HÀ NỘI (NV) - Dù nợ công gia tăng nhanh chóng và đang ở mức rất cao nhưng nhà cầm quyền CSVN tuy biết nguy hiểm, vẫn phải tiếp tục vay thêm để chế độ có thể tồn tại.
CSVN đang đối diện nợ công ngày một gia tăng nhưng vẫn phải vay thêm. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
Bản tin tờ Đất Việt thuật lại cuộc họp báo của ông Trương Hùng Long, Cục trưởng cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính CSVN, cả quyết như thế tại cuộc họp mặt báo chí chiều ngày Thứ Năm 14 tháng 5 như vậy.
Theo ông Long nói trong cuộc họp báo, tỷ lệ trả nợ trực tiếp của nhà cầm quyền Việt Nam so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2013 là 15.2%; 2014 là 13.8%; 2015 là 16.1%. Với cái tỉ lệ này, ông “khẳng định, tỷ lệ này vẫn dưới ngưỡng quy định 25% của Chiến lược nợ công”, theo tờ Đất Việt.
Tuy nhiên, các con số do ông đưa ra lại mâu thuẫn với một báo cáo của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội mới đây, nói rằng “tỷ lệ trả nợ và viện trợ của Chính phủ năm nay đã lên tới 31% thu ngân sách, tức vượt ngưỡng cho phép”.
Để vận hành guồng máy, nhà cầm quyền vay từ các ngân hàng thương mại trong nước dưới hình thức bán trái phiếu chính phủ. Vay của nước ngoài qua hình thức tín dụng ưu đãi phát triển (ODA) và một số ít trường hợp phát hành trái phiếu quốc tế.
Ngân sách nhà nước CSVN không năm nào không “bội chi” tức là thu ngân sách không đủ cho chi tiêu công mọi mặt nên phải vay mượn bằng mọi cách. Trong cuộc họp báo nói trên, ông Trương Hùng Long gián tiếp nhìn nhận tình trạng chế độ ngày càng khốn đốn tài chính khi ông cho biết “Ngân sách nhà nước hiện nay đang trong giai đoạn căng thẳng”.
Hồi Tháng Hai vừa qua, ông Nguyễn Tấn Dũng trả lời một cuộc chất vấn tại Quốc Hội chỉ nhìn nhận “nợ công đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Một số dự án đầu tư kém hiệu quả, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn còn, có vụ việc nghiêm trọng”.
Nhưng trước đó, trong khóa họp cuối tháng 10 năm ngoái, một bản báo cáo tổng hợp của Quốc hội từng nói rằng “Nếu tính cả số nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ trái phiếu Chính phủ, nợ đọng xây dựng cơ bản thì nợ công của Việt Nam đã vượt trần.”
Trước ngày ông Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn ở Quốc hội, bà Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa cảnh báo rằng năm nay nợ công của Việt Nam sẽ nóng hơn trước rất nhiều.
Theo bà cách đây 14 năm tức năm 2001, tỷ lệ nợ công của Việt Nam chỉ mới là 11.5% GDP thì đến năm 2010, con số này đã tăng gần 5 lần, lên thành 51.7% GDP. Trong 3 năm kế tiếp, từ 2010-2013, nợ công đi ngang, chỉ tăng tiếp lên 54.2%. Nhưng năm 2014, nợ công dự tính sẽ lại tăng vọt lên tới tận 60.3% GDP.
Ông thủ tướng, ông bộ trưởng Bộ Tài chính của chế độ và nhiều quan chức khác vẫn cho rằng nợ công của Việt Nam “vẫn ở ngưỡng an toàn”.
Trên tờ Đất Việt, Tiến sĩ Vũ Quang Việt cho rằng, cách tính đúng của nợ công phải bao gồm nợ trong nước và nợ nước ngoài của Chính phủ (cả trung ương, địa phương và DNNN); nợ để chi và nợ bảo lãnh; nợ ngân hàng, nợ qua phát hành giấy nợ như trái phiếu…
Theo ông Vũ Quang Việt, nợ trong nước và ngoài nước của doanh nghiệp nhà nước đã lên đến 50.1% GDP, số nợ này được Chính phủ đứng ra bảo lãnh thì phải cộng vào số nợ quốc gia. Nếu như vậy thì nợ quốc gia đã lên đến 106% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn 65% GDP được Ngân hàng Thế Giới khuyến nghị.
Đồng hồ dự báo nợ công Việt Nam của The Economist báo động nợ công Việt Nam sẽ tăng lên $97.35 tỷ vào năm tới, tức mỗi người dân sẽ gánh nợ $1,065.
“Tôi đã đi nhiều nước nhưng không có nước nào xài tiền tùy tiện như Việt Nam. Tôi làm việc với Quốc hội Pháp, họ không mời được bữa cơm vì chưa thông qua ngân sách. Ở đây dự thảo viết là cơ quan có thẩm quyền, đó là cơ quan nào?” Ông Trần Du Lịch, một đại biểu quốc hội CSVN ở Sài Gòn nói như thế trong buổi tọa đàm “góp ý kiến sửa đổi dự thảo Luật ngân sách nhà nước” hôm 12 tháng 5, 2015 tại Sài Gòn, theo tờ Đất Việt tường thuật. (TN)
05-14-2015 6:37:29 PM
No comments:
Post a Comment