Saturday, April 11, 2015

'Phép vua thua lệ… chủ tịch'

Theo Tuanvietnam.net-11/04/2015 02:00
 Thứ suy đồi về văn hóa ấy, tiếc thay- vẫn đang ngây ngất trước... "hoa hồng"

Dân gian từ xa xưa đã có câu ngạn ngữ phép vua thua lệ làng để nói về cái quyền uy của lệ làng- mà đã nói lệ, tức không phải luật, chỉ do làng đó tự đặt ra, bất chấp cả luật pháp kỷ cương- (phép vua).

Xe quá tải và uy tín mất thiêng

Cứ tưởng chỉ là chuyện của thời phong kiến, sau lũy tre làng, hóa ra, nó còn là chuyện của thời nay, thời kinh tế thị trường, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

Đó là vụ việc của tỉnh Hà Nam, mới đây đã gây ra sự ồn ào và chú ý của dư luận, sự bất bình của người dân nơi sở tại. Ồn ào, và bất bình bởi người dân sở tại phải chứng kiến ngày ngày hàng trăm chiếc xe trọng tải lớn với hàng chục tấn, nghênh ngang lao qua cầu Châu Sơn- cây cầu bắc qua sông Đáy, nối trung tâm t/p Phủ Lý (Hà Nam) sang Khu công nghiệp Châu Sơn, mỏ đá Kiện Khê. Trong khi, theo công năng thiết kế, cây cầu này chỉ chịu nổi xe có trọng tải dưới 3,5 tấn.

Phép vua thua lệ chủ tịch, nhập gia tùy tham nhũng, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên
Chở quá tải sẽ bị xử lý hình sự. Ảnh: VietNamNet

Trước đó, mới một vài tháng, cả XH như phát sốt vì hiện tượng xe quá tải. Bắt đầu từ một địa danh ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), ngay lập tức, vấn đề xe quá tải, còn gọi là xe “hổ vồ” phá nát các đường giao thông, gây bất bình dữ dội trên báo chí. Bởi đây cũng là một nguyên nhân lớn khiến các con đường giao thông đường bộ lâu nay, chất lượng vốn chưa tương xứng với tiền đầu tư, lại càng nhanh xuống cấp.

Hàng loạt bài viết về xe quá tải, cho thấy rõ thực trạng hoành hành của nó ra sao: Nào là “Để xe chở quá tải 03 lần, nhà thầu sẽ bị cấm cửa”; “Chủ tịch tỉnh xuống đường, xe quá tải mất hút”; “Đoàn xe quá tải khủng, bị bắt nóng giữa đêm”; “Bộ trưởng đích thân bắt xe quá tải tại công trường" v.v… và v. v…

Vì sao mà việc ngăn chặn và xử lý xe quá tải khó khăn đến vậy. Đương nhiên ai cũng hiểu, ở đây không thể thiếu chuyện lợi ích- “làm luật”- mà thực chất chỉ là “lệ”, nếu có gọi là luật, cũng chỉ là thứ luật… phi pháp. Đồng tiền giấy mỏng tang, lại có sức nặng hơn tất cả các loại xe trọng tải lớn, pháp luật, kỷ cương, phẩm chất công dân... cộng lại.

Chính vì thế, ngày 04/04 mới đây, Bộ GTVT đã phải có chỉ thị yêu cầu các đơn vị Tổng cục Đường bộ VN, các đơn vị liên quan phối hợp tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe. Thậm chí Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cam kết làm đến cùng để chấm dứt tình trạng xe chở quá tải ngay trong năm 2015.

Thực trạng những con số xe quá tải vi phạm cho thấy sức tàn phá của nó với đường xá giao thông ghê gớm thế nào.

Tính từ ngày 1/4 đến 31/12/2014, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động của 63 tỉnh, thành và 02 trạm kiểm tra tải trọng xe cố định Dầu Giây (Đồng Nai) và Quảng Ninh kiểm tra tải trọng 430.000 lượt xe, trong đó phát hiện hơn 57.000 chiếc vi phạm. Lực lượng chức năng các địa phương còn kiểm tra, xử lý 1.152 xe cơi nới thùng trái phép.

