Chân Như, phóng viên RFA 2015-12-30
Ảnh minh họa
Năm 2015 đã chuẩn bị khép lại, nhìn lại trong suốt một năm vừa qua, chúng ta hãy cùng nhìn lại xem tình hình của Việt Nam từ kinh tế cho đến chính trị và xã hội chuyển biến như thế nào. Xin mời quí vị cùng Chân Như đến với chủ đề này với các bạn khách mời Thomas Võ, bạn Khải Tường và bạn Phan Duy.
Chân Như: Các bạn hãy chia sẻ một chút về bản thân, năm 2015 vừa qua đối với các bạn thế nào? Niềm vui nhiều hơn hay lo âu nhiều hơn?
Duy Phan: Đối với Duy năm 2015 vừa qua là năm đánh dấu có nhiều bước phát triển hơn với riêng cá nhân Duy. Duy học được rất nhiều thứ từ những môi trường làm việc cũ, được gặp gỡ nhiều bạn bè và tìm hiểu nhiều hơn về họ; Qua đó mình cũng có những nhìn nhận riêng của mình về nơi mình đang sinh sống.Hy vọng đến năm 2016 Duy sẽ vẫn tiếp tục phát huy như vậy.
Thomas Võ: Hiện Thomas đang làm nhân viên kinh doanh cho một công ty Canada ở miền Nam Việt Nam. Nhìn chung năm 2015 cũng ok. Tuy nhiên, nếu đong đếm niềm vui, nỗi buồn thì chắc là lo âu nhiều hơn tại vì mình làm cho công ty, nằm trong xu hướng chung nên kinh doanh không được thuận lợi cho mấy. Tất nhiên, công việc ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mình nên mình cảm thấy cũng không thuận lợi. Còn về những mặt khác trong cuộc sống của mình với những mục tiêu kế hoạch mình vạch ra cho 2015 cũng như những năm tiếp và đang đi đúng lộ trình cho cá nhân mình. Nói chung 2015 đối với bản thân mình không như ý mình mong đợi cũng hơi tiếc và mong năm sau sẽ thuận lợi hơn.
Khải Tường: Năm 2015 vừa qua đối với bản thân Khải Tường cũng có trải qua không ít biến động cũng như không ít cảm xúc. Tuy nhiên, những cái đó chỉ là những gì đó thuộc về phạm trù cá nhân mình thôi. Điều mà em thực sự muốn nói (nếu mà nói là mình là một người gì đó lo cho dân cho nước thì nói vậy nó tầm vóc quá) đó là em lúc nào cũng trăn trở, suy nghĩ, tại sao đất nước mình ngày nay rơi vào thế cục như thế này trong năm vừa qua. Em đặc biệt để ý là những vụ án hình sự ngày càng nhiều hơn. Điều đó làm cho người Việt Nam cảm thấy tính mạng con người Việt Nam ngày càng ngày rẻ rung. Đặc biệt, năm nay em thấy cụm từ thảm sát được nhắc đến nhiều nhất. Em đang suy nghĩ liệu người Việt Nam mình có đang “máu lạnh” hơn, đầu óc họ trở nên sắt đá hơn? Hồi xưa, khi còn đi học, em nghe được câu rất hay “con người được ghép bởi hai phần, con và người” và như vậy phần “con” của người Việt Nam mình với bản chất hoang dã nó trổi dậy nhiều hơn. Nói chung, tổng quan 2015 của bản thân em thì cũng chỉ là quanh quẩn trong những gì đó hàng ngày, hàng tháng, hàng giờ nhưng những vấn đề xã hội thì làm cho mình trăn trở suy nghĩ nhiều hơn.
Chân Như: Có thể nói rằng, những gì trong năm vừa qua đối với đất nước cũng có phần nào ảnh hưởng đến cuộc sống mỗi cá nhân. Theo các bạn, những sự kiện, vấn đề gì trong năm vừa qua có tác động đến Việt Nam nhiều nhất?
Duy Phan: Có hai sự kiện em cảm thấy rất lạc quan, rất khởi sắc cho kinh tế Việt Nam đó là việc thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN. Trước đây mình cũng biết là Việt Nam nằm trong khối cộng đồng ASEAN nhưng vì kinh tế Việt Nam vẫn độc lập trong khu vực. Và khi thành lập lên cộng đồng kinh tế ASEAN này thì em nghĩ nó sẽ là đối trọng rất lớn đối với những cộng đồng kinh tế còn lại, và đối với những cường quốc về kinh tế khác, thí dụ như Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu. Lúc đó, những thành viên ở trong cộng đồng kinh tế này sẽ được bảo vệ nhiều hơn. Chúng ta sẽ không bị lệ thuộc nhiều vào những nền kinh tế quá lớn, như nền kinh tế Trung Quốc hiện nay. Ngoài ra, một việc nữa đó là Việt Nam gia nhập khối TPP- khối lớn mạnh- và lúc đó vị trí địa lý của những thành viên thì lại lan tỏa ra rộng lớn hơn nữa. Thật ra, mình nói là có lạc quan, có khởi sắc nhưng cũng phải là một thử thách rất lớn đối với Việt Nam, bởi vì khi mình trở thành thành viên của những nước cộng đồng kinh tế này thì Việt Nam phải có hướng đi, phải có tầm nhìn có những chiến lược và bắt buộc phải thay đổi những chính sách của mình. Em cảm thấy việc này rất là tốt bởi vì nó sẽ ảnh hưởng rất tốt đối với người dân Việt Nam và bắt buộc luôn họ phải vận động; Họ phải học hỏi và tìm tòi để trở thành một lực lượng lao động ngang hàng với những thành viên trong khối cộng đồng kinh tế.
