Rau héo, thịt cá thiu, có giòi, công nhân than dở và bỏ bữa
Phóng viên Lao Động Việt - Công nhân làm vất vả, tới giờ cơm còn phải ráng nuốt từng miếng cơm cho có cái trong bụng mà tiếp tục làm, chứ không hề cảm nhận chút hương vị ngon nào từ bữa ăn.
Cô công nhân công ty Freetrend thuộc khu chế xuất Linh Trung 2, phường Bình Chiểu, Thủ Đức cho hay: “Công ty Freetrend chưa bao giờ ngộ độc, nhưng mấy món ăn kho rất là dở, ăn không được”.
Còn cô công nhân công ty giầy Ching luh thuộc khu công nghiệp Thuận Đạo, Bến Lức, Long An cũng than: “Rau thì làm héo, cá thì làm bằng cá sình , cá ươn, canh nấu như là đại dương, chỉ toàn nước không thấy cái, thích thì họ nêm, không thích thì họ không nêm” - cô cũng cho biết mình toàn phải chuẩn bị thức ăn để mang theo ăn trưa, mà không ăn trong công ty, mặc dù cô bị buộc đóng tiền ăn, và không được trả lại đồng nào.
Công nhân công ty Great Pin, Đức Hòa Hạ, Đức Hòa, Long An và công nhân công ty Diamond, KCN Mỹ Phước, Bến Cát, Bình Dương cho biết: “Ăn để khỏi đói mà có sức làm vậy thôi, chứ thật sự ăn không nổi”
Công nhân của công ty Chingluh cho biết thêm : “Một đôi vợ chồng trong cùng công ty thậm chí đã gặp phải thức ăn có giòi, công nhân chụp ảnh lại nhưng quản lý nhà ăn sau đó đã lấy điện thoại người công nhân xóa ảnh, phi tang chứng cứ”.
Công đoàn hay lãnh đạo công ty và có cả bên đại diện nhà ăn có họp bàn với công nhân về bữa ăn, nhưng cô cho biết: “Lãnh đạo công ty và công đoàn của công ty, họ chỉ gọi công nhân lên hỏi cho có lệ rồi mọi thứ lại như cũ, họ hỏi thì họ hỏi, nhưng họ muốn làm gì họ làm’’.
Suất ăn trong công ty là do công nhân (CN) trả tiền, thì tại sao không cho họ chọn lựa mà ép họ ăn những thức ăn nuốt không nổi, đến mức họ phải bỏ ăn hoặc phải đem theo thức ăn. Vì không có một quy định nào bắt buộc công nhân phải trả tiền để ăn cơm trong công ty cả, nếu bắt buộc, đồng nghĩa với việc công ty đã vi phạm pháp luật về quyền tự do ăn uống của họ.
Công ty (Cty) muốn công nhân làm việc tốt, muốn CN phải có năng suất cao nhưng tại sao lại tiếc với họ một bữa ăn? Một bữa ăn không cần sơn hào hải vị, nhưng ít ra công nhân cũng phải nuốt được, và không phải bỏ bữa nhiều như vậy. Việc Cty tăng ca thường xuyên, ép sản lượng cao cho công nhân, nhưng họ vẫn cố gắng làm dù mệt, họ đã cố gắng vì Cty thì đúng ra Cty cũng phải lo cho họ thật đàng hoàng một bữa ăn có thực mới vực được đạo, đằng này, các chủ Doanh Nghiệp (DN) muốn CN làm mà không chịu đầu tư vào bữa cơm của công nhân, cắt xén từng bữa ăn, ly nước. Điều này không chỉ làm cho sức khỏe CN giảm sút mà còn gây ra tâm lý bất mãn, dễ nghĩ việc hoặc nếu có làm thì không đạt được năng suất. Vì thật vô lý khi doanh nghiệp đòi hỏi năng suất lao động cao trong khi một bữa cơm giúp công nhân dễ nuốt và no bụng để làm việc mà cũng tiếc.
Thu lợi nhuận trên bữa cơm của công nhân
Công nhân chỉ có miếng ăn để có sức làm việc thôi nhưng các doanh nghiệp cũng tận thu cho mình từng chút lợi nhuận trong bữa ăn đó.
Theo một nguồn tin trên tuổi trẻ, mỗi năm các Cty sẽ mở những buổi đấu thầu cung cấp cơm cho công nhân, cơ sở nào bỏ giá thấp nhất sẽ được chọn, nghĩa là “đấu giá ngược”, tờ báo này cho biết thêm: “Tiền hoa hồng sau đó đều được chi ra cho nhân sự quản lý, bộ phận quản lý cơm, thì đồng nghĩa với việc miếng thịt trong bữa cơm của công nhân sẽ mỏng hơn một chút”.
Theo như lời công nhân Chingluh nói, những phần thức ăn thừa, hoặc phần thức ăn công nhân bỏ bữa, nhà ăn đã đem bán lại cho những người bên ngoài, để người mua cho gia súc gia cầm ăn. Và nhờ đó họ có thêm lợi nhuận từ tiền đem bán thức ăn này mà họ không bận tâm lắm đến việc công nhân bỏ ăn hoặc ăn không được.
Công nhân Freetrend cho biết công ty bây giờ thu của công nhân là 15000 cho 1 suất cơm nhưng bữa ăn của công nhân rất dở, vì họ đã bị ăn chặn , ăn bớt và bị thu lợi trên chính phần ăn của mình.
Làm sao để công nhân được những bữa ăn tốt hơn
Công nhân cần đòi hỏi quyền lợi từ lãnh đạo bằng cách yêu cầu, đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới bữa ăn, nếu không giải quyết phải đi đến đình công.
Cô công nhân ở free trend cho biết giải pháp cô từng làm để xử lý tình trạng bữa ăn nuốt không nổi này: “Có vấn đề gì từ bữa ăn, thì mình nói lên cấp trên, nếu bản thân không dám nói thì hãy viết giấy, yêu cầu lại bữa ăn, để họ xử lý cho mình”.
Lúc này hơn bao giờ hết, nhà nước cần tạo điều kiện cho thành lập nghiệp đoàn độc lập cho công nhân, để bảo vệ, lên tiếng cho họ bữa cơm và những vấn đề khác họ gặp phải do các ông chủ chuyên thu lợi từ bữa cơm công nhân này.
Các ban ngành có trách nhiệm phải làm tốt hơn nữa việc kiểm tra và có biện pháp xử lý các cơ sở sai trái thì may ra công nhân mới có thể an tâm mà ăn cơm…
Phóng viên Lao Động Việt
No comments:
Post a Comment