16/09/2015 22:28
Cơn bão số 3 không đổ bộ vào TP Đà Nẵng và chỉ có gió lớn nhưng gần 500 cây xanh đã đổ; hơn 450 cây nghiêng ngã, gãy cành
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, cây xanh ngã đổ la liệt trên các tuyến đường ở trước Làng Thể thao Tuyên Sơn, kênh Phú Lộc, đường 2-9, Hoàng Sa, Thăng Long và khu vực cầu Thuận Phước, Nguyễn Tri Phương… đều có đường kính từ 20-30 cm trở lên.
Công nhân Công ty Công viên Cây xanh Đà Nẵng trồng lại những cây bị ngã đổ
Cây bị bật gốc nhiều nhất là phượng. Hầu hết những cây bị bật gốc đều trồng rất cạn, nhiều cây bộ rễ bị cắt cụt, có cây bị bật gốc còn dính cả bao ni-lông trong bộ rễ. Một cây viết có đường kính chừng 40 cm trên đường 2-9 bị ngã, rễ giơ lên trời, lưa thưa vài rễ phụ, còn lại bị đứt cụt.
Ông Nguyễn Hữu Kim, Phó Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh Đà Nẵng, cho rằng cây đổ hàng loạt là do mưa lớn kéo dài làm đất bị nhão hay do cây trồng trên đường bị đào bới liên tục. Nhưng nguyên nhân chính là trồng cây quá lớn, để bứng cây lớn đi trồng thì phải cắt rễ chính (rễ cọc) nên rễ phát triển kém, chỉ còn các rễ phụ. Hơn nữa, cây đã phát triển thân to, tán rộng nhưng hố trồng lại quá cạn, chỉ một cơn gió mạnh cũng khiến cây ngã đổ.
Theo ông Kim, Công ty Công viên Cây xanh Đà Nẵng chỉ là đơn vị tiếp nhận, duy tu bảo dưỡng còn việc trồng cây do nhiều đơn vị khác thực hiện nên nhiều lúc công ty không biết họ trồng cây gì, đến khi bàn giao mới biết. Chẳng hạn một số dự án cây xanh mà công ty vừa tiếp nhận như hệ thống cây xanh ở cầu Nguyễn Tri Phương khoảng 30 cây nhưng có trên 15 cây bị bật gốc, ngã đổ hay cây xanh ven kênh Phú Lộc cũng bị bật gốc trơ trọi. Còn những cây xanh trồng tại các dự án vành đai, nguồn vốn là của Ngân hàng Thế giới nên họ giao cho đơn vị nào trồng là tùy họ.
“Trong các cuộc họp, công ty đã nhiều lần đề xuất nên trồng cây có đường kính từ 5-7 cm nhưng các đơn vị vẫn cứ trồng cây có đường kính 20-30 cm. Những năm qua, công ty không có trong thành viên giám sát nên đành chịu” - ông Kim cho hay.
Việc trồng cây xanh trên địa bàn TP Đà Nẵng thực hiện theo hình thức đấu thầu. Tại một số khu dân cư mới, các đơn vị đầu tư thường trồng cây lớn, có bóng mát để dễ bán đất. Mục đích tạo thêm nhiều mảng xanh cho đô thị trong khu dân cư để bán đất cho dễ nhưng với sự nóng vội trồng cây cao to lại không thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật sẽ gây thiệt hại hàng tỉ đồng cho TP về sau. Tháng 8-2015, TP Đà Nẵng đã đồng ý để Công ty Công viên Cây xanh Đà Nẵng nằm trong ban giám sát các dự án có trồng cây xanh trên địa bàn nên ông Kim cho rằng sắp tới, việc trồng cây xanh sẽ được giám sát chặt chẽ.
Vụ việc này khiến người dân TP Đà Nẵng nhớ đến cơn bão số 11 năm 2013 đã càn quét hơn 7.000 cây xanh. Sau đó, người dân phát hiện hàng ngàn cây ngã đổ là do cây trồng quá cạn, thậm chí nhiều cây bật gốc còn nguyên bao ni-lông. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ đã yêu cầu giám đốc Sở Xây dựng và Công ty Công viên Cây xanh kiểm tra xử lý vụ việc. Sau khi kiểm tra, ông Phạm Việt Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng (hiện đã chuyển công tác), thừa nhận nguyên nhân do trồng không đúng quy trình, kỹ thuật, trồng không đúng chiều sâu, thậm chí bó bầu còn lưới.
Từ năm 2012 đến tháng 6-2013, TP Đà Nẵng đã trồng 15.000 cây xanh các loại tại 57 dự án hạ tầng khu dân cư bất chấp việc cây trồng không phù hợp với điều kiện thời tiết.
Bài và ảnh: HOÀNG DŨNG
No comments:
Post a Comment