Riêng 02 tháng đầu năm 2015, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đã cho dừng, kiểm tra hơn 56.000 xe, phát hiện và lập biên bản 5.900 chiếc vi phạm (NLĐ, ngày 03/3).

Trong khi đó, cũng theo báo NLĐ, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN kiến nghị cần phải xử lý thật nghiêm với hành vi chở hàng quá tải trọng cho phép. Thậm chí, với những xe chở hàng quá tải trọng 200% trở lên, cần chuyển sang xử lý hình sự.

Còn ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô VN, đề nghị đồng thời xử nghiêm lãnh đạo địa phương nào buông lỏng, cán bộ thi hành công vụ đồng lõa, tiếp tay vi phạm. Ông còn cho biết “Ở Thái Lan, nếu chở quá tải là họ bỏ tù ngay vì đó coi như là tội phá hoại tài sản quốc gia".

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về trật tự ATGT 06 tháng đầu năm 2014, Phó TT Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, địa phương nào để “lọt” xe quá tải, Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm.

Phép vua thua lệ chủ tịch, nhập gia tùy tham nhũng, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên
Văn hóa ở đây chính là văn hóa sống, hành xử trước pháp luật, trước cộng đồng, trong nhân cách quan chức, cán bộ - một bộ phận không nhỏ.

Vậy mà mặc cho những cam kết của ông Bộ trưởng GTVT, mặc cho chỉ đạo của Phó TT, không biết có phải do mũ ni che tai, bất cần những chỉ đạo của cấp trên, kiểu đường ta ta cứđi, cầu ta ta cứ qua, mà Chủ tịch tỉnh Hà Nam Nguyễn Xuân Đông thản nhiên ký hai lần công văn cho phép xe tải trọng lớn nghiễm nhiên qua cầu. Cũng không phải tất cả xe của các doanh nghiệp trên địa bàn đều được quyền như thế, mà chỉ có xe của các DN như Xuân Trường, Hữu Trí mới được …qua cầu gió bay.

Tuy nhiên, ngay cả đại diện của cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét cho xe quá tải qua cầu cũng phải thừa nhận, do lượng xe tải được phép qua cầu khá nhiều, mặt khác, các xe tải lại có hình thức giống nhau nên nhiều khi xử lý không hết! (GDVN, ngày 23/3), thành ra có cả chuyện không ít xe quá tải khác “ăn theo” kiểu của người phúc ta

Vì sao vậy? Vì sao Bộ trống đánh xuôi, tỉnh kèn thổi ngược? Khiến cho dư luận không ít người dân ở tỉnh đặt câu hỏi vì sao Chủ tịch tỉnh lại ưu ái “bảo kê” cho vài doanh nghiệp?

Chả lẽ Hà Nam là tỉnh có quyền sống trên pháp luật?

Chuyện ông Chủ tịch tỉnh Hà Nam sử dụng "phép vua thua lệnh… chủ tịch” chưa xong, lại nổi lên chuyện ông Chủ tịch tỉnh Quảng Bình.

Xưa nay, việc chôn cất người đã khuất, nhất là người thân ruột thịt vốn là chuyện linh thiêng và là chuyện nghĩa tử nghĩa tận, nên dường như chẳng ai dám “xía” vào.

Nhưng vì sao chuyện ông Chủ tịch tỉnh Quảng Bình chôn cất bố lại bị lời vào tiếng ra? Ấy là bởi ông Chủ tịch tự chọn chỗ chôn cất thân sinh không nằm trong nghĩa trang chung, mà rất trái khoáy- chôn ở vùng đất thuộc rừng thông của lâm trường Đồng Hới, nằm sát trên trục đường chính vào trại giam Đồng Sơn (Bộ Công an), chỉ vì chỗ đó được coi là có địa thế, phong thủy đẹp nhất t/p Đồng Hới.

Điều đáng nói, mặc cho công văn của cơ quan chức năng, ngành chức năng về vị thế ngôi mộ không phù hợp quy hoạch chung, ngôi mộ vẫn được tu sửa kiên cố, đẹp đẽ, hoành tráng, như một khuôn viên, cách không xa là nghĩa trang liệt sĩ xuống cấp nghiêm trọng.