Nhưng ngoài ra, trong năm 2015 cũng có những chuyển biến về tình hình không được tốt về kinh tế. Em muốn nói đến việc mình vẫn hay nghe thương lái Trung Quốc hay mua những nông sản rất lạ đời ví dụ đỉa phơi khô, chúng ta không biết họ mua để làm gì chỉ nghe nói họ mua với giá rất cao và nông dân bỏ việc canh tác (ruộng lúa) để đi săn lùng đỉa để bán cho họ. Rồi sau đó họ không mua nữa mình bị chới với, ngoài ra họ còn mua lá mãng cầu xiêm, cam non.. còn rất nhiều cái nữa. Những việc này mình có thể thấy nguy cơ tiềm ẩn của nó là sẽ làm mất cân đối cung cầu và làm xáo trộn cơ cấu thực hành nông sản ở Việt Nam, cũng như sẽ ảnh hưởng rất lớn về kinh tế. Người nông dân Việt Nam mình thực sự phải nói là họ không có nhiều kiến thức vì vậy cứ thấy thương lái Trung Quốc mua với giá cao thì họ sẵn sàng bán và họ sẵn sàng làm những việc dễ dính vào bẫy của những người thương lái Trung Quốc. Qua việc này, em thấy rõ ràng là Việt Nam mình vẫn còn bị ảnh hưởng, vẫn bị chi phối bởi Trung Quốc quá nhiều vì họ có một nền kinh tế khổng lồ trên thế giới và lại nằm sát Việt Nam, nên việc họ muốn tác động vào tình hình kinh tế của Việt Nam quá dễ dàng. Vì vậy, quay trở ngược lại việc Việt Nam gia nhập vào những khối cộng đồng kinh tế thì em nghĩ trong tương lai với tư cách là thành viên cùng với khối cộng đồng đó thì mình sẽ được bảo vệ và sẽ có những sức mạnh từ những thành viên khác để tập họp lại và là đối trọng với Trung Quốc. Đó là những suy nghĩ của em về tình hình kinh tế trong năm 2015 ở Việt Nam.
Thomas Võ: Thật ra những ý kiến của bạn Duy là những kỳ vọng mà chính phủ cũng như doanh nghiệp nhân dân Việt Nam muốn hướng đến. Tuy nhiên, giới chuyên môn về kinh tế phân tích, thật ra,những kỳ vọng mình đặt ra vẫn còn là một dấu hỏi rất lớn. Thứ nhất là về cộng đồng kinh tế ASEAN, ở Việt Nam mình nhất là cộng đồng doanh nghiệp bây giờ hỏi các anh chị em về cộng đồng kinh tế ASEAN thì rất nhiều người không biết; 99,9% là người ta không biết tới. Thật ra, người ta nghĩ là cộng đồng kinh tế ASEAN nó giống như một phiên bản nâng cấp của khối ASEAN thôi. Thật ra, để tạo một khối thống nhất độc lập hơn để có thể đối trọng với Trung Quốc, giúp Việt Nam thoát Trung là cả một vấn đề. Thực tế, mô hình kinh tế cộng đồng ASEAN được nhiều người so sánh như liên minh Châu Âu. Tuy nhiên, bản chất ở trong khác biệt tại vì các nước ASEAN quá khác biệt về kinh tế chính trị văn hóa xã hội. Hơn nữa, trong khối ASEAN đang chi phối bởi quá nhiều cường quốc nên những gì Duy phát biểu thì cũng là một ý kiến. Tuy vậy, vấn đề đạt được hay không là dấu chấm hỏi rất lớn và nhiều người vẫn còn nghi ngờ bởi tính đó. Bản thân Thomas là một nhân viên kinh doanh thì Thomas không tự tin mấy về cộng đồng ASEAN này. Anh biết một năm Việt Nam nhập siêu hàng chục tỉ đô la từ Trung Quốc. Đây là vấn đề bản chất của kinh tế Việt Nam: mình quá yếu kém mình phải lệ thuộc vào họ. Để giải quyết được vấn đề này không phải là chỉ là mình gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, mình gia nhập TPP là mình có thế thoát được đâu mà phải mất cả một quá trình, mất cả một thời gian và nhận thức tư duy của từng doanh nghiệp nữa.
