HÀ NỘI (NV) - Nạn làm phân bón giả đang hoành hành ở khắp nơi, khiến mỗi năm nông dân Việt Nam thiệt hại $2 tỷ vì vấn nạn này, bởi có sự “chống lưng” và có hiện tượng “lợi ích nhóm.”
Hiện trường tiêu hủy lô hàng phân bón giả tại Lâm Đồng.
(Hình: Báo Lao Động)
Tờ Lao Động dẫn phúc trình tại “Hội nghị phòng chống phân bón giả” được tổ chức tại Hà Nội ngày 12 tháng 10, đã khiến không ít người giật mình: “Nhiều cơ sở sản xuất phân bón hiện nay lẽ ra phải dùng bột mì để làm chất kết dính thì đã dùng đất sét, bột đá. Nông dân khi mua những sản phẩm này về bón cho lúa không những làm cho vụ lúa ấy mất mùa mà nguy hiểm hơn, đồng ruộng sẽ bị bê tông hóa.” ông Nguyễn Hạc Thúy, phó chủ tịch thường trực Tổng Thư Ký Hiệp Hội Phân Bón Việt Nam cho biết.
Theo ông Thúy, qua điều tra, một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm rõ rệt, nhưng được “chống lưng” và có hiện tượng “lợi ích nhóm,” khiến mỗi năm Việt Nam thiệt hại $2 tỷ vì nạn phân bón giả.
Để qua mắt các cơ quan chức năng, các công ty sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng, phân bón nhái nhãn mác đều áp dụng nhiều trò tinh vi để “qua mặt” cơ quan chức năng. Phải mất rất nhiều thời gian điều tra, bố trí người thăm dò, trà trộn, các cơ quan chuyên ngành mới bắt được.
Cụ thể, tháng 4, 2015, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đồng Nai thực hiện kế hoạch của ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia kiểm tra công ty Thuận Phong giả mạo sản xuất phân bón Mỹ, nhưng khi kiểm tra, phát hiện thiết bị máy móc chỉ là... chai lọ. Tương tự, công ty Quốc Tế Đông Trung 2 lần bị kiểm tra đều “thoát hiểm,” chỉ đến lần thứ 3 mới bị phát hiện và bị khởi tố.
Trước đó, công ty Tân Trường Sinh sản xuất phân bón giả cũng bị Bộ Công An khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Sau đó, Viện Kiểm Sát Tối Cao cũng có quyết định chuyển vụ án hình sự để điều tra. Nhưng không hiểu vì lý do gì, chính quyền đã làm ngơ, gây phẫn nộ trong dư luận.
Rồi nhiều vụ vi phạm khác như: Vụ công ty Vân Điền, ở Sài Gòn có dấu hiệu nhái nhãn mác công ty phân lân Văn Điển và hàm lượng không đúng với quy định, nhưng đến nay, qua 5 tháng, vụ việc vẫn đang “án binh bất động” và lượng phân bón bị bắt giữ đang có dấu hiệu được tẩu tán...
Thậm chí mới đây, người dân tỉnh Lâm Đồng cũng như báo Lao Động có bằng chứng nghi ngờ, chính chi cục quản lý thị trường tỉnh này đã “qua mặt” mọi người trong việc tiêu hủy 13.8 tấn phân bón giả HQ6. Thực chất số phân này không bị tiêu hủy theo chỉ đạo của ủy ban tỉnh, mà đã bị ông Đặng Quốc Khánh, cán bộ quản lý thị trường tỉnh mang ra ký gởi nhờ đại lý S.T tung ra thị trường tiêu thụ.
Một nhân viên bán hàng của đại lý S.T cho biết, lô phân bón 13.8 tấn mà ông Đặng Quốc Khánh mang về ký gởi niêm phong vào ngày 3 tháng 3, 2015 là có thật và tiết lộ đã bán ra thị trường.
Ông Thúy cho biết thêm, sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng mang lại cho những kẻ gian lợi nhuận khổng lồ, nhưng khi bị phát hiện thì chỉ bị phạt hành chính, hoặc bị tước giấy phép sản xuất nên không đủ sức răn đe. (Tr.N)
10-12-2015 2:39:10 PM
No comments:
Post a Comment