Thạc sỹ Lê Thành LâmGửi tới BBC từ London
11 tháng 10 2015
Hôm 8/10, một số tờ báo quốc tế dẫn lời các quan chức quân sự Mỹ cho biết Mỹ có thể sắp triển khai tàu chiến vào trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Câu hỏi hiện đang đặt ra là liệu Tổng thống Obama có phê chuẩn kế hoạch này? Và Trung Quốc sẽ hành động thế nào nếu Mỹ triển khai kế hoạch trên?
Có bốn lý do được đưa ra để có thể nhận định rằng Mỹ sẽ điều tàu chiến vào khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Thứ nhất, việc cử tàu chiến tới khu vực này đã nằm trong kế hoạch của Mỹ khi mà trước đó Mỹ đã cân nhắc việc điều phi cơ hay tàu chiến tới phạm vi 12 hải lý quanh những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đang tiến hành cải tạo.
Cụ thể vào tháng 5/2015, Mỹ đã điều phi cơ trinh sát P8-A Poseidon tới đá Chữ Thập làm nhiệm vụ tuần tra trên Biển Đông.
Thứ hai, Tổng thống Obama dường như đang phải chịu sức ép từ phía cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa về việc cần phải có những hành động cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trên Biển Đông.
Hồi tháng Chín, 29 nghị sỹ Mỹ của cả hai đảng trên đã cùng ký vào một bức thư kêu gọi điều máy bay và tàu hải quân tới các đảo nhân tạo của Trung Quốc nhằm phản đối các hành động gây đe dọa tới tự do hàng hải và an ninh quốc tế của Trung Quốc.
Thứ ba, việc Trung Quốc ngang nhiên bồi đắp các đảo nhân tạo và xây dựng căn cứ quân sự trên các đảo này dường như đang thách thức chính sách xoay trục của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.
Nếu Mỹ không có hành động cứng rắn với Trung Quốc, vai trò và vị thế của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thế sẽ bị suy giảm đáng kể.
Ngoài ra, giới quan sát cho rằng quan Hoa Kỳ và Trung Quốc đã không đạt được giải pháp cho vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm mới đây của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Do đó, sẽ không có nhiều rào cản buộc Mỹ phải tuân theo trong việc điều tàu chiến tới khu vực đang có tranh chấp trên Biển Đông.
Đáp trả thế nào?
Vậy Trung Quốc sẽ đáp trả như thế nào nếu Mỹ triển khai kế hoạch điều tàu chiến tới Biển Đông mà Trung Quốc cho rằng thuộc phạm vi lãnh hải của mình?
Nhìn lại sự kiện phi cơ trinh sát P8-A Poseidon của hải quân Mỹ bay qua đá Chữ Thập hồi tháng Năm, Trung Quốc lúc đó được cho rằng đã 8 lần gửi yêu cầu phi cơ Mỹ phải rời khỏi không phận của nước này thông qua sóng radio mà không hề có bất cứ hành động quân sự nào đáp trả.
Trước đó, vào hồi tháng 4/2012 hai tàu hải giám của Trung Quốc đã chạm mặt với soái hạm BRP Gregorio Del Pilar của hải quân Philippines trên vùng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Tình trạng đối đầu giữa hai bên được duy trì trong suốt gần một tháng bằng việc hai bên liên tục có những sự điều động tại khu vực này.
Tuy vậy, cả Trung Quốc và Philippines dường như đều tránh đối đầu quân sự và tìm cách giải quyết vấn đề thông qua con đường ngoại giao.
Có thể thấy, có lẽ giải quyết xung đột tranh chấp bằng hành động quân sự không phải là lựa chọn tự động và tối ưu của chính quyền Tập Cận Bình, ngay cả khi Manila còn thua xa Bắc Kinh về tiềm lực quân sự (mà có thể là Bắc Kinh e ngại sự hậu thuẫn của Washington với Minala).
Nếu phải đối đầu với một Hoa Kỳ được cho là có tiềm lực quân sự mạnh nhất thế giới, Trung Quốc cũng sẽ đủ tỉnh táo để tránh đối đầu quân sự.
Với tiềm lực vũ khi hạt nhân như hiện nay, cả Trung Quốc và Mỹ đều hiểu rằng xung đột quân sự giữa hai bên có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường, lớn hơn.
Hơn nữa, khu vực tranh chấp trên Biển Đông mà Trung Quốc cho rằng thuộc lãnh hải của nước này lại không được Mỹ và quốc tế công nhận.
Trong khi đó, Mỹ lại cho rằng hành động điều tàu chiến tới khu vực này nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải quốc tế.
Do đó, sẽ khó cho Trung Quốc có được sự ủng hộ của quốc tế nếu Bắc Kinh muốn có hành động quân sự đáp trả.
Vì vậy, kịch bản đưa ra nếu Mỹ điều tàu quân sự tới khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông là Trung Quốc cũng sẽ triển khai lực lượng hải quân của mình vừa nhằm uy hiếp vừa nhằm thể hiện sức mạnh quân sự với Mỹ.
Và giải quyết xung đột thông qua con đường ngoại giao có lẽ vẫn là giải pháp được cả hai bên ưu tiên.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, nguyên Trưởng Bộ môn Chính trị Ngoại giao, Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
No comments:
Post a Comment