Thursday, December 3, 2015

Thế nào là “nói xấu” trên Facebook?

 Chân Như, phóng viên RFA 2015-12-03  
000_Hkg10109896-622.jpg
Bộ truởng Nguyễn Bắc Son cho rằng dùng facebook để nói xấu nhau sẽ bị xử phạt hành chính, nặng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. AFP File
Vừa qua trong cuộc trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 10 của quốc hội VN, ông Nguyễn Bắc Son, bộ truởng bộ thông tin, truyền thông cho rằng, dùng facebook để nói xấu nhau sẽ bị xử phạt hành chính, nặng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy thế nào bị xem là nói xấu? Nếu những ai nói lên sự thật về những bất công, hoặc đánh giá về những sai trái của cá nhân nào đó có bị xem là nói xấu hay không? Đó là chủ đề cho diễn đàn bạn trẻ kỳ này với Chân Như và ba bạn khách mời từ Việt Nam là bạn Lâm Duy, Thomas Võ và Phan Duy.

Nói xấu hay để nhận xét?

Chân Như: Theo các bạn, thế nào được xem là "nói xấu"? Vậy những người nói lên sự thật không tốt hoặc nhận định, đánh giá về những sai trái của cá nhân nào đó có thể bị xem là “nói xấu” được hay không?
Thomas Võ: Em nghĩ nói xấu tức là nói những điều mình cho là không tốt về người khác. Một khi mình nói lên quan điểm đánh giá người khác là chưa tốt thì đối với cá nhân em, em không nghĩ đó là nói xấu vì mình có thể đưa ra những chính kiến để nhận xét. Còn đối với cá nhân được đánh giá thì tùy theo cách nhìn nhận của họ để bản thân họ tự nhận định là người khác nói xấu hay không xấu về họ. Riêng bản thân Thomas nghĩ, khi mình phát biểu về những điều mà trong đó mình đánh giá chưa tốt về người khác thì đó là quyền tự do ngôn luận của mình. Đó không phải là nói xấu.
Em nghĩ nói xấu tức là nói những điều mình cho là không tốt về người khác. Một khi mình nói lên quan điểm đánh giá người khác là chưa tốt thì đối với cá nhân em, em không nghĩ đó là nói xấu vì mình có thể đưa ra những chính kiến để nhận xét.
-Thomas Võ
Lâm Duy: Theo nhận xét của mình, cụm từ nói xấu nó hoàn toàn là một cách thể hiện quan điểm cá nhân; Và đã là quan điểm cá nhân thì nó mang tính chủ quan không nhất thiết phải đúng. Tuy nhiên, ở trong luật định không có một quy định nào đề cập tới việc xử phạt kể cả hành chính lẫn hình sự, hay về dân sự đối với lại những hành vi gọi là nói xấu mà chỉ có hành vi gọi là xúc phạm thì mới cấu thành những tội có liên quan. Đối với hành vi xúc phạm thì cần phải đặt nó vào một bối cảnh là tranh chấp dân sự tức là một người cảm thấy họ bị xúc phạm thì có quyền khởi kiện khiếu nại người bị cáo buộc là xúc phạm người khác; Hai người nếu không đồng ý với nhau thì có thể dẫn nhau ra toà. Toà án là nơi quyết định bên nào thắng kiện bên nào không. Và để cáo buộc một người mà họ có xúc phạm mình hay không thì cần có những căn cứ pháp lý khác, như về mức độ thiệt hại về danh dự nó như thế nào để có được một phán quyết của toà án để xem ai đúng ai sai.
Phan Duy: Vì câu hỏi trên của anh chỉ hỏi về vấn đề thế nào là nói xấu. Với em nói xấu, ngay cả bản thân từ đó đã nêu lên được những cái ý nghĩa của nó; tức là nêu lên quan điểm về một vấn đề nào đó hoặc về một cá nhân tổ chức nào đó. Còn vế đằng sau là xấu thì mình khoan hãy phán xét, vì ở đây em hiểu ở Việt Nam mình còn đang nhập nhằng; ngay cả trong sinh hoạt bình thường người dân mình sử dụng rất sai từ nói xấu và gần như nó đã đi vào tiềm thức rồi. Ví dụ như bây giờ em mua một món đồ mới về nhà, hàng xóm có xì xầm sau đó họ quay về nhà họ và bắt đầu bình phẩm về việc em mua món đồ quý; Việc đó nhiều người cũng quy chụp là những người hàng xóm đó đang nói xấu, nhưng bản chất có thể là nội dung câu chuyện cũng không có gì gọi là xấu chỉ là họ thấy tiếc rẻ đồng tiền khi phải mua món xa xỉ như vậy. Cho nên việc nói xấu mình cũng khó có thể định nghĩa được, nó còn tùy thuộc vào ngôn từ sử dụng ra và cách thể hiện quan điểm như thế nào nữa. Đó là ý kiến của em.