Và để hợp thức hóa, những việc cần làm ngay đã được… làm ngay. Nào là tờ trình của phường Đồng Sơn xin mở rộng nghĩa trang Đá Bạc để hợp thức hóa toàn bộ khu mộ vào trong nghĩa trang. Nào là ông Chủ tịch t/p Đồng Hới bút phê vào tờ trình của phường, và hài nhất, là đề nghị… ngược- Chủ tịch tỉnh quan tâm giải quyết. Nào là UBND tỉnh cấp thẳng 01 tỷ đồng xuống phường mở rộng nghĩa trang Đá Bạc, cũng tức là bảo đảm mộ của ông bố ông Chủ tịch nghiễm nhiên hợp pháp hóa về mọi phương diện.

Không biết sau này, phúc đức của người âm có linh thiêng phù hộ người dương hay không, nhưng trước dư luận xã hội, trước con mắt của nhân dân, chắc chắn uy tín của ông Chủ tịch tỉnh đã… mất thiêng!

Mà một khi mất thiêng, thì niềm tin, sự nể trọng, tôn ti kỳ cương pháp luật của người dân có còn thiêng?

Nhập gia tùy… tham nhũng

Trước đây, những vụ việc tham nhũng dính dáng đến các dự án ODA rất ít được nhắc đến- với lý do quan hệ đối ngoại, ngại ngần ảnh hưởng đến việc viện trợ, đầu tư. Tuy nhiên, việc không thể nói cũng đã phải nói. Bởi chính những điều xấu khuất tất của những kẻ tham nhũng, giờ đây thật sự ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế của nước Việt trên hành trình hiện đại.

Đó là vụ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam mới đây đòi VN hoàn lại tiền tư vấn đường sắt. Theo VietNamNet, ngày 02/4, việc đòi lại này dựa trên cơ sở trong phiên xét xử tại Nhật Bản, phía JTC đã thừa nhận hành động “lại quả” cho một số quan chức cao cấp của ngành đường sắt trong dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội số 01, số tiền tới hơn 16 tỷ đồng. Như vậy hợp đồng tư vấn giữa JTC với Ban quản lý các dự án đường sắt đã không tuân thủ qui định đấu thầu của JICA. Chiểu theo 'Điều kiện chung của vốn vay ODA Nhật Bản', JICA đề nghị phía VN hoàn trả toàn bộ số tiền đã giải ngân cho hợp đồng tư vấn này.

Khỏi phải nói, nỗi sượng sùng của người dân Việt như thế nào. Nhất là khi đại diện phía Nhật Bản phải nói thẳng: Nếu xảy ra lần nữa, chắc chắn người dân Nhật Bản sẽ lên tiếng và yêu cầu dừng cấp ODA cho VN.

Cho dù đến thời điểm này, phía VN vẫn đang tiếp tục điều tra ai, kẻ nào đã dây máu ăn phần  trong việc “đối ngoại” đầy tai tiếng này. Cho dù, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông có cho biết, vẫn đang trong qúa trình điều tra (06 cán bộ đường sắt đã bị bắt). Nếu đúng là có chuyện nhận hối lộ thì cá nhân, tổ chức nhận hối lộ sẽ phải hoàn tiền cho phía Nhật Bản và bị xử lý theo pháp luật.

Nhưng đây không phải vụ nghi vấn tham nhũng đầu tiên, và nếu đặt trong bối cảnh “hoa hồng” mọc …. xuyên quốc gia, có lẽ vẫn chưa phải vụ cuối cùng.

Đã từng có rất nhiều vụ việc tai tiếng, đáng tiếc, mỗi vụ một vẻ mười phân mất mát cả mười

Tỷ như : Năm 2006 - vụ tiêu cực tại PMU18: Tổng Giám đốc PMU18 bị bắt giữ và bị cáo buộc đã cá độ bóng đá với số tiền trên 1,8 triệu đô la.  Vụ án "ầm ĩ" này đã khiến Bộ trưởng Bộ GTVT thời kỳ đó phải từ chức.

Chỉ 02 năm sau, cả nước lại xôn xao vụ bê bối liên quan tới Dự án Đại lộ Đông - Tây tại TPHCM sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản, với số tiền 820.000 USD để “chạy thầu” dự án.

