Nhiều hộ dân ở Khiếu Năng Tĩnh (P.An Lạc, Q.Bình Tân) vẫn còn ngập nặng mỗi khi mưa lớn
Mỗi khi có những trận mưa lớn, Sài Gòn lại chìm trong biển nước. Những hình ảnh ngập lụt, tắc đường trên phố được chia sẻ rầm rộ trên các trang báo, mạng xã hội. Và mỗi lần như thế, người dân lại thầm hỏi: "Sài Gòn bao giờ hết ngập?".
Sài Gòn ngập lắm, Sài Gòn ơi...
Sau trận mưa lớn vào ngày 15.9, nhiều tuyến đường ở TP.HCM rơi vào tình trạng ngập nặng, giao thông hỗn loạn và cuộc sống của nhiều hộ dân bị đảo lộn. Những tuyến đường ngập nặng như đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) có đoạn ngập gần 1m, cầu vượt vòng xoay Cây Gõ (Q.6 và Q.11), Điện Biên Phủ… tình trạng mưa lớn kéo dài đã gây nên kẹt xe hàng loạt, các phương tiện nhích từng chút một trên đường.
Đoạn từ gần vòng xoay Phú Lâm đến Bến xe miền Tây, nhiều tuyến đường kẹt xe nghiêm trọng như cầu vượt Hàng Xanh, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phan Đăng Lưu, Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh), Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu (Q.3)… Đặc biệt ở cầu vượt Hàng Xanh giao thông gần như tê liệt trong nhiều giờ liền và phải đến 22 giờ cùng ngày các phương tiện mới được lưu thông thuận lợi.
Nhiều vật dụng trong nhà bị nhấn chìm trong nước, dịch bệnh sốt xuất huyết là điều đáng lo ngại hiện nay. |
Người dân Sài Gòn đã quen với việc ngập nước nên nhiều gia đình đã tự chống ngập “dã chiến” bằng cách dùng bao tải cát làm đê bao che chắn trước cửa để tránh nước tràn vào nhà, xả bần, dùng máy bơm nước ra ngoài… Thế nhưng, đây chỉ là những giải pháp tạm thời, còn để chống ngập triệt để thì phải “nhờ” các cơ quan quản lý. Mấy năm qua cứ tới mùa mưa là người dân sống quanh khu vực đường Ấp Chiến Lược (Q. Bình Tân) lại lao đao.
Đây được coi là khu vực chịu ảnh hưởng ngập nặng nề nhất, lần ngập kỷ lục lên đến hơn 0,5m, trẻ con không được ra khỏi nhà vì sợ “đuối nước”, việc sinh hoạt của các hộ dân ở đây trở nên khó khăn vì thiếu nước sạch. “Mùa này chỉ đổi, bán nước sạch là đắt vì nhà nào cũng thiếu nước sạch dùng, tôi cũng không dám lấy hàng về bán nhiều vì ngập và ẩm thấp như thế này hàng hóa dễ bị hư hỏng” - chị Huê bán tạp hóa cho biết. Theo số liệu báo cáo của Sở GTVT TP.HCM về trận mưa “lịch sử” xảy ra chiểu 15.9 “có 72 tuyến đường bị ngập với độ sâu từ 0,1m - 0,6m”. Đại diện Sở GTVT nhận định: “Lượng mưa ngày 15.9 vừa qua lớn từ 92 - 142 mm, triều dâng 1,4m, trong khi các tuyến cống thoát nước của thành phố được thiết kế, xây dựng ứng với nước triều là 1,32m và cống cấp 1 cũng “chịu được” mưa cao nhất chỉ gần 96mm. Cả hai yếu tố này đều vượt công suất thiết kế của hệ thống thoát nước hiện hữu của thành phố”.
Làm hồ điều tiết ngầm
Hơn chục ngày qua, nhiều tuyến đường ở phường An Lạc (Q.Bình Tân) vẫn bị nước bao vây khiến sinh hoạt hàng ngày của người dân gặp nhiều khó khăn. Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay chính là nước sạch. Việc thiếu nước sinh hoạt sau ngập lụt là vấn đề đầy nan giải bởi lẽ đa số các giếng, hồ bị ùn ứ rác và ô nhiễm khiến nhiều hộ dân phải mua nước sạch để sinh hoạt. Và cũng chính việc thiếu nước sạch, tình trạng ứ đọng rác gây ô nhiễm đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, chất lượng sống của người dân, đặc biệt khi đang mùa dịch sốt xuất huyết. Và để giảm ngập và ngăn chặn những điểm ngập mới phát sinh, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM đang triển khai đồ án quy hoạch xây dựng 103 hồ điều tiết với tổng diện tích khoảng 875ha.
Việc đi lại, sinh hoạt hàng ngày của người dân gặp nhiều khó khăn. |
Theo ông Hà Minh Châu, Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu TP.HCM, chính quyền thành phố chọn địa bàn Q.4 để thi công thí điểm công trình hồ điều tiết Khánh Hội để giảm ngập úng khi mưa lớn. Hiện UBND Q.4 đang đề xuất ghi vốn để triển khai trong năm 2015. Một số hồ khác như hồ Thủ Thiêm (thuộc quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm, Q.2), hồ Gò Dưa (Q.Thủ Đức), hồ Bàu Cát (Q.Tân Phú) cũng dự kiến khởi công cuối năm 2015.
Một điểm đáng chú ý là các hồ điều tiết này có thể được thi công dạng hồ ngầm và có thể tận dụng không gian bên trên các hồ điều tiết chứa nước mưa để làm công viên, khu vui chơi giải trí... Còn theo nhận định của nhiều chuyên gia, để thực hiện việc chống ngập đến năm 2020, TP.HCM đang cần thêm 66.820 tỉ đồng. Và trong lúc đợi các hồ điều tiết được triển khai cũng như chờ thêm vốn để thực hiện việc giảm ngập thì người dân Sài Gòn vẫn ngậm ngùi sống chung với ngập lụt.
Thu Hiền - Lâm Vi / Duyên dáng Việt Nam
No comments:
Post a Comment