000_DV262882-305.jpg
Hình minh họa Facebook.
Chân Như: Không gian mạng xã hội như facebook không có sổ hộ khẩu hay đăng ký nhân khẩu thường trú như trong đời thật ở Việt Nam. Vậy chính quyền dựa vào cơ sở nào để xác định người "nói xấu" là ai, ở đâu để xử phạt hay mục đích chỉ là nhắm vào những người mà họ biết rõ là ai?
Thomas Võ: Vâng đây đang là một đề tài hot (nóng) tại Việt Nam. Nói thẳng ra trong vấn đề này Thomas nghĩ rằng nghiêng theo vế thứ hai mà anh Chân Như vừa hỏi đó là tùy lúc, tùy nơi, tùy địa phương đang nhắm đến những người mà họ đang cần nhắm đến. Nói thật, cá nhân mình cảm thấy không hài lòng với cách giải quyết, cách xử lý của chính quyền đối với những vấn đề phát sinh trên mạng xã hội hay trên internet. Đó là ý kiến của em.
Lâm Duy: Tôi thấy rõ ràng trong trường hợp một cô giáo ở tỉnh An Giang được cho là nói xấu chủ tịch tỉnh này, đây là đề tài mà hiện giờ báo chí và công luận vẫn có những tranh luận trái chiều với nhau. Thứ nhất cần phải xem lại quyền tự do tư tưởng và quyền tự do biểu đạt đã được quy định trong hiến pháp, và cũng như đã được quy định trong công ước của liên hiệp quốc về quyền dân sự và chính trị. Liệu rằng những luật ở Việt Nam hay những nghị định mà căn cứ xử phạt cô giáo này có phù hợp với lại những cái văn bản luật mang tính chất biểu ước quốc tế hay hiến pháp hay không?. Việc thứ hai là thông qua sự kiện này, cơ quan về mặt đảng đã can thiệp rất sâu vào lĩnh vực không phải do họ quản lý. Và thứ ba là họ sử dụng những nghị định những điều luật có liên quan một cách có chọn lọc và có nhắm mục tiêu vào một đối tượng cụ thể mà họ biết rất rõ. Tôi đặt trường hợp nếu như người bị cho là nói xấu không phải là ông chủ tịch tỉnh An Giang mà là một người dân thường khác thì liệu rằng các cấp chính quyền có được huy động để xử lý một hành vi gọi là nói xấu hay không? Đó là ba câu hỏi tôi đặt ra trong sự kiện cô giáo ở tỉnh An Giang liên quan tới sự việc gọi là nói xấu chủ tịch tỉnh.
Phan Duy: Thật sự em được nghe thuật lại là cô ấy chỉ phê bình là ông là vị chủ tịch từ trước tới nay xa rời quần chúng nhân dân nhất. Việc cô ấy nói như vậy không có gì gọi là xấu vì nó không xúc phạm đến danh dự nhân phẩm mà chỉ là đưa ra quan điểm cá nhân. Nếu như ông ấy thoáng hơn thì phải nên đem lời đó thành lời góp ý để sửa chữa bản thân, còn đằng này cho đó là việc xúc phạm. Em không hoàn toàn đồng tình với việc này. Làm như vậy chẳng khác nào ông ấy đang tự đưa ra sức mạnh chuyên quyền của mình, độc đoán của mình để áp đặt tất cả người dân ở tỉnh đó phải khen, không được quyền phê bình. Điều đó là hoàn toàn sai. Con người không thể nào ai cũng hoàn hảo được, phải có những khuyết điểm. Vì vậy, chính nhờ những người bên ngoài nói ra những khuyết điểm đó để mình sửa chữa. Do vậy mà ban đầu khi định nghĩa về nói xấu em có nói là việc nói xấu phải hiểu theo hai nghĩa đó là bản chất của sự việc là xấu hay là cách của người đưa ra quan điểm, cách họ sử dụng làm ảnh hưởng đến công việc hoặc nhân phẩm của người khác.

