Wednesday, December 30, 2015

Tranh chấp Biển Đông đẩy Việt Nam về phía Mỹ

Bức ảnh được chụp qua cửa kính máy bay quân sự cho thấy Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động bồi đắp tại Đá Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, ngày 11/5/2015.
Bức ảnh được chụp qua cửa kính máy bay quân sự cho thấy Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động bồi đắp tại Đá Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, ngày 11/5/2015.

VOA-30.12.2015
Quan hệ Việt-Trung căng thẳng vì Trung Quốc xâm lấn Biển Đông đang đẩy giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam về hướng đế quốc Mỹ cựu thù, theo tường thuật của báo Washington Post.
Trong bài viết vừa đăng tải, báo này nói rằng để có thêm đồng minh, Bắc Kinh tung những khoản vay và đầu tư hàng chục tỷ đô la ra cho các nước láng giềng Châu Á, nhưng nỗ lực này tại Việt Nam không được như ý khi mà Hà Nội tìm mọi cách gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP do Mỹ dẫn đầu nhưng lại né tránh Con đường Tơ lụa của Bắc Kinh.  
Trung Quốc nói họ muốn giúp các nước trong khu vực xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để phát triển kinh tế với ý tưởng tái tạo lộ đồ thương mại với các nước qua các khoản vay từ Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á.
Dù có thể hưởng lợi từ sự hỗ trợ tài chính của Bắc Kinh, nhưng Việt Nam e ngại rằng kế hoạch này có thể ẩn chứa một toan tính tiềm ẩn.
Báo Washington Post dẫn lời Tiến sĩ Trần Trường Thủy, một chuyên gia về Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam, nói rằng ‘Chúng tôi nghi ngại vì không biết rõ mục tiêu thực chất là gì. Núp bóng  Con đường Tơ lụa, Trung Quốc có thể thăng tiến tuyên truyền về chủ quyền của họ.’
Việt Nam đã gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á, nhưng không bước vào Con đường Tơ lụa.
Sau căng thẳng Việt-Trung hồi tháng 5 năm 2014 khi Bắc Kinh đưa giàn khoan khổng lồ áp sát Hoàng Sa vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, mối quan hệ Việt-Mỹ đang cải thiện  càng có thêm xung lực mới, theo bài báo của Washington Post.
Trong năm qua, phân nửa trong số 16 thành viên Bộ Chính trị Việt Nam đã thực hiện các chuyến công du tới Mỹ, trong khi nửa chục giới chức cấp Nội các Hoa Kỳ sang thăm Hà Nội.
Tháng 7 năm nay, lần đầu tiên người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam được đón tiếp tại Tòa Bạch Ốc trong khi nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng dự kiến đặt chân tới Việt Nam vào năm sau.
Lệnh cấm vận vũ khí Washington áp dụng với Hà Nội nhiều thập niên đã được dỡ bỏ một phần vào năm ngoái hầu giúp Việt Nam cải thiện khả năng tuần tra biển trước sự gia tăng hiện diện ngày càng nhiều của Trung Quốc trên Biển Đông.
Thế nhưng chỉ dấu rõ ràng nhất của sự xích lại gần nhau này chính là sự góp mặt của Việt Nam trong Hiệp định TPP, thỏa thuận tự do thương mại giữa Mỹ với 11 nước Thái Bình Dương không bao gồm Trung Quốc mà Việt Nam kỳ vọng sẽ giúp họ giảm được sự lệ thuộc kinh tế vào Bắc Kinh.
Kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu Pew cho thấy Mỹ được đa số dân chúng Việt Nam yêu chuộng trong khi Trung Quốc bị đa số dân Việt nghi ngại, với tỷ lệ 78% người Việt thích Mỹ so với 19% có cảm tình với Trung Quốc.
Tuy nhiên, tờ Washington Post thừa nhận rằng Việt Nam hiểu rõ họ cần phải duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc. Bài báo viết rằng ‘từ các yếu tố lịch sử và địa lý có thể thấy rõ rằng Việt Nam không thể biến Trung Quốc thành kẻ thù.’
Vẫn theo phân tích của Washington Post, dù không quay lưng với các khoản đầu tư từ Bắc Kinh nhưng Hà Nội sẽ chọn lọc cẩn trọng và tất nhiên là sẽ không bao giờ tin tưởng vào các ý định của nước láng giềng phương Bắc.
Theo The Washington Post, Breitbart

No comments:

Post a Comment