Nhiều tuyến đường ở TP HCM dù chỉ mới đưa vào sử dụng nhưng đã lún nặng, tạo thành các vệt bánh xe, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, đường Mai Chí Thọ đoạn từ khu vực nút giao cắt với nhánh dẫn lên cầu vượt Cát Lái kéo dài đến gần chân cầu Rạch Chiếc (quận 2, TP HCM) bị lún nặng, tạo thành các vệt bánh xe có nơi cao gần 10 cm và sâu đến 10,5 cm.
“Căn bệnh” khó trị!
Chiều 16-5, tại khu vực trên, chúng tôi chứng kiến hàng trăm xe đầu kéo container, xe tải nối đuôi nhau nhích từng chút một. Hầu hết phương tiện không dám chạy nhanh vì đường xấu. Theo các tài xế, bề mặt của đoạn đường này đã bị biến dạng trong thời gian dài. Hai bên vệt bánh xe, có hiện tượng trồi nhựa tạo thành các rãnh sâu dọc theo tuyến đường dài gần 500 m. “Đây là đoạn có chất lượng xấu nhất trong toàn tuyến đường” - một tài xế nói.
Một số tài xế cho biết vào mùa khô, khi nhiệt độ tăng cao, nhựa trên bề mặt biến dạng liên tục; mỗi khi có xe tải lưu thông qua lại tạo thành vệt hằn mới. Vào mùa mưa, đoạn đường này trơn trượt, xe cứ lắc lư theo vệt hằn rất nguy hiểm.
Đường vừa làm đã lún
Đường Mai Chí Thọ, đoạn dưới chân cầu vượt Cát Lái (quận 2 - ảnh trên) và Quốc lộ 1 (quận 9) bị lún, gây mất an toàn
Trước đó, đoạn từ đường Đồng Văn Cống kéo dài đến Nguyễn Thị Định cũng bị lún sụt nghiêm trọng nên Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP phải nhiều lần cho xới lớp nhựa trên mặt để khắc phục. Thế nhưng, chỉ được một thời gian ngắn thì đâu lại vào đấy. Sau nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia hàng đầu về cầu đường, phương án sửa chữa đã được đưa ra: đổ bê-tông xi măng cho làn đường chính (làn đường dành cho xe tải, xe đầu kéo container), đoạn từ chốt đèn giao thông tại giao lộ Lương Định Của và Mai Chí Thọ. Đồng thời, kết hợp sử dụng bê-tông nhựa polymer cho các vị trí còn lại. Sau một thời gian đưa vào sử dụng, hiện đoạn đường này đã được các chuyên gia giao thông đánh giá cao và có thể khắc phục hiện tượng lún, hằn vệt bánh xe.
TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cho rằng để đoạn từ dưới chân cầu vượt Cát Lái kéo dài đến chân cầu Rạch Chiếc hết hiện tượng lún mà chỉ xử lý bằng vật liệu bê-tông nhựa thì rất khó. “Giải quyết “căn bệnh” này, cần xem lại công tác khảo sát thí nghiệm địa chất, đồng thời tính toán lượng xe và tải trọng thực tế” - TS Phạm Sanh đề xuất.
Còn theo ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu - Đường - Cảng TP, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến lún. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là kết cấu bê-tông nhựa chưa đạt chuẩn. Lượng xe tải ra vào cảng Cát Lái nhiều hơn so với dự báo (dự báo 10.000 xe/ngày đêm nhưng hiện lên tới 22.000 xe/ngày đêm). Do đó, cần hạn chế nhiều xe, nhiều loại trọng tải đi trên cùng đoạn đường, làn đường. Những đoạn đường lún nhiều có thể thay bằng kết cấu bê-tông cứng hơn như xi măng. “Hiện đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây hoạt động cùng các tàu trọng tải lớn có thể vào cảng Hiệp Phước sẽ giảm lượng xe đáng kể lưu thông trên tuyến đường này nên tình trạng lún sẽ giảm theo. Về mặt trách nhiệm, UBND TP và Hội Cầu - Đường - Cảng TP đang yêu cầu nhà thầu khắc phục những hiện tượng trên để bàn giao dự án.
Nút thắt nên phải nghiên cứu kỹ
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP, cho biết tình trạng lún trên đường Mai Chí Thọ có nhiều nguyên nhân. Hiện đơn vị đã tìm được biện pháp và hướng khắc phục. “Sau khi xử lý thành công đoạn từ đường Đồng Văn Cống đến Nguyễn Thị Định, chúng tôi đã có kế hoạch sửa chữa đoạn từ chân cầu vượt Cát Lái đến cầu Rạch Chiếc và dự tính sẽ thực hiện trong quý III năm nay” - ông Phúc nói. Theo ông, đáng lẽ đã tiến hành sửa chữa từ đầu năm nhưng vì đây là khu vực nút thắt nên phải nghiên cứu kỹ phương án điều tiết giao thông để tránh ùn ứ. “Thời gian qua, hàng hóa vào cảng Cát Lái rất nhiều, nếu sửa chữa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giao thông. Do đó, chúng tôi đang lên kế hoạch, tìm biện pháp phân luồng giao thông hợp lý rồi mới khắc phục” - ông Phúc lý giải.
Ngoài đường Mai Chí Thọ, Quốc lộ 1, đoạn từ nút giao thông Tân Vạn kéo dài đến Nghĩa trang Liệt sĩ TP (quận 9), cũng đang bị lún sụt nghiêm trọng. Tại đây, nhiều đoạn nhựa bị trồi, lượn thành sóng nhô cao gần 10 cm, gây mất an toàn. Đặc biệt, đây là tuyến đường chính ở cửa ngõ phía Đông TP, lượng xe lưu thông rất đông. Tương tự, tuyến đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy đến khu vực cảng Cát Lái) với chiều dài khoảng 1 km cũng trong tình trạng bị xuống cấp, trồi nhựa, tạo thành những rãnh kéo dài. Tuyến đường này do Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 và Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII) thực hiện.
Kẹt xe liên tục
Thời gian qua, tại khu vực đường Mai Chí Thọ, Nguyễn Thị Định (quận 2); xa lộ Hà Nội (quận 9, Thủ Đức) liên tục xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng. Có ngày, hàng ngàn phương tiện nối đuôi nhau từ ngã ba Cát Lái đến tận cảng Cát Lái trong thời gian dài. Tình trạng này khiến hàng hóa bị ùn ứ, giao thông tê liệt. Trước tình hình trên, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, cảng Cát Lái… đã phối hợp để tìm giải pháp giảm ùn tắc giao thông.
Bài và ảnh: THÀNH ĐỒNG
No comments:
Post a Comment