầu vô của ngành Sư phạm, những người học Sử, họ… không giỏi. Số lượng giỏi hiếm lắm. Nói chung là họ thi nhiều môn khác không nổi, thì họ phải thi môn Sử. Cho nên, họ đã không giỏi, thì làm sao họ dạy giỏi? Họ dạy không hấp dẫn.”
Cũng là ý kiến về cách dạy, đầu vào, hay trình độ của những giảng viên môn Sử, nhưng bà hiệu trưởng của trường Đại học Tư thục đưa ra một nhận định gián tiếp:
“Lúc đó, chẳng những thầy giáo là những người đã được đào tạo chế độ cũ, mà sinh viên trường đại học Sư phạm đang còn học 3 năm chế độ cũ, mới 1 năm chót chế độ mới thôi. Nên trong đầu họ có nhiều kiến thức lắm chứ. Họ cũng biết mình phải làm gì trên lớp. Nhưng cái đó càng ngày càng mai một đi, vì người đứng lớp là ai? Và xã hội phải diễn tiến theo diễn tiến bình thường mà lịch sử diễn ra. Là chế độ chính trị như thế nào thì đẻ ra chế độ chính trị của xã hội đó.”
Thêm vào nữa, là những người giáo viên dạy Sử chưa thật sự có sự đầu tư vào cách dạy của mình, theo nhận định của giáo viên dạy Sử trường Củ Chi. Tuy nhiên, bà cũng đưa ra sự cảm thông khi đề cập đến vấn đề chung trong cuộc sống, đó là cơm áo gạo tiền, những thứ mà có vẻ như đã lấy mất sự quan tâm và nhiệt huyết của người giáo viên. Họ phải bươn chải làm chuyện khác, thời gian đầu tư vào chất lượng và phương pháp dạy thu hút thì hoàn toàn không có.
“Người nào có trách nhiệm thì sẽ cố gắng tìm tòi, học hỏi để truyền đạt cho hay. Còn người mà học đã không giỏi,mà hơn nữa làm để cho có việc, cho nên nên cái nhiệt tâm, đam mê của họ không có.”
Những phụ huynh mà Đài Á Châu tự do chúng tôi có dịp nói chuyện đều bảo rằng ngay từ bé, bất cứ công dân của quốc gia nào đều được dạy và xây dựng lòng tự hào về lịch sử của đất nước mình. Chính từ nền tảng cơ bản đó, hình thành nên văn hoá yêu nước của một dân tộc. Vì thế, họ nói rằng môn lịch sử đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền văn hoá này. Và người xây nên những viên gạch vững chắc cho trường đài văn hoá ấy không ai khác hơn chính là người giáo viên dạy Sử.

No comments:

Post a Comment