Còn về TPP, trong năm 2015, mình vừa kết thúc đàm phán thôi còn để ký kết thông qua, nó có thật sự đi vào hiệu lực hay không thì phải mất vài năm nữa. Nhiều người nói có thể thậm chí tới năm 2018 tại vì quốc hội từng nước phải thông qua. Đặc biệt ở Mỹ, người ta nói là TPP có thể bị vướng ở quốc hội và nó có thể thông qua khi có tổng thống mới. Dù TPP được đánh dấu là mốc rất lớn đối với Việt Nam kể từ năm 1995 sau khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. TPP thậm chí được đánh giá cao hơn cả thời điểm mà Việt Nam gia nhập WTO 2007. Thật ra, TPP rất hay vì nó sẽ là cú húych đối với tình hình kinh tế, thậm chí, chính trị văn hóa xã hội của Việt Nam nữa. Tuy nhiên, nó có thực sự giúp cho Việt Nam lớn mạnh hay không, có thể thoát khỏi Trung Quốc hay không là đòi hỏi sự nỗ lực của chính phủ nhân dân và đặc biệt tầng lớp doanh nghiệp ở Việt Nam, những người được hưởng lợi và bị tác động nhiều nhất.
Trong năm qua, Việt Nam cũng có một loạt các hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, với liên minh kinh tế Á Âu gồm Nga, Belarus, Armenia và gần đây là ký kết FTA, hiệp định thương mại tự do với Châu Âu. Rất nhiều những hiệp định thương mại tự do trong tương lai có thể ít nhiều cũng góp phần cải thiện, thúc đẩy tình hình kinh tế văn hóa xã hội ở Việt Nam. Đó là ý kiến của em.
Khải Tường: Em nghe hai bạn nói khá nhiều về vấn đề kinh tế. Thật ra, trong năm 2015 đối với em, em ít quan tâm đến vấn đề kinh tế nên em không rành như hai bạn. Em xin được nói đến vấn đề xã hội. Đối với em, xã hội ảnh hưởng đến bản thân em cũng như bản thân của người Việt Nam nhiều. Trong năm 2015, em thấy có nhiều vấn đề nổi cộm trong xã hội. Đặc biệt, em thấy có một sự kiện cũng làm cho người Việt Nam phẫn nộ nhiều: những dự án ngàn tỷ ví dụ như họ đặt ra những xây tượng này tượng kia tốn ngàn tỷ này ngàn tỷ nọ. Đây là một sự kiện mà em thấy người Việt Nam họ đoàn kết từ giới công nông, trí thức; họ đoàn kết ở mọi tầng lớp; Trong đó, em thấy có tiếng nói của giáo sư Ngô Bảo Châu nữa. Đó là một tín hiệu mà em cảm thấy là người Việt Nam đang dần biết họ đang bị lợi dụng như thế nào, những dự án xoay vòng họ như thế nào? Người Việt Nam ngày nay họ đã chú ý việc xã hội nhiều hơn. Những dự án này em nghĩ cũng liên quan đến chút ít kinh tế và là một trong những sự kiện em đánh giá là nổi cộm trong năm vừa qua.
Nói chung, đối với chính phủ Việt Nam họ làm gì thì họ hô hào rất lớn và những sự kiện đó ảnh hưởng đến người Việt Nam rất nhiều (Khi em tiếp xúc với một vài bạn hay một vài người lớn ở ngoài, thì họ nói là tham nhũng cho cố vô ăn cho nhiều vô rồi dự án này dự án nọ để rút ruột trong những công trình, những dự án đó) Em đang nhìn thấy người Việt Nam mình ngày nay họ biết cái nào là sai, cái nào là đúng nhiều hơn; họ không ngiêng về thỏa hiệp với cái sai nhiều nữa. Những vấn đề xã hội mà em nhận thấy trong năm này cũng có nhiều vấn đề nổi cộm lên như vấn đề trị an, vấn đề an ninh xã hội. Vì thế, cũng làm cho con người Việt Nam mình cũng dần cảm thấy không được bảo vệ bởi một lực lượng công an. Hàng ngày, hàng giờ, thuế nhân dân đóng vào là để nuôi cho tầng lớp đó rồi từ những tầng lớp đó vào những vị trí quan trọng của chính phủ nhưng mà họ không làm nên được tích sự gì hết nếu không muốn nói thậm chí có phần đi lùi lại, và càng ngày càng diễn biến xấu hơn tệ hơn. Một vấn đề xã hội em nhìn thấy nữa là tác động đến Việt Nam nhiều là sự thoát Trung của Myanmar; vừa rồi có thêm Venezuala. Em cảm thấy những chế độ chủ nghĩa xã hội ở những nước đó gần như là sụp đổ thì nó cũng ảnh hưởng đến người Việt. Bởi khi họ đọc những tin tức hằng ngày trên báo thì họ còn nói là những nước người ta sao mà khôn thế, họ biết bỏ tối theo sáng, đó em nghĩ đó cũng là một trong những vấn đề xã hội mà ảnh hưởng đến người Việt Nam nhiều nhất.
Xin cám ơn phần chia sẻ vừa rồi của ba bạn Duy, Thomas và Khải Tường. rất tiếc là thời gian cho chương trình đã không còn, nên chúng ta sẽ tiếp tục cuộc nói chuyện này vào tuần sau, cũng trong chương trình Diễn Đàn này.
No comments:
Post a Comment