Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (phải) tại Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, ngày 5/11/2015.
06.11.2015
Người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc chớ quân sự hóa Biển Đông và không để cho tranh chấp chủ quyền làm phương hại các mối quan hệ gắn bó giữa hai nước cộng sản anh em.
Bloomberg dẫn thông điệp của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp hôm 5/11 với ông Tập Cận Bình trước khi Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc kết thúc chuyến công du 2 ngày hôm nay.
Nhân vật số một của đảng cộng sản Việt Nam nói hai nước Việt-Trung nên giải quyết tranh chấp thông qua các cơ chế thương thảo và tìm kiếm những giải pháp cơ bản, lâu dài mà đôi bên có thể cùng chấp nhận, kể cả phát triển một bộ quy tắc ứng xử trên biển.
Chủ tịch Trung Quốc tận dụng chuyến thăm Việt Nam lần này để hàn gắn mối quan hệ ngoại giao đang sứt mẻ do các nỗ lực xác quyết chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông bao gồm đắp đảo nhân tạo, xây đường băng cùng các cơ sở khác mà Hoa Kỳ cho là có thể dẫn tới việc quân sự hóa khu vực.
Chuyến đi của ông Tập diễn ra không bao lâu sau khi tàu chiến Mỹ khởi sự tuần tra quanh các đảo Bắc Kinh xây ở Trường Sa, một hành động công khai thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
"Với hành động tôn tạo các vùng biển đảo Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam cùng những hành động hung hãn của Trung Quốc ở Biển Đông, chuyện Tập sang Việt Nam cho thế giới thấy đây là hành động trơ trẽn nhất của nhà cầm quyền Trung Quốc."-Học giả Đinh Kim Phúc
Tại Việt Nam, ông Tập được đón tiếp bởi các nghi thức trang trọng của chính phủ Hà Nội lẫn các cuộc biểu tình đẫm máu của người dân phản đối ‘Trung Quốc xâm lược.’
Học giả Đinh Kim Phúc, nhà nghiên cứu sử học và Biển Đông trong nước, nhận xét chuyến thăm của ông Tập lần này thể hiện một mối bang giao ‘thất bại’:
“Là người theo dõi quan hệ quốc tế và quan hệ Việt-Trung, tôi thấy đây là mối quan hệ hoàn toàn thất bại. Cả chủ nhà lẫn khách đều rất ngượng. Đây là một vở kịch đóng rất tồi. Tập Cận Bình là người diễn rất tồi. Tất cả những gì Tập Cận Bình và chính phủ Trung Quốc đã làm trong thời gian qua không thể qua mắt được nhân dân Việt Nam: một bọn cướp nước đội lớp tuồng chèo, một vở tuồng rất tồi trong mối quan hệ quốc tế hiện nay. Với hành động tôn tạo các vùng biển đảo Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam cùng những hành động hung hãn của Trung Quốc ở Biển Đông, chuyện Tập sang Việt Nam cho thế giới thấy đây là hành động trơ trẽn nhất của nhà cầm quyền Trung Quốc. Với không khí Việt Nam đón tiếp Tập, với phản ứng của nhân dân Việt Nam từ Sài Gòn tới Hà Nội, chuyến đi này của Tập chỉ đóng khung trong hai chữ ‘ngoại giao’ mà thôi.”
Về vai trò của giới lãnh đạo Việt Nam trong ‘vở kịch’ này, ông Phúc cho rằng các bước đi của Hà Nội hiện giờ là chuyện thường tình dễ hiểu vì Việt Nam là ‘nước láng giềng không thể tách rời’ Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Kim Phúc nói hiện giờ là thời điểm thử thách bản lĩnh của giới lãnh đạo Hà Nội để xem ý muốn của họ có phù hợp với nguyện vọng của nhân dân Việt Nam và xu thế bang giao quốc tế hay họ vẫn muốn giữ vai trò nhược tiểu, một con tốt trên bàn cờ của các nước lớn.
Với cách ứng phó của nhà cầm quyền Việt Nam trước các động thái uy hiếp của Trung Quốc, đáp án cho câu hỏi này ra sao? Học giả Kim Phúc bình luận:
“Thế của Việt Nam trong quan hệ quốc tế hiện nay là một cái thế rất kẹt, giữa các mưu đồ, giữa cái thế của quan hệ quốc tế hiện đại. Bản lĩnh của giới lãnh đạo Việt Nam không thể hiện được trong một vài tháng hay một hai năm, mà đây đòi hỏi bản lĩnh của lực lượng lãnh đạo quốc gia phải nhìn thấu được quan hệ quốc tế trong thế kỷ 21 giữa tất cả tham vọng của các cường quốc. Tôi chỉ có thể nói rằng sống hay chết một đời người đều phải trải qua, nhưng tên tuổi và lịch sử muôn đời thì vẫn còn đó. Quyền lực cỡ nào rồi cũng phải chết, nhưng tên tuổi vinh hay nhục sẽ sống mãi với lịch sử.”
Phát biểu tại Quốc hội Việt Nam hôm nay 6/11, Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố mối quan hệ Việt-Trung đã đạt tới tầm ‘quan trọng chiến lược.’
Bắc Kinh đang tìm cách ngăn đồng minh của mình nghiêng sang Hoa Kỳ trong khi Hà Nội, giữa căng thẳng Biển Đông, vừa muốn tăng cường quan hệ với cường quốc cựu thù, vừa không muốn làm phật lòng người láng giềng hùng mạnh đã chi phối Việt Nam trong mọi lĩnh vực từ kinh tế tới chính trị.
Trong cuộc thảo luận với nhà lãnh đạo Trung Quốc về các vấn đề hàng hải, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thúc giục đôi bên kiểm soát thỏa đáng những khác biệt quan điểm, dần xây đắp sự đồng thuận, và mở rộng những lợi ích chung thông qua thương lượng.
Đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc nói Việt-Trung có ‘tình hữu nghị chặt chẽ’, ‘cần hợp tác với nhau trong một thế giới phức tạp,’ chớ để cho quan hệ song phương bị cản trở bởi bất kỳ ai.
Lãnh đạo Việt-Trung cũng nhất trí sẽ cùng bắt tay giải quyết bất đồng, duy trì các mối quan hệ ổn định, và gìn giữ hòa bình Biển Đông.
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Chủ tịch Trung Quốc, đôi bên đã ký kết 12 thỏa thuận về trao đổi văn hóa, phát triển du lịch, thiết kế những khoản vay cho các dự án đường cao tốc và đường sắt, cùng khoản viện trợ từ Bắc Kinh hỗ trợ các sáng kiến về giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho Việt Nam.
Việt Nam kêu gọi Trung Quốc chớ quân sự hóa Biển Đông
No comments:
Post a Comment