RFA -2015-11-06
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội Việt Nam ở Hà Nội vào sáng ngày 6/11/2015. AFP
Trung Quốc và Việt Nam là hai láng giềng cùng chung lý tưởng chủ nghĩa xã hội. Với một lịch sử lâu dài dù thế nào thì tình trạng gián đoạn cũng sẽ được cùng nhau giải quyết và mối quan hệ tốt sẽ tiếp tục phát triển. Đó là nội dung chính trong bài phát biều dài hơn 20 phút của Chủ tịch Tập Cận Bình trước Quốc hội Việt Nam vào sáng hôm nay.
Theo tin từ Reuters sau nhiều cuộc gặp giữa lãnh đạo cao nhất của Việt Nam và ông Tập Cận Bình trong hai ngày qua thì hầu như mọi bất đồng đã không được hai bên nhắc lại với ngôn từ căng thẳng mà gần như cùng đồng thuận trên nguyên tắc cùng nhau xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau trong tinh thần hòa bình hữu nghị.
Nói trước 500 đại biểu quốc hội Việt Nam chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh đến từ “đại cục”. Ông cho rằng hai bên phải vì đại cục để xử lý những bất đồng vì hai bên luôn là láng giềng tốt.
Báo chí Việt Nam đặc biệt chú ý tới việc ông Tập trích dẫn hai câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh 'Núi cao lên đến tận cùng, Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non', để minh họa cho ý tưởng "Quan hệ Trung - Việt đang đứng lên khởi điểm lịch sử mới. Chúng ta hãy đứng cao, nhìn xa, chung tay cùng cố gắng để có những đóng góp mới càng to lớn hơn nữa, mở ra cục diện mới đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt, vì hòa bình lâu dài, thịnh vượng chung của châu Á và thế giới".
Ông Tập Cận Bình cũng khéo léo cho là hai câu này trùng ý với nhà thơ thời Đường Vương Bột. Sự nhắc nhở này của chủ tịch Tập Cận Bình được hiểu nhiều cách trong đó có cả việc nhấn mạnh tới văn hóa lâu đời của Trung Quốc đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt.
Trong phát biểu tại hội trường Diên Hồng của Quốc hội vào sáng hôm nay chủ tịch Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh tới điều mà ông gọi là gene hòa hiếu của người Trung Quốc. Chủ tịch Tập nói rằng cái gene đó đã ăn sâu bắt rễ và hòa tan vào dòng máu của người Trung Hoa và chưa bao giờ biến dị.
Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết là tuy phát triển mạnh mẽ nhưng Trung Quốc không rời khỏi môi trường hòa bình và ổn định trên khu vực và thế giới. Phát biểu này tương ứng với bài phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng xác nhận Việt Nam sẽ cùng với Trung Quốc phát triển và gìn giữ môi trường hòa bình ổn định cho thế giới.
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh đến việc Trung Quốc và Việt Nam phải duy trì chữ “tín” làm nền tảng để làm bạn. Ông Tập cho rằng đây là nền tảng và là cơ sở để hai bên xử lý những tồn tại trong quan hệ song phương.
Tuy nhiên trong cuộc trao đổi giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và chủ tịch Tập Cận Bình tại phủ chủ tịch, ông Sang đã thẳng thắn nhấn mạnh tới việc Trung Quốc và Việt Nam đã suy giảm sự tin cậy lẫn nhau qua các tranh chấp mà bất đồng ngày càng nặng nề hơn. Ý của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang muốn nói tới vấn đề chủ quyền biển đảo cũng như một số thỏa thuận giữa hai nước không được tôn trọng.
Ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh tới việc hai bên phải tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, kiểm soát tốt tình hình và nhất là phải thực hiện nghiêm túc những thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cao cấp của hai đảng, hai nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh tới Công ước Liên hiệp quốc về luật biển năm 1982, tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC và tuyên bố về ứng xử DOC, như các tiêu chí để hai nước làm thước đo lòng tin của nhau.
Ông Trương Tấn Sang cũng nhắc tới việc cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.
Phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình được truyền tới nhân dân cả nước qua dẫn giải, tóm tắt của kênh truyền hình quốc gia. Báo chí không được phép vào phòng họp và loan tải nội dung qua bản dịch được phát sau đó.
Nói với báo chí bên lề bài phát biểu của chủ tịch Tập Cận Bình, các đại biểu quốc hội Lê Như Tiến, Dương Trung Quốc, Trương Trọng Nghĩa, và Nguyễn Anh Sơn đều có chung nhận định rằng lời nói của ông Tập Cân Bình có hay và thuyết phục cách nào chăng nữa nhưng chúng cần phải được chứng minh bằng hành động cụ thể của đảng, và chính phủ Trung Quốc.
Việc ông Bình không nhắc một từ nào về Hoàng Sa và Trường Sa trong bài phát biểu cho thấy sự chân thành của ông chưa đủ đối với nhân dân Việt Nam, mặc dù ông đã cố gắng xoa dịu bằng những lời lẽ hòa bình hữu nghị.
Sau khi phát biểu tại Quốc Hội chủ tịch Tập Cận Bình có cuộc hội đàm riêng với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trước khi ông lên đường sang Singapore.
Trong cuộc gặp này Tổng bí thư Trọng trực tiếp đưa ra lời mời TBT, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam lần tới khi Hội nghị cấp cao APEC tổ chức tại Hà Nội vào năm 2017 do Việt Nam đăng cai tổ chức.
Ông Tập Cận Bình đã chính thức nhận lời mời này.
Cuộc viếng thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình là một biến cố chính trị cho Hà Nội khi giới quan sát nhấn mạnh tới các khó khăn của Việt Nam trong việc giữ cân bằng ảnh hưởng của các cường quốc, đặc biệt với Hoa Kỳ.
Người ta cũng chú ý nhiều tới việc Bộ trưởng Quốc phòng Nhật có mặt tại Hà Nội cùng lúc với ông Tập Cận Bình. Điều quan trọng hơn cả là Bộ trưởng quốc phòng Nhật sẽ đến quân cảng Cam Ranh để quan sát và nghiên cứu việc Nhật được phép mang tàu quân sự vào cảng này để tiếp tế nhiên liệu và lương thực bắt đầu vào năm 2017.
No comments:
Post a Comment