Bốn năm sau, năm 2012, Đan Mạch cũng tuyên bố tạm dừng cấp vốn ODA vì phát hiện các dấu hiệu bất thường về tài chính, số tiền hơn ½ triệu USD trong 03 dự án.

Đầu tháng 3/2015 mới đây, Cơ quan công tố Hàn Quốc đã phát lệnh tạm giam cựu Giám đốc chi nhánh nước ngoài của Tập đoàn Posco E&C, cáo buộc ông này đã tạo quỹ đen khoảng 10 tỷ won (tương đương với 199 tỷ VNĐ) và biển thủ 04 tỷ won khi thực hiện các dự án giao thông tại VN từ năm 2009 - 2012.

Phép vua thua lệ chủ tịch, nhập gia tùy tham nhũng, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên
Ảnh minh họa: Dân trí

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng “cấm cửa” nhà thầu Louis Berger của Mỹ tham gia đấu thầu 01 năm do có hành vi hối lộ các quan chức tại Dự án Giao thông nông thôn 3 (WB3), Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng của VN.

Ở tất cả các vụ việc đáng hổ thẹn đó, một đặc điểm nổi bật, tất cả đều không do phía VN phát hiện, mà toàn do các nước chủ đầu tư phát hiện. Hiện tượng bất thường đó phản chiếu một điều- các công trình liên quan đến dự án ODA của VN bị buông lỏng về quản lý.

Mặt khác, một tâm lý tệ hại thường trực trong không ít quan chức các địa phương, các ngành, cứ nói đến dự án ODA là loại “viện trợ không hoàn lại”, một thứ cơ chế xin- cho cấp quốc tế, hoặc cho vay giá rẻ. Vì thế, quản lý lỏng lẻo vô tình là tòng phạm tiếp tay cho tâm lý tham vàng bỏ… nhân cách, cao hơn, là bỏ cả thể diện quốc gia.

Đặt trong bối cảnh tham nhũng ở XH ta luôn tranh tối tranh sáng, thì cái việc tìm ra thủ phạm, kẻ tham nhũng quả là khó như đuổi hình bắt bóng.

Dân gian từ cổ xưa có câu thành ngữ rất hay: Nhập gia tùy tục. Đáng buồn thay, các dự án ODA của các xứ văn minh khi vào VN đã “tha hóa” nhập gia tùy… tham nhũng.

Được biết, ngày 9/4, Bộ trưởng GTVT ký quyết định thanh tra đột xuất một số dự án, gói thầu do Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) làm chủ đầu tư, có sự tham gia của Cty POSCO Engineering&Construction (POSCO E&C, thuộc Tập đoàn POSCO - Hàn Quốc) (tienphong.vn, ngày 10/4)

Đặc biệt, theo TBKTSG Online, ngày 09/4, sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định mới về ODA, thay thế các nghị định khác, nhằm quản lý chặt chẽ hơn nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Đây là những động thái tích cực, cần thiết.

Nhưng liệu những kẻ có tội trong vụ việc dính líu đến dự án của ODA có bị lôi ra ánh sáng không, không ai có thể trả lời được. Và liệu có ngăn chặn được những vụ tiếp theo ở thì tương lai không, cũng không ai có thể trả lời được. Khi mà ở XH ta, luật pháp, chế tài, các quy định xử lý nghiêm khắc đều đầy đủ, nhưng tham nhũng vẫn có mặt cũng… đầy đủ không kém

Chỉ nhớ được một câu nói thẳng thắn của ông Vũ Ngọc Hoàng, UVTU Đảng, trong bài viết đăng trên Tuần Việt Nam ngày 07/4 mới đây: Đảng không thể tồn tại nếu suy đồi về văn hóa.

Văn hóa ở đây chính là văn hóa sống, hành xử trước pháp luật, trước cộng đồng, trong nhân cách quan chức, cán bộ - một bộ phận không nhỏ.

Thứ suy đồi về văn hóa ấy, tiếc thay- vẫn đang ngây ngất trước …"hoa hồng".

Kỳ Duyên

No comments:

Post a Comment