Sơn Trung, thông tín viên RFA-2015-10-22
Hồi đầu tháng 10 năm 2015, gần 1.500 nhà bè, nhà nổi của người Việt tại tỉnh Kampong Chhnang đã di dời khỏi nơi neo đậu sang vị trí mới. RFA PHOTO/Sơn Trung
Hồi đầu tháng 10 năm 2015, gần 1.500 nhà bè, nhà nổi của người Việt tại tỉnh Kampong Chhnang đã di dời khỏi nơi neo đậu sang vị trí mới. Bà con ở đây cho biết ở vị trí mới, họ gặp rất nhiều khó khăn, và khó có thể duy trì cuộc sống.
Tự di dời trước thời hạn
Nơi tập trung mới của gần 1.500 nhà bè này cùng năm trên con sông là một nhánh của hồ Tonlé Sap và cách xóm cũ khoảng 3km, hướng về phía Biển Hồ. Xóm mới nằm trên khúc sông dài khoảng 1km, rộng từ 700 đến 900 mét, thuộc ấp Chong Koh, phường Phsar Chhnang, thành phố Kampong Chhnang.
Theo thông báo của chính quyền tỉnh Kampong Chhnang thì việc di dời sẽ được thực hiện từ ngày 10 tháng 10 và chấm dứt trước ngày 25 tháng 10 năm 2015. Tuy nhiên, chưa đến thời hạn, hàng trăm ngôi nhà bè đã tự động rời khỏi nơi neo đậu cũ, đến sáng ngày 18 tháng 10 năm 2015, Sơn Trung của đài Á Châu Tự Do thấy xóm nổi cũ chỉ còn hai nhà bè đã khóa cửa.
Việc người dân di dời sớm hơn kế hoạch được ông Sun Sovannarith, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Kampong Chhang và là Trưởng bao chỉ đạo di dời này xem là một bằng chứng khẳng định chính sách di dời nhà bè, nhà nổi của chính quyền là đúng đắn và nhận được ủng hộ của người dân.
Ngày 1 tháng 10 thì người dân đã tự động rời khỏi nơi cũ đến nơi mới. Theo tôi thì có một số người đã lôi kéo họ đi trước để tìm nơi thuận lợi. Và tôi cũng nói thẳng luôn, chính Hội Việt Kiều là người tuyên truyền, lôi kéo người dân.
-Ông Tort Kimsroy
Ông Sun Sovannarith nói: “Kế hoạch là sẽ di dời từ ngày 10 đến ngày 25 nhưng người dân đã tích cực tham gia và họ tự làm chủ, tự nguyện và tự lo chi phí di dời. 98% người dân di dời trước thời hạn.”
Tuy vậy, khi tiếp xúc với chúng tôi, một số người dân cho biết không hề có việc họ tự di dời khỏi nơi cư trú cũ vì quá trình di dời rất tốn kém, nơi ở mới không đủ điều kiện sinh hoạt như nơi ở cũ, tuy nhiên, do quá sợ hãi trước sự đe dọa của giới chức địa phương nên bà còn phải dời nhà trước thời gian quy định.
Ông Nguyễn Văn Thông, nguyên Chủ tịch Hội Việt Kiều tỉnh Kampong Chhnang, là một trong số hộ dân dời nhà đầu tiên chia sẻ: “Ngày nay họp, chiều nay và sáng mai lùa như bầy trâu. Công an ào ào ào… Người dân ở đây rất dốt nát và đang rất sợ chính quyền. Dân nghe chính quyền làm, rồi chính quyền đưa xuống công an bốn năm mặt DP, PM(Lực lượng Cảnh sát quân sự), Công an này kia nọ, chạy dọc dọc đuổi, bà con quá sợ nên cấp tốc đi, nếu mà không cấp tốc đi thì sợ bị tội.”
Chúng tôi mang vấn đề này trao đổi với ông Tort Kimsroy, điều phối viên của tổ chức bảo vệ quyền người thiểu số tại Campuchia (MIRO), ông này thừa nhận rằng có việc người dân tự ý di dời trước thời hạn quy định của cơ quan chức năng, tuy nhiên ông khẳng định nguyên nhân không phải do người dân ủng hộ chính sách này và cũng không hề có việc chính quyền đe dọa buộc người dân phải rời khỏi nơi cư trú.
Ông Tort Kimsroy còn nói thêm lý do còn vì một số người muốn di dời trước để chiếm những vị trí thuận lợi và gần chợ hơn: “Chính quyền lên kế hoạch sẽ ra thông báo vào ngày 5 tháng 10 nhưng đêm ngày 1 tháng 10 thì người dân đã tự động rời khỏi nơi cũ đến nơi mới. Theo tôi thì có một số người đã lôi kéo họ đi trước để tìm nơi thuận lợi. Và tôi cũng nói thẳng luôn, chính Hội Việt Kiều là người tuyên truyền, lôi kéo người dân.”
Xa bến, xa chợ, thiếu mọi thứ
Cũng như ở xóm cũ, người dân ở đây vẫn sống bằng nghề đánh bắt thủy sản và nuôi cá trong các nhà bè. Tuy nhiên, do vẫn chưa có nơi neo đậu ổn định và việc di dời được tiến hành đúng vào thời điểm bắt đầu mùa đánh bắt cá (đầu tháng 10 hàng năm) nên hiệu quả đánh bắt không cao.
Theo bà con ngư dân thì bình quân mỗi ngày một gia đình đánh bắt được từ 2 đến 5 kg cá. Với số lượng cá này thì số tiền bán được không đủ chi phí xăng dầu mang cá ra bến chợ bán nên nhiều người, nhất là những hộ dân có nhà nằm ở phía cuối xóm phải lâm vào hoàn cảnh hết sức thiếu thốn.
Chị Lê Thị Gấm có nhà nằm ở cuối xóm nổi, cách bến chợ hơn 3 km chia sẻ: “Chỗ mới vất vã hơn chỗ cũ, từ lên tới giờ mần có được gì đâu, rồi nó xa xôi. Rồi người nghèo khổ, giả tỷ như làm được hai ký lô (cá), đâu có đủ đem đi bán đâu nên để ăn luôn. Hồi trước gần, dễ hơn, người ta được một ký, hai ký, bán cũng được tiền, còn bây giờ mình ở xa vậy nè, chạy đi về là hết ba bốn (lít) dầu, rồi mần được hai ba ký lô cá làm sao mà đủ sống.”
Tuy chỉ cách trung tâm dân cư khoảng hơn 3km, vị trí neo đậu mới này nằm ở khúc sông vắng, hai bên bờ sông có đoạn ngập nước nên ở đây không có điện lưới, không có nước sạch sinh hoạt và gần như biệt lập với bên ngoài.
Chỗ mới vất vã hơn chỗ cũ, từ lên tới giờ mần có được gì đâu, rồi nó xa xôi. Rồi người nghèo khổ, giả tỷ như làm được hai ký lô (cá), đâu có đủ đem đi bán đâu nên để ăn luôn. Hồi trước gần, dễ hơn, người ta được một ký, hai ký, bán cũng được tiền.
-Chị Lê Thị Gấm
Những người vừa di dời cho biết hồi tháng 5 năm 2015, chính quyền tỉnh Kampong Chhang có thông báo về việc di dời làng nổi sang nơi mới nhưng đảm bảo sẽ chuẩn bị điều kiện để người dân có thể sinh hoạt và hoạt động làm ăn sau đó sẽ cho di dời. Tuy nhiên, gần 1500 hộ dân này phải dời nhà đến vị trí hoàn toàn không có sự chuần bị gì và đời sống hết sức khó khăn.
Ông Bùi Văn Ái, sinh sống nhiều đời trên nhà bè ở tỉnh Kampong Chhnang, cũng thuộc nhóm vừa bị di dời cho biết ông hoàn toàn bất ngờ trước quyết định của chính quyền và ông không còn tin tưởng chính quyền sở tại. Ông Ái chia sẻ: “Họ nói là sẽ kiếm chỗ cho mình đàng hoàng, điện nước, điện có, đường xá có, tui sống nghề cá thì phé (bến tàu, bến xuồng – tiếng Khmer) cá có, rồi tự dưng người ta thay đổi chương trình, người ta đuổi cấp tốc luôn.”
Giải thích về việc người dân phải sống trong tình trạng thiếu điện, xa chợ, không có trường học, ông Sun Sovannarith, Phó tỉnh trưởng tỉnh Kampong Chhnang, cho biết hiện nay đoạn bờ sông dẫn từ khu dân cư đến khu làng nổi mới đang bị ngập nước trong tháng 11 tới đây chính quyền sẽ tiến hành kéo điện, làm đường, xây trường, dời chợ để đảm cho bà con có điều kiện sinh sống tốt nhất.
Ông Sun Sovannarith cho biết: “Khi ở nơi cũ, bà con sống co cụm, rất mất vệ sinh và không có trật tự. Khi dời sang nơi ở mới, chúng tôi đã sắp xếp trật tự, có vệ sinh và thuận tiện trong việc quản lý hành chính. Về việc thiếu thốn điện, chúng tôi sẽ bàn bạc với cơ quan chuyên môn nối điện đến đó. Song song với đó, chúng tôi cũng sẽ san lấp, làm đường lớn và mang bến tàu gần họ, tiếp theo nữa, chúng ta sẽ làm chợ ngay cạnh họ.”
Theo thông tin từ chính quyền tỉnh Kampong Chhnang thì việc di dời này nằm trong kế hoạch chỉnh trang đô thị năm năm từ năm 2015 đến năm 2019 và là bước thứ hai của bảy bước trong kế hoạch đưa người dân lên định cư trên bờ, xóa bỏ nhà bè, nhà nổi trên các nhánh của sông Mekông.
Sơn Trung tường trình từ Campuchia.
No comments:
Post a Comment