Chính quyền can thiệp vào chuyện dân sự?

Chân Như: Và rất là may mắn là sau những lùm xùm kỷ luật rồi khiển trách thì cuối cùng câu chuyện ở An Giang cũng có được cái kết tương đối yên lành cho mọi người. Vậy, việc "nói xấu" hay không là việc dân sự giữa các cá nhân hoặc tổ chức với nhau. Người bị "nói xấu" phải khởi kiện dân sự, chứng minh thiệt hại. Các bạn nghĩ thế nào về việc chính quyền đang cố can thiệp vào những việc dân sự như vậy bằng cách quản lý và xử phạt?
Thomas Võ: Vâng anh hỏi một câu hỏi rất hay. Có rất nhiều câu hỏi trên mạng internet em đọc được là cô giáo này “nói xấu” chủ tịch tỉnh (hình như cô ấy nói là chủ tịch tỉnh nhìn kênh kiệu). Câu này được đăng trên báo thanh niên. Quả thật bản thân em xem trên mạng thì đúng là gương mặt của ông chủ tịch tỉnh này chắc cũng kênh kiệu thật. Nói chung, em nhìn hình em cũng không ưa lắm. Người ta thắc mắc và cho rằng đây là mối quan hệ dân sự giữa cô giáo và ông chủ tịch tỉnh này. Bây giờ nếu ông chủ tịch tỉnh cho là ông bị xúc phạm, nhưng vấn đề ở đây là ông không khởi kiện, ông không đá động gì hết thì tại sao chính quyền lại xử phạt cô giáo. Đúng như anh nói thì chính quyền đang cố gắng can thiệp vào. Mình có thể nói là tự do ngôn luận của nhân dân thời điểm hiện tại là vấn đề rất là nhậy cảm và nó bộc lộ điểm yếu trong hệ thống quản lý của chính quyền Việt Nam.
“Cách tốt nhất để khuyến khích một người làm một chuyện gì đó là cấm người đó làm chuyện đó.” Mình nghĩ những quyết định tương tự như vầy của chính quyền chỉ có mang tác dụng ngược. Đó là ý kiến của mình.
-Lâm Duy
Mọi người có thể dễ dàng truy cập internet và thể hiện những quan điểm cá nhân, những chính kiến, những quan điểm nhân quyền của mình trên mạng xã hội. Mình có đọc một thông tin thì họ nói là có một luật sư đã sẵn sàng hỗ trợ cô giáo này để khởi kiện. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng liệu cô giáo này dám theo đuổi vụ kiện này hay không tại vì cô ta cũng là một cô giáo làm trong cơ quan nhà nước lệ thuộc vào đảng vào chính quyền. Thứ hai, nếu khởi kiện thắng thì cô ta được gì? Hay là cô ta sẽ bị đì; thậm chí cho thôi việc. Và thứ ba, cơ quan nào sẽ dám chấp nhận lá đơn kiện của cô giáo này. Đây là vấn đề rất hot (nóng) và phải nói là rất nhạy cảm và cũng góp phần nói lên điểm yếu của hệ thống quản lý chính quyền VN trong thời buổi toàn cầu hóa hiện nay.
Chân Như: Quả thật là mọi người cũng muốn mọi việc được giải quyết đến nơi đến chốn và có lẽ chính quyền cũng thấy được nên đã kịp giải quyết ổn thỏa hơn. Giả sử như chính quyền không giải quyết kịp thời thì ý kiến của Lâm Duy sẽ như thế nào?
