Sunday, October 11, 2015

Sợ ‘phản động’ kích động, công an khởi tố vụ Đỗ Đăng Dư

HÀ NỘI (NV) - Công an Hà Nội đã khởi tố vụ “cố ý gây thương tích” trong tại tạm giam số 3, khiến Đỗ Đăng Dư, 17 tuổi, ngụ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội thiệt mạng. 


Đỗ Đăng Dư, 17 tuổi, chết ngày 10 Tháng Mười, 2015 sau hai tháng bị
“tạm giam” với nhiều dấu tích nhục hình. (Hình: FB Thúy Nga)
Nạn nhân chết vào chiều ngày 10 Tháng Mười, 2015, quyết định khởi tố được công bố vào sáng ngày 11 Tháng Mười, 2015. Đây có lẽ là lần đầu tiên một vụ tử vong vì bị đánh trong trại giam được khởi tố nhanh chóng như vậy. Đó cũng là lý do khiến người ta tin rằng, sự giận dữ của công chúng thể hiện cả trên mạng xã hội lẫn trong thực tế (những người bất bình đã cùng than nhân nạn nhân biểu tình) khiến công an không dám chậm trễ.
Kể từ ngày 5 Tháng Mười, nhiều Facebooker đã lên tiếng kêu gọi công chúng hỗ trợ thân nhân của Đỗ Đăng Dư, 17 tuổi, đòi công lý.
Hồi đầu Tháng Tám, Dư bị công an tạm giam với cáo buộc đã trộm hai triệu đồng của hàng xóm. Sau hai tháng tạm giam Dư, công an gọi điện thoại báo cho thân nhân của thiếu niên này là cậu bị bệnh, đang được điều trị tại bệnh viện quận Hà Đông.
Khi thân nhân của Dư đến nơi thì công an không cho tiếp xúc và bảo cậu đang ngủ. Hôm sau, Dư được chuyển từ bệnh viện quận Hà Đông đến bệnh viện Bạch Mai. Sợ thân nhân của Dư gây ồn ào, công an đã tìm mọi cách để ngăn chặn họ tiếp xúc với cậu. Sau những khoảnh khác ngắn ngủi tìm cách tiếp cận Dư, thân nhân của Dư phát giác, thân thể Dư có nhiều vết bầm tím, cậu đã hôn mê sâu, hoàn toàn bất động, mắt đứng tròng, cơ thể tiết ra dịch vàng, ruồi, kiến bu đầy người. Lúc đó, thân nhân của Dư tin rằng, nếu cậu chưa chết thì cũng khó sống...
Chết khi đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc giam để thi hành án phạt tù vốn là một vấn nạn nghiêm trọng tại Việt Nam, khiến dân chúng căm phẫn tới mức Quốc Hội Việt Nam phải tổ chức “giám sát” nhưng mức độ nghiêm trọng vẫn không giảm. Từ đầu năm đến nay, Dư là người thứ 11 chết khi đang bị công an giam.
Cũng vì vậy, những người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam kêu gọi nhau phải phản ứng mạnh mẽ hơn. Một Facebooker tên là Đoàn Bảo Châu, nhấn mạnh, đồng lòng chống lại cái ác trong vụ Đỗ Đăng Dư là ngăn chặn những việc đau lòng tương tự trong tương lai.
Phản ứng mạnh mẽ của công chúng khiến công an Hà Nội phải làm cùng lúc nhiều việc. Chuyện đầu tiên là cung cấp thong tin cho báo chí để “giải độc dư luận.” Tờ An Ninh Thủ Đô của công an Hà Nội và tờ Tiền Phong có tin chi tiết, tường thuật Dư chết do bị một bạn tù tên là Vũ Văn Bình đánh bởi rửa chén không sạch.




Mẹ của Đỗ Đăng Dư khi nhận được tin con uổng mạng.
(Hình: facebook Đoàn Bảo Châu)
Chuyện thứ hai là tổ chức gặp gỡ thân nhân và luật sư tình nguyện hỗ trợ cho than nhân của Dư đòi công lý. Thân nhân của Dư được khuyến cáo là cần “bình tĩnh,” không để các thế lực “thù địch, phản động,” kích động. Kết quả giám định pháp y sau khi Dư tắt thở xác định, Dư chết vừa do một đốt sống cổ bị tổn thương, máu không được đưa lên não, vừa bị chấn thương não, phù não.
Công an Hà Nội cũng cam kết sẽ điều tra về trách nhiệm của công an trại tạm giam số 3 khi để xảy ra tình trạng Dư bị đánh rồi thiệt mạng. Tuy nhiên vấn đế không chỉ có thế.
Ông Trần Thu Nam, luật sư tình nguyện hỗ trợ cho thân nhân của Dư nhận định, việc tạm giam Dư có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật. Chẳng hạn, lẽ ra khi Dư còn vị thành niên, việc hỏi cung Dư phải có cha mẹ hoặc người giám hộ chứng kiến nhưng từ khi Dư bị bắt cho đến ngày thân nhân được báo tin cậu “bệnh,” thân nhân của Dư không hề được gặp cậu.

Thậm chí họ còn tin rằng cậu chỉ bị đưa vào “trường giáo dưỡng” (nơi giáo dục những trẻ vị thành niên phạm các tội ít nghiêm trọng) chứ không biết Dư đã bị khởi tố hay chưa. (G.Đ)
10-11- 2015 2:06:46 PM

No comments:

Post a Comment