Bầu làm, bí chịu… 
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến ngập nước như biến đổi khí hậu, lún nền, cơ sở hạ tầng yếu kém… thì đô thị hóa là một trong những nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất. Đây là hệ quả của quá trình đô thị hóa thiếu kiểm soát, để xảy ra tình trạng san lấp kênh rạch, vùng chứa nước... dẫn đến tình trạng mực nước đỉnh triều tăng rất nhanh trong những năm gần đây. Trong khoảng thời gian 30 năm đổ lại đây, trung bình mực nước biển tăng mỗi năm 0,5cm, thì tốc độ dâng của mực nước trên sông lại là 1,5cm. 
Đó là hậu quả của việc con người can thiệp vào thiên nhiên, lấn đẩy nước ra ngoài sông qua quá trình bao đê, làm thủy lợi. Bên cạnh đó, công tác quản lý đô thị, quản lý hệ thống tiêu thoát nước cũng còn nhiều bất cập như nâng đường để tình trạng cống cao hơn hẻm… cũng như tình trạng lấn chiếm kênh rạch thoát nước, xả rác, bùn thải... vào hệ thống thoát nước cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng ngập nước. Với diện tích đô thị hóa là 650 km2, dễ nhận thấy thành phố ngày càng phát triển với rất nhiều công trình xây dựng nhà ở, cao ốc văn phòng, khu vui chơi, giải trí… 
Đó là điều đáng mừng, song nhiều chuyên gia chống ngập cho rằng đô thị hóa nhưng chưa đi kèm với công tác chống ngập một cách đồng điệu, hiệu quả, không có sự phối hợp giữa thiết kế và thi công. Người xây nhà cứ hùng hục xây, người san lấp kênh cứ chăm chăm san lấp và người chống ngập cứ miệt mài với nước ngày càng dâng cao. Theo TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (ĐHQG TP.HCM), nguyên nhân chính khiến thành phố ngập ngày càng nặng là do quá trình đô thị hóa không hợp lý, bê tông hóa thiếu kiểm soát, tự phát và chủ quan. 
Trong một bài trả lời phỏng vấn với báo chí, ông Phi nêu quan điểm: “Dường như vấn đề chống ngập không được xem là trách nhiệm chung để phối hợp thế nào cho tốt nhất. Nếu những người làm công tác đô thị hóa nghĩ đến trách nhiệm của mình trong vấn đề ngập nước thì họ đã có giải pháp cho thứ họ tạo ra. Đằng này, ai cũng cho đó là chuyện của người khác, không phải việc của mình. Ngập sẽ có ông A, B, C nào đó giải quyết, không phải việc của mình...”. 
Đau đầu giải pháp chống ngập
Một trong những giải pháp được cho là đơn giản nhất, mang tính ủng hộ tinh thần đó chính là thay đổi tư duy trong công tác chống ngập. Trước hết chính là thái độ tích cực từ người dân trong việc ý thức bảo vệ môi trường, dừng ngay hành động xả rác bừa bãi tránh việc rác trôi vào miệng cống gây tắc nghẽn. Khi nào tất cả mọi người xem việc chống ngập là trách nhiệm chung, tiền ngân sách từ túi tiền chung thì may ra hạn chế được phần nào tình trạng ngập. 
Nói giải pháp trên mang tính ủng hộ tinh thần bởi đây là câu chuyện vĩ mô mà kinh phí là bài toán nan giải. Được biết, gần đây TP.HCM có công văn gửi Thủ tướng xin ngân sách mấy chục ngàn tỉ đồng cho việc chống ngập. Trong khi vấn đề chống ngập không chỉ riêng tại TP.HCM mà Hà Nội, Đồng Nai, thậm chí Đà Lạt, Buôn Ma Thuột cũng có tình trạng ngập và dĩ nhiên phải có ngân sách cho chống ngập cho những tỉnh này. Đây thực sự là bài toán khó cho cấp Trung ương trong việc cân đối ngân sách chứ không còn là vấn đề của riêng TP.HCM nữa. 
Đến nay, TP.HCM đã đầu tư gần 30.000 tỉ đồng cho công tác chống ngập. Riêng năm 2015, ngân sách TP.HCM cho việc chống ngập là 650 tỉ đồng. Con số này nghe có vẻ lớn nhưng thực chất như muối bỏ bể. Số tiền này chỉ đủ cho công tác chống ngập, nạo vét… còn tiền xây mới hoàn toàn dựa vào ngân sách, dựa vào nguồn vốn ODA. Mà trong khoảng thời gian từ 2004 - 2015 chưa có thêm một dự án ODA nào mới cam kết vì những cái cũ chưa xong. Những cái cũ đó là Nhiêu Lộc - Thị Nghè mới hoàn thiện vào năm 2012, Tân Hóa - Lò Gốm hoàn thiện năm 2014. 
Vốn đầu tư cho các dự án chống ngập hiện chính là điểm nghẽn lớn nhất, chưa thấy lối ra. Một trong những giải pháp căn cơ được thành phố đề ra là thực hiện quy hoạch các hồ điều tiết với 103 hồ lớn nhỏ trên địa bàn để hỗ trợ thoát nước. Trước mắt sẽ thực hiện thí điểm 3 hồ, gồm hồ Gò Dưa (95 ha), hồ Khánh Hội (4,8 ha), hồ Bàu Cát (0,4 ha). Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Sứng, giảng viên khoa Môi trường, Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, một trong những biện pháp hiện nay đang nghiên cứu triển khai là áp dụng mô hình hệ thống thoát nước bền vững, giảm lượng nước mưa đổ vào cống hoặc làm chậm dòng chảy vào cống, như xây dựng các hồ điều hòa, tăng mảng xanh đô thị, tăng diện tích thấm nước trên các vỉa hè, xây dựng các hồ chứa nước mưa để tái sử dụng trong các công trình xây dựng... 
Ông Sứng cho rằng đây là các giải pháp mang tính bền vững, chủ động ứng phó với sự thay đổi của thời tiết. “Công tác thoát nước, chống ngập sẽ đạt hiệu quả cao khi có sự tham gia của tất cả người dân và các tổ chức chính trị, xã hội. Chừng nào chúng ta vẫn coi công tác thoát nước chống ngập là của ngành nước thì tình trạng ngập lụt sẽ còn xảy ra, và có thể sẽ ngày càng diễn biến phức tạp hơn” - thầy Nguyễn Văn Sứng nhấn mạnh.
Thảo Hương / Duyên dáng Việt Nam