Lâm Duy: Có hai điểm mà mình muốn nói tới vụ việc cô giáo ở tỉnh An Giang. Thứ nhất, cô giáo này có quyết định khởi kiện hay không. Nếu không khởi kiện tức là mặc nhiên chấp nhận hình thức xử phạt hành chính này. Và đây sẽ là một tiền lệ rất xấu cho những trường hợp sau này nếu chính quyền ở những nơi khác có quyết định can thiệp vào quan hệ dân sự giữa người này và người khác. Tất nhiên, họ sẽ áp dụng một cách có chọn lọc, tức là họ sẽ không sử phạt tất cả những người gọi là nói xấu lẫn nhau, mà họ sẽ xử phạt những người nào gọi là nói xấu tới những người có chức, có quyền. Thứ hai nữa, cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép còn công dân thì có quyền làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Rất nhiều tranh cãi liên quan đến tính chất pháp lý của quy định mà chúng ta cần phải làm rõ xem là liệu quyết định xử phạt này có đúng thẩm quyền hay không.
Chân Như: Nhiều người đã thách thức việc xử phạt của bộ thông tin - truyền thông trên mạng xã hội bằng những câu đùa hóm hỉnh. Bạn nghĩ sao về phản ứng này? Biện pháp này của chính quyền có làm giảm đi tiếng nói chỉ trích các quan chức hay có tác dụng ngược lại?
Phan Duy: Em có xem một đoạn clip trên facebook của cô Lê Nguyễn Hương Trà cái nick name là Cô Gái Đồ Long thì cô có share một đoạn clip một anh gọi điện thoại cho ông (Nguyễn Bắc) Son: “anh Son ơi trên đây có nhiều đứa nói anh ngu dốt, bây giờ anh xử lý như thế nào” thì ông đó cũng trả lời vòng vo. Thật ra em nghĩ việc hành động như vậy cũng chỉ châm biếm để làm tăng sự việc để mọi người thấy vấn đề này nó trớ trêu quá, chứ cũng không thể nào làm ảnh hưởng gì đến họ được, vì họ là những người có quyền; Họ đưa ra quyết định rồi thì họ sẽ cứ thế mà làm thôi. Còn việc có giảm đi tiếng nói của họ không thì cả mấy chục năm nay rồi có bao giờ họ im lặng để nghe người dân nói đâu.
Thomas Võ: Em nghĩ biện pháp này không hiệu quả tại vì ngay bản thân những tờ báo chính thống của chính quyền Việt Nam thì vẫn có rất nhiều ý kiến. Ví dụ như qua vụ việc An Giang thì rất nhiều ý kiến ủng hộ cô giáo và phản bác lại quyết định xử phạt từ chính quyền tỉnh An Giang. Tuy nhiên, giống như bạn Phan Duy nói là nhiều người vẫn muốn chấp nhận hơn tại vì nếu nói lên tiếng nói cũng chả làm được gì, đúng không? Thật ra nếu có một vài ý kiến đưa ra thì ít ra cũng có đóng góp được tiếng nói của người trong cuộc. Riêng Thomas thấy nếu có những vấn đề sai, những vấn đề không ổn, không đúng pháp luật hiện tại thì mình có thể nêu lên những quan điểm của mình mặc dù không biết nó đi xa được đến đâu, nhưng hy vọng những ý kiến của mình cũng sẽ được mọi người tiếp nhận đặc biệt như thế này. Nếu anh Chân Như có dịp theo dõi những fan page của mạng xã hội ở Việt Nam thời điểm hiện tại, thì rất nhiều ý kiến của độc giả ủng hộ cho cô giáo ở tỉnh An Giang và ít nhiều cũng sẽ tạo ra được một luồng dư luận tích cực, tạo áp lực cho chính quyền thời điểm hiện tại. Em nghĩ là như vậy.
Lâm Duy: Mình nhớ một câu nói hết sức là tâm đắc mà mình có dịp đọc trên mạng đó là “Cách tốt nhất để khuyến khích một người làm một chuyện gì đó là cấm người đó làm chuyện đó.” Mình nghĩ những quyết định tương tự như vầy của chính quyền chỉ có mang tác dụng ngược. Đó là ý kiến của mình.
Chân Như: Xin cám ơn ba bạn Lâm Duy, Thomas Võ và Phan Duy đã dành thời gian đến với chương trình.

No comments:

Post a Comment