THANH HÓA (NV) - Tuyến đường mà người dân xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn, đi ra biển bị công ty FLC dựng các chốt chặn để đầu tư xây dựng sân golf, khu nghỉ dưỡng,... khiến nhiều người tức giận.
Truyền thông Việt Nam loan tin, hồi đầu tháng 10, 2015, Thường Trực Tỉnh Ủy Thanh Hóa đã ký giấy cho phép công ty FLC “cải tạo và quản lý; lập quy hoạch không gian ven biển đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn.”
Công ty FLC dựng chốt bảo vệ, không cho người dân đi lại. (Hình: Người Lao Ðộng) |
Tuy nhiên, ngày 21 tháng 10, tờ Người Lao Ðộng đã nhận được phản ánh của anh Trần Tuấn Anh, đại diện hàng trăm hộ dân xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn về việc công ty FLC chặn đường, dựng các chốt có bảo vệ canh gác không cho người dân đi ra biển.
“Ðường này có từ xưa và là con đường duy nhất ra biển. Thế nhưng, sau khi đến đầu tư xây dựng sân golf, khu nghỉ dưỡng thì FLC ‘độc chiếm’ con đường. Họ lập hàng rào quây kín lối đi, có bảo vệ gác 24/24 giờ. Người đi xe đạp, xe máy muốn qua đó phải xin phép và có lý do cụ thể, nếu không đều bị ngăn lại. Không chỉ vậy, tuyến đường nhựa Hồ Xuân Hương kéo dài nối từ trung tâm bãi biển Sầm Sơn tới xã Quảng Cư là đường nhà nước quản lý, FLC cũng dựng chốt kiểm soát người và phương tiện qua lại,” anh Tuấn Anh nói.
Quá bất bình, khoảng 3 tháng trước, người dân kéo lên ủy ban xã, thị xã biểu tình, khiếu nại. Sau đó, công ty FLC mới mở một lối khác cho người dân đi ra biển. “Tuy nhiên, con đường mới đi ra biển xa khoảng 3 cây số gấp 2 lần đường cũ và vẫn bị FLC kiểm soát. Họ không cấm tuyệt đối nhưng hôm nào thích thì cho đi, không thì ngăn lại. Ðất đai, ruộng vườn đã giao hết cho FLC, giờ còn mỗi con đường ra biển mưu sinh cũng bị ngăn lại, chúng tôi biết lấy gì mà sống?,” bà Trương Thị Hòa, một người dân địa phương lo lắng.
Không chỉ bị cấm đường, hàng trăm hộ dân ở xã Quảng Cư làm nghề cào ngao, đánh bắt hải sản dọc bờ biển cũng bị FLC không cho khai thác. Trong khi đó, ở đây có đến 4 bến thuyền, khu neo đậu truyền thống của ngư dân với khoảng 700 chiếc, gắn liền với khoảng 3,000 nhân khẩu sống nhờ vào nghề chài lưới.
Ngoài ra, còn có 51 ki-ốt dọc bờ biển tạo việc làm cho 5,000-6,000 lao động trực tiếp và gián tiếp mỗi mùa du lịch. Nếu bãi biển được quy hoạch, các ki-ốt và bến thuyền sẽ không còn, việc làm của người dân cũng bị ảnh hưởng.
Ngày 20 tháng 10, khi phóng viên báo Người Lao Ðộng đến khu vực người dân phản ánh, một tốp bảo vệ liền chặn lại, đề nghị quay về. “Hôm nay, chủ tịch (ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch FLC), thông báo không cho ai đi ra biển,” một bảo vệ nói.
Thế nhưng, ông Lương Văn Hoàng, phó chủ tịch xã Quảng Cư, khẳng định: “Họ không cấm đâu, mà họ cũng không có quyền cấm. Có thể trước đây, người dân khai thác ngao ngoài biển về thuận chỗ nào đi chỗ đó. Nay công ty FLC bịt hết lối đi, chỉ mở tuyến cố định, phải đi vòng, xa hơn vài cây số nên người dân phản ứng.”
Về những lo lắng của ngư dân khi các công trình hoàn thành, FLC sẽ dựng hàng rào ngăn hết lối đi, ông Hoàng cho biết: “Người dân lo thế thôi chứ trong các hội nghị, FLC có nói sau khi hoàn thành sẽ mở 2 lối đi ra biển cho bà con.”
Mặt dù thực tế là vậy, song ông Võ Mạnh Sơn, phó bí thư Thị Ủy Sầm Sơn vẫn cho rằng: “Chủ trương cải tạo lại bãi biển Sầm Sơn là đúng đắn.” (Tr.N)
10-22- 2015 6:04:37 PM
No comments:
Post a Comment