Friday, October 23, 2015

Kỳ họp cuối Quốc hội khóa 13: Nhiều sự thật được bật mí

Nam Nguyên, phóng viên RFA -2015-10-23  

000_Hkg10109896-622.jpg
Một phiên họp của Quốc hội khóa 13 trước đây, ảnh minh họa. AFP

Nhiều vấn đề rất nóng

Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ vì quá cấp bách; số tiền thật của ngân sách trung ương là rất mỏng; không thể tăng lương công chức vì không có tiền hoặc vì sao phải bán hết cổ phần nhà nước ở 10 đại công ty.
Đây là những vấn đề rất nóng được bàn cãi ở kỳ họp cuối cùng, trước khi Quốc hội khóa 13 mãn nhiệm. Đáng chú ý chỉ trong vòng ba ngày từ buổi khai mạc 20/10/2015, báo chí có cơ hội tường thuật, giật tít những sự thật gây sốc được bật mí từ một số đại biểu.
Nhận xét về tình hình chung, TS kinh tế Phạm Chí Dũng một nhà hoạt động xã hội dân sự từ Saigon phát biểu:
Tình hình rối tung rồi, rối tung trước Đại hội 12 ngân sách bây giờ eo hẹp quá. Chính phủ muốn phát hành mấy tỷ đô la trái phiếu quốc tế thì tôi nghĩ tình hình rất khó khăn rồi.
-TS Phạm Chí Dũng
“Tình hình rối tung rồi, rối tung trước Đại hội 12 ngân sách bây giờ eo hẹp quá. Chính phủ muốn phát hành mấy tỷ đô la trái phiếu quốc tế thì tôi nghĩ tình hình rất khó khăn rồi.”
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội khóa 13 từng nổi tiếng với lời phát biểu thẳng thắn đáng ghi nhớ, đại ý ông cho rằng, Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một mô hình không có thật, vậy mà Việt Nam cứ mất công đi tìm. Ông Bùi Quang Vinh có phát biểu để đời ngay giữa nhiệm kỳ Ủy viên Trung ương khóa 11.
Giờ đây trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội trước khi mãn nhiệm, ông Bùi Quang Vinh lại bật mí một sự thật làm nhiều đại biểu vốn say sưa với thành tích của chính phủ phải cụt hứng, từ này chúng tôi trích từ  tường thuật của báo chí. Theo SaigonTimes Online ngày 22/10/2015, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói với phóng viên của báo là, số tiền thật của trung ương, tức ngân sách trung ương năm 2016 còn lại rất mỏng, vậy mà còn phải chi rất nhiều khoản để đầu tư, trả nợ xây dựng cơ bản của các bộ, ngành và địa phương.
Trước đó trong phiên họp tổ sáng 22/10, ông Bùi Quang Vinh cho biết Bộ Tài chính báo cáo thu ngân sách nhà nước 2016 sẽ tăng 60.750 tỉ đồng so với dự toán năm 2015. Phần tăng này chỉ đúng về mặt nghiệp vụ, lý do là Bộ Tài chính đã cộng vào đó những khoản mà các năm trước không  cộng vào như vốn viện trợ phát triển ODA, tiền giao đất và thu từ sổ số kiến thiết. Trên thực tế tất cả những khoản cộng thêm này Ngân sách Trung ương không được phép sử dụng.
Vẫn theo SaigonTimes Online, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh xác định trên thực tế Ngân sách Trung ương chỉ còn vỏn vẹn 45.000 tỷ đồng. Con số 45.000 tỷ đồng này không biết phải làm gì, chưa nói đến phải trả nợ. Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả. Ông Vinh nói số tiền đó quá nhỏ để có thể điều tiết.
no-cong-400b
Hình ảnh minh họa. AFP PHOTO.
Những sự thật về nguồn ngân sách trung ương cạn kiệt và phần nhận xét về nợ công của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh ở cuối phiên thảo luận làm cụt hứng nhiều đại biểu. Xem những gì tờ Thời báo Kinh tế Saigon Online tường thuật, người đọc báo cảm nhận, người bị chưng hửng nhất có lẽ là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Bởi vì trước khi ông Vinh bật mí các sự thật về nợ công, báo chí ghi nhận ông Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu say sưa, tâm huyết về những việc mà Chính phủ phải làm để xây dựng nông thôn, chăm lo cho người dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng được SaigonTimes Online trích lời nguyên văn:“Ngân sách như vậy thì phát triển bền vững như mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016-2020 thế nào? Đấy là chưa nói năm nay chúng ta chưa có đồng nào tăng lương. Nói hay thế mà một đồng lương không có là như thế nào.”
Các báo cáo cũng như phát biểu tại kỳ họp thứ 10, cũng là kỳ họp cuối cùng trước khi Quốc hội khóa 13 mãn nhiệm, có vẻ như cứu vãn tình hình thông tin trầm lắng của báo chí chính thức. VnExpress ngày 20/10 có bài “Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn,” tờ báo trích lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trấn an Quốc hội là nợ công vẫn dưới mức cho phép 65% GDP. Ông Thủ tướng tự hào vì mức tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%. Tuy nhiên Thủ tướng nhìn nhận nợ công tăng nhanh, cân đối ngân sách nhà nước khó khăn. Đây cũng là lý do Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép phát hành thêm 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để đảo nợ.
Thời báo kinh tế Saigon Online ngày 21/10/2015 trích lời ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhìn nhận là Chính phủ xin phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ vì quá cấp bách. Ông Thụ hàm ý rằng, kế hoạch vay nợ của chính phủ năm 2015 khoảng 436.000 tỷ đồng nhưng đã không huy động được tiền như ý muốn. Do vậy cần phải phát hành trái phiếu quốc tế vì không còn cách nào khác.
Trong tổng số 436.000 tỉ cần phải vay nợ năm 2015, thì vay nợ mới để trả nợ cũ là 125.000 tỷ, bù đặp bội chi ngân sách 226.000 tỷ và vay để đầu tư 85.000 tỷ. Những con số này cho thấy chính phủ vẫn chi tiêu bừa bãi và khả năng trả nợ là rất thấp.
Nợ công của Việt Nam được Bộ Tài chính tính toán đến hết 2014 là 59,6% GDP theo qui định nhà nước là chỉ bao gồm nợ chính phủ, nợ do chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Mới đây Bộ Kế hoạch Đầu tư đã tính toán lại, theo qui tắc quốc tế thì nợ công của Việt Nam lên tới 66,4%, phần tính bổ sung bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước và nợ bảo hiểm an sinh xã hội. Khả năng trả nợ thực tế của Việt Nam rõ ràng có nhiều dấu hỏi.
TS Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Tài khoản Thống kê Liên Hiệp Quốc nhận định:
“Hiện nay Việt nam chưa gặp khó khăn trong vấn đề trả nợ, hầu hết các khoản nợ đó là nợ chính phủ, nợ các tổ chức