24/08/2015 20:57
Báo Người Lao Động liên tiếp nhận được phản ánh của người lao động về tình trạng giới thiệu việc làm lừa đảo tại khu vực An Sương (TP HCM). Phóng viên đã vào vai để tìm hiểu sự việc
Lựa chọn giữa hàng trăm thông tin cần tuyển công nhân bốc xếp với thu nhập từ 350.000-400.000 đồng/ngày, bao ăn ở trên các website tuyển dụng việc làm, chúng tôi liên lạc với một người tên Khoa và được anh ta hướng dẫn ra Bến xe An Sương. Sáng 19-8, khi chúng tôi đến đã thấy 4 thanh niên khác cũng đang chờ nhận việc. Khoảng 15 phút sau, Khoa đến đưa tất cả chúng tôi về trụ sở Công ty TNHH DV-TM Vận chuyển hàng hóa Đại Phước, dưới cầu vượt An Sương.
Lời giới thiệu hấp dẫn
Trong căn phòng rộng chừng 25 m2 của căn nhà cấp 4 vừa là chỗ ở vừa là nơi làm việc, có hơn 10 người đang ngồi chờ. Một phụ nữ tên Lâm Minh Phương, xưng là nhân viên công ty, giới thiệu cho chúng tôi về công việc: “Thu nhập bốc xếp dưới 25 kg là 350.000 đồng/ngày, trên 25 kg là 400.000 đồng/ngày, công ty bao cơm trưa, ở miễn phí. Nếu đi làm bằng xe máy sẽ được hỗ trợ 900.000 đồng tiền nhà trọ, xăng. Làm 26 ngày được thưởng 800.000 đồng. Hàng hóa bốc xếp là bánh kẹo, bia rượu, nước giải khát, bột ngọt, đường, sữa…”.
Ngay sau đó, bà Phương yêu cầu chúng tôi đưa CMND để ghi vào sổ và nộp 320.000 đồng tiền ký quỹ. “Làm đủ 10 ngày công ty sẽ trả lại, nếu bỏ ngang thì mất số tiền này” - bà Phương lưu ý, đồng thời buộc mỗi người tìm việc phải đọc 4 số cuối của số điện thoại người giới thiệu đến công ty, dặn sau này có xảy ra sự cố gì thì gọi điện cho người đó giải quyết.
Sau khi đóng tiền, chúng tôi được hướng dẫn qua bàn bên cạnh làm hợp đồng. Chưa kịp đọc xong hợp đồng, nhân viên công ty đã hối thúc ký rồi gấp tờ hợp đồng cho vào phong bì bấm ghim lại, trên phong bì ghi sẵn số điện thoại và tên Bắc - người bố trí công việc cho chúng tôi.
Khi chúng tôi vừa ra khỏi cửa để đi nhận công việc, một thanh niên khoảng 30 tuổi bước vào, lớn tiếng cho rằng bị lừa đảo, yêu cầu trả lại tiền ký quỹ. Lập tức, một nhân viên công ty đẩy chúng tôi ra ngoài, yêu cầu đi theo xuống KCN Sóng Thần (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) nhận việc.
Vừa gặp chúng tôi, Bắc lấy hợp đồng cất giữ rồi phổ biến: “Làm việc ăn theo sản phẩm, bốc nhiêu hưởng nhiêu, công ty bao cơm trưa, ở miễn phí, thử việc 5 ngày, 10 ngày sau công ty trả lại tiền ký quỹ”. Ngay sau đó, Bắc yêu cầu chúng tôi đóng 50.000 đồng làm thẻ ra vào cổng, 50.000 đồng làm tạm trú (tuy nhiên, những ngày làm việc sau, chúng tôi không cần thẻ vẫn có thể ra vào kho bãi).
Công nhân bốc xếp đang chờ ở kho hàng trong KCN Sóng Thần
Mỗi ngày khuân vác hàng chục tấn hàng nhưng tiền công chỉ 20.000-40.000 đồng
“Không có quyền đòi hỏi”
Chúng tôi được Bắc giao cho một thanh niên tên Trọng đưa tới tổng kho trên đường số 10. Tại kho hàng số 5, gần chục lao động cởi trần đang hì hục khuân vác thùng hóa chất từ xe container xuống nền nhà kho. Thấy Trọng, một công nhân vừa bịt mũi vừa khiếu nại hàng hóa không phải là thực phẩm mà là chất độc hại, sợ ảnh hưởng tới sức khỏe. Trọng gằn giọng: “Vào đây có việc gì làm việc đó, không có quyền đòi hỏi”.
Giao việc xong cho “lính mới”, Trọng đi xe máy qua các kho khác để điều tiết người. Chúng tôi quần quật bốc hết hàng hóa trên container xuống thì cũng đã quá trưa. Lúc này, Trọng mua cơm hộp về phát cho công nhân, không quên thu 20.000 đồng/người “vì mới vô làm”.
Nghỉ trưa được một lúc, 13 giờ 30 phút, chúng tôi bắt đầu làm việc với nhiệm vụ vào container xúc bột thức ăn cho bò sữa cao sản vào các bao 50 kg, đóng gói và chất vào kho. Không khí trong container nóng hầm hập, bụi bột thức ăn bốc mù mịt khiến chúng tôi ngộp thở, cứ khoảng 30 phút phải ra ngoài hít thở rồi lại lao vào làm cho kịp giờ tài xế container đến chở đi. Vậy mà đến 18 giờ mới xong việc. Tối đó, chúng tôi được đưa về căn phòng trọ chừng 12 m2 với 8 người ở. Tắm rửa, ăn uống qua loa, chúng tôi nằm vật ra ngủ dù trong phòng chật chội và nóng hầm hập.
Ngày thứ ba, 3 công nhân được phân công bốc xếp 9 tấn hạt nhựa từ xe tải xuống. Khi công việc bốc xếp gần xong, chúng tôi thấy Trọng đến lấy tiền của nhà xe bồi dưỡng cho công nhân (7.000 đồng/tấn) nhưng số tiền này không hề được chia cho những người trực tiếp bốc xếp.
Trao đổi với những người vào làm trước chúng tôi vài ngày, được biết Trọng trả tiền công bốc xếp 10.000 đồng/tấn hàng/người vào mỗi thứ tư hằng tuần. Tuy nhiên, rất nhiều người không làm nổi một tuần nên tiền công lao động nghiễm nhiên thuộc về Trọng.
Trong nhóm chúng tôi, Minh (quê tỉnh Bạc Liêu) vào trước 3 ngày nhưng bước sang ngày thứ 5, chưa lĩnh lương đã nghỉ việc và dĩ nhiên mất luôn những khoản tiền đã đóng trước đó. Nam (quê tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng anh và em trai lên TP HCM tìm việc và bị đưa vào đây. Trưa 21-8, cả 3 anh em cùng xin nghỉ việc vì người nhà bệnh đột xuất. “Bữa giờ đủ thứ chi phí, hết sạch tiền đem theo, chắc tụi em phải xin lại anh Bắc tiền tạm trú và làm thẻ (100.000 đồng/người) để đón xe về quê” - Nam nói. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi gọi lại, Nam cho biết Bắc không trả lại tiền, 3 anh em đang vất vưởng ở Bến xe Miền Đông.
“Thấy quảng cáo trên mạng tuyển phụ xe, tui đăng ký vô làm ai ngờ bị ép xuống KCN Sóng Thần. Đã tốn gần 500.000 đồng nhưng không quen bốc vác, đuối quá trời nhưng giờ bỏ ngang là mất trắng, thôi ráng làm đủ 10 ngày, lên công ty đòi tiền ký quỹ rồi tìm việc khác” - Trường (quê huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) thở dài nói.
10 ngày được 250.000 đồng
Từng làm công nhân bốc xếp và được Trọng giữ lại làm trợ lý (hiện đã nghỉ việc), T. kể: “Công ty giới thiệu việc làm hứa trả 400.000 đồng/ngày thật ra là nói cho người lao động “ham” chứ trung bình mỗi ngày chỉ kiếm được từ 20.000-40.000 đồng. Tôi cũng từng tưởng thiệt, ký quỹ 320.000 đồng rồi xuống KCN Sóng Thần làm việc. Làm hơn 10 ngày, được trả 250.000 đồng. Lúc đó ức muốn khóc. Số tiền đó không đủ ăn trong 10 ngày, lấy tiền đâu mua sữa cho con? Còn tiền ký quỹ, tôi chưa thấy ai lấy lại được cả”.
Việc nhẹ, người ta làm rồi
Sáng 21-8, chúng tôi gặp Tuấn (quê tỉnh Kon Tum) cùng Trưởng (quê tỉnh Tây Ninh) khi cả hai lên trụ sở Công ty TNHH DV-TM Vận chuyển hàng hóa Đại Phước để đòi lại tiền ký quỹ. “Nhân viên công ty không chịu trả tiền, yêu cầu đưa hợp đồng nhưng chúng tôi đâu có ai được giữ hợp đồng trong tay đâu? Họ cũng chối bay biến, nói không liên quan gì tới công việc bốc xếp và thu nhập ở nơi bốc xếp. Sau đó, họ tiếp tục giới thiệu cho chúng tôi công việc khác, tôi đề nghị làm phụ xe tải chở sữa đi giao hàng, nhân viên này trả lời: “Việc nhẹ thì người nhà họ làm rồi, đâu đến lượt em” - Tuấn ngán ngẩm kể.
Bài và ảnh: SỸ ĐÔNG
No comments:
Post a Comment