TS. Đoàn Xuân Lộc Gửi cho BBC từ Anh quốc -22 tháng 10 2015
Dư luận Việt Nam mấy ngày qua lại xôn xôn bàn tán, đàm tiếu – và có người bày tỏ sự bất bình – về chuyện một số ‘con ông cháu cha’ được ‘thăng quan, tiến chức’.
Được nhắc đến nhiều nhất là việc ông Nguyễn Thanh Nghị, con của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và ông Nguyễn Xuân Anh, con của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Chi, được chính thức bầu làm Bí thư tỉnh Kiên Giang và Thành phố Đà Nẵng, khi cả hai chỉ mới 39 tuổi.
Dư luận có một phản ứng khá tiêu cực như vậy vì cho rằng những người này được làm ‘quan’ chỉ vì họ là ‘con quan’.
Hình như đến giờ chưa báo nào hỏi – và cũng chưa thấy ông Nguyễn Thanh Nghị công khai giải thích – nhờ đâu ông được bầu vào chức vụ lãnh đạo cao nhất của tỉnh Kiên Giang.
Ngoài câu nói ‘phát triển Phú Quốc thành đặc khu kinh tế là chủ trương của Trung ương’, ông Nghị cũng chưa nói gì, làm gì nổi bật, đáng chú ý sau khi được chọn làm bí thư.
Thức thời, nhạy bén?
Trái lại, ông Nguyễn Xuân Anh đã thể hiện nhiều điểm khá mới mẻ, tích cực đáng quan tâm.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Infonet – báo điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông – sáng thứ Bảy (17/10), khi được hỏi nếu cha của ông không phải là ông Chi, ông có nghĩ mình sẽ được bầu vào vị trí ấy vào thời điểm này hay không, ông đã trả lời ‘có ba tôi thì đương nhiên là sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ sẽ tốt hơn. Nhưng để nói nhờ có ba mà tôi mới được bầu làm Bí thư […] thì cũng chưa phải là đúng lắm’.
Vì theo ông, dù ông là con của ai đi nữa, nếu ‘không nỗ lực, không phấn đấu và không đảm bảo một trình độ nhất định cả về trình độ năng lực, sự hiểu biết, phẩm chất đạo đức, truyền thống gia đình … thì cũng không được’.
Có thể nói đây là một câu trả lời khá trung thực, dễ chấp nhận vì chắc nhiều người đồng ý rằng ông không thể được bầu vào nắm giữ chức vụ ấy khi còn khá trẻ nếu ông không phải là con của một cựu lãnh đạo cao cấp và chính ông không cố gắng, không có trình độ, năng lực, hiểu biết hay phẩm chất nhất định.
Nếu dựa trên những cử chỉ, phát biểu, việc làm của ông trong những ngày đầu trên cương vị Bí thư Đà Nẵng, có thể nói ông Anh là người có nhiều điểm tích cực mà không phải lãnh đạo, quan chức Việt Nam nào cũng có.
Việc ông dành cho Infonet cuộc phỏng vấn tại nhà riêng chỉ một ngày sau khi đại hội kết thúc – trong đó ông đã thẳng thắn trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến nhiều vấn đề thiết thực – và ông cũng muốn qua một cuộc phỏng vấn như thế để ‘mọi người hiểu tâm tư, tình cảm, quan điểm’ của mình cho thấy ông khá thức thời, cởi mở, nhạy bén.
Trong các câu hỏi được hỏi và ông đã thắng thắn trả lời có câu hỏi trên. Chính như phóng viên và bản thân ông thừa nhận đó là một câu hỏi đã và đang có nhiều người đặt ra. Điều này chứng tỏ ông quan tâm đến thắc mắc, bức xúc của dư luận.
Có thể vì đã từng làm việc ở báo Thanh Niên, ông hiểu được tác động của báo chí và biết được dư luận nói chung và người dân nói riêng cần thông tin gì, cần gì từ lãnh đạo của họ.
Đã từng nghe/đọc nhiều bài phỏng vấn với lãnh đạo, quan chức Việt Nam, hiếm khi tác giả bài viết này cảm thấy hứng thú và đọc hết bài phỏng vấn khá dài – được Infonet chia và đăng thành bốn phần trong các ngày 17, 18 và 19/10 – như bài phỏng vấn này.
Bài phát biểu bế mạc đại hội Đảng bộ Đà Nẵng của ông cũng đề cập đến nhiều điểm thiết thực. Trong cuộc phỏng vấn với Infonet, ông cho biết trong bài phát biểu ấy, ông ‘không nói theo ý tưởng của bất kỳ ai. Cũng không sao chép lại ở đâu cả. Tôi chỉ suy nghĩ thế nào thì thể hiện nó ra như thế’.
Trong một đất nước mà lãnh đạo, quan chức hoặc quá máy móc, chỉ lo làm ‘đúng quy trình’, vận hành ‘đúng quỹ đạo’ hoặc tư tưởng, lời nói luôn bị ‘đóng khung’, buộc phải theo một ‘khuôn mẫu’ nhất định nào đó hoặc quá ‘giáo điều’, cái gì cũng phải ‘biện chứng’, không phải ai cũng dám nghĩ, thẳng thắn nói lên những suy nghĩ riêng của mình hay thừa nhận những bất cập, ‘biết sửa sai để làm đúng’ như ông.
Có tâm huyết, quyết tâm?
Nếu dựa vào những gì ông nhấn mạnh trong phát biểu bế mạc đại hội và trong cuộc trao đổi của ông với Infonet, ông Nguyễn Xuân Anh cũng là một cán bộ có tâm huyết, quyết tâm.
Bài phát biểu đề cập nhiều điểm rất cụ thể mà mỗi cán bộ, đảng viên phải làm – như phải đấu tranh ‘chống tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực’, trong đó có nạn ‘chạy chức, chạy quyền’, phải biết ‘sửa sai để làm đúng’, và phải hiểu ‘không có quyền lực ngoài pháp luật, phải thượng tôn pháp’.
Một điểm khác được ông nhấn mạnh là ‘Đảng phải vì dân’, phải biết ‘chăm lo cho dân, gần dân, sát dân, trọng dân và lắng nghe ý kiến của dân’.
Khi được Infonet hỏi tại sao trong phát biểu đó, ông nói nhiều về nhân dân, ông đã trả lời:
‘Tôi nghĩ nhân dân là cội nguồn của tất cả mọi vấn đề. Có nhân dân, còn nhân dân thì mới còn chế độ này’.
Trước nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền, lợi ích nhóm quá phổ biến ở Việt Nam và lãnh đạo, quan chức thường xa dân, coi thường dân, những điểm ông đề cập đến rất thiết thực, có ý nghĩa đối với cả chế độ và người dân.
Những điểm đó ít hay nhiều đã được một vài lãnh đạo Việt Nam đề cập tới.
Nhưng lời nói của tân Bí thư Đà Nẵng có vẻ thuyệt phục hơn vì, như khi được Infonet đề nghị ông tự nhận xét về mình, ông đã khẳng định mình là một người ‘trong sáng …, không dính vào bất cứ vấn đề gì tiêu cực, không bè phái, không phe cánh’.
Hơn nữa, trong bài phát biểu nhấn mạnh đến chuyện ‘nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều’.
Vẫn đặt Đảng trước Nhân dân
Tuy vậy, chỉ dựa vào một vài cử chỉ, lời nói, việc làm đầu tiên của ông trên cương vị bí thư, rất khó và vẫn còn quá sớm để đánh giá đúng mức tính cách, phẩm chất, khả năng, tâm huyết, quyết tâm của ông. Hơn nữa, dù có thức thời, nhạy bén, thực tế, tư duy và hành động của ông cũng không thể hoàn toàn thoát khỏi khuôn mẫu, lề lối, đường lối cố hữu của Đảng Cộng sản (ĐCS).
Chẳng hạn, trong phát biểu bế mạc đại hội, ông hứa sẽ ‘đem hết trí tuệ và tâm sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân’. Như vậy, dù nhấn mạnh ‘Đảng phải vì dân’ và ‘lấy dân làm gốc’, ông vẫn đặt Đảng trên và trước Nhân dân. Ông cũng cho rằng ‘tiết kiệm là vinh dự, lãng phí là xúc phạm đến lòng tin của dân’.
Nhưng cũng giống như những đại hội, hội nghị khác của ĐCS, trên khán đài, bàn chủ tịch hay bục phát biểu tại đại hội Đảng bộ Đà Nẵng vừa qua cũng đầy bông (hoa) rất màu mè. Không rõ Đà Nẵng đã dùng bao nhiều tiền cho hoa hòe của đại hội, nhưng chắc chắn đó là số tiền không nhỏ đối với những người dân nghèo.
Có người thách thức công khai tài sản để chứng minh mình trong sáng.
Nếu ông thực sự coi ‘lãng phí là xúc phạm đến lòng tin của dân’ và biết ‘một bộ phận nhân dân vẫn còn nghèo khó’, một trong việc những việc ‘nhỏ’ – nhưng có thể có ý nghĩa thiết thực – ông có thể làm tại Đà Nẵng là chấm dứt những hội nghị, đại hội màu mè, hình thức, tốn kém hay việc tặng bông cho lãnh đạo, quan chức khi họ đi thăm đâu đó hoặc khi họ được thăng chức.
Nói thế không có nghĩa là phủ nhận những điểm tích cực mà ông Nguyễn Xuân Anh đã cố gắng thể hiện và làm trong những ngày đâu trên cương vị lãnh đạo Đà Nẵng.
Ông có khá nhiều điểm thường thấy ở những chính khách phương Tây hay các nước phát triển, dân chủ - như có cá tính, năng động, cởi mở, thực tế, thân thiện. Với những điểm này, và nếu ông thực sự có tâm huyết, quyết tâm, ‘nói sao sẽ làm vậy’, ông sẽ giúp biến Đà Nẵng thành một thành phố ‘giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại’.
Nếu làm được như vậy, ông chắc chắn sẽ nhận được sự quý mến của nhiều người dân Đà Nẵng như họ đã từng dành cho ông Nguyễn Bá Thanh. Dư luận nói chung cũng không còn nghi ngờ, cho rằng ông được nắm giữ chức vụ ấy chỉ vì ông là con của một cựu Ủy viên Bộ Chính trị và nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả đang sống tại Anh.
No comments:
Post a Comment