Theo BBC-10 tháng 11 2015
Ngày 9/11, Bộ Thông tin & Truyền thông quyết định đình bản tạm thời hoạt động hai tờ báo thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, nâng số báo bị đình bản và thu hồi giấy phép trong bốn tháng qua lên sáu tờ.
Hai báo mới nhất bị đình bản là báo Nhân đạo và Đời sống; và tạp chí Nhân đạo thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Báo Tuổi Trẻ hôm 9/11 cho biết: “Cả hai quyết định đình bản đều nêu lý do để báo và tạp chí kiện toàn tổ chức, bảo đảm đủ điều kiện hoạt động theo quy định. Thời gian đình bản ba tháng từ ngày 9/11/2015”.
Trước đó, hôm 30/10, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn đã ký quyết định thu hồi Giấy phép hoạt động báo chí của Tạp chí Doanh nghiệp Doanh nhân và Thương hiệu vì “không đủ điều kiện hoạt động”.
Ban Kiểm tra Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực nhân tài Việt Nam công bố kết luận kiểm tra với các nội dung: “Tạp chí này không có người đứng đầu, nội bộ mất đoàn kết kéo dài không thể khắc phục; giao cho đơn vị ngoài tổ chức in bài, ảnh, tổ chức biên tập, xuất bản tạp chí... do đó không đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động”.
Tháng 7 và 8/2015, Bộ Thông tin & Truyền thông cũng đã đình bản tạm thời ba tháng đối với tạp chí điện tử Thực phẩm chức năng, cùng hai ấn phẩm Người đưa tin và Công lý trái tim của báo Đời sống và Pháp luật.
Lý do được công bố là “các báo này đã thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích theo quy định của pháp luật”.
Luật báo chí sửa đổi
Hôm 10/11, BBC đã liên hệ một số nhà báo tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng như quan chức Hội Nhà báo để xin ý kiến nhưng hầu hết đều từ chối.
Tổng Biên tập một tờ báo điện tử tại Hà Nội đề nghị không nêu tên, bình luận ngoài lề với BBC: “Thực ra chuyện Bộ Thông tin & Truyền thông quyết định đình bản, thu hồi giấy phép một số tờ báo sai phạm về vấn đề chuyên môn là dấu hiệu tích cực, chứ không liên quan đến yếu tố chính trị".
Hôm 4/11, Thời báo Kinh tế Sài Gòn có bài viết Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng “còn nhiều nội dung trong dự thảo Luật báo chí sửa đổi gây hạn chế quyền tự do báo chí”.
Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của Luật để tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động của các cơ quan báo chí.
“Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo căn cứ vào Hiến pháp, làm rõ hai vấn đề: Chủ thể của quyền tự do báo chí là ai? Nội dung quyền tự do báo chí là gì (hay nói cách khác: tự do báo chí khác tự do ngôn luận trên diễn đàn báo chí như thế nào).
Ủy ban cũng phản biện một số quy định trong dự thảo làm ảnh hưởng đến quyền tự do báo chí, giảm tính chủ động của cơ quan báo chí, báo này viết.
No comments:
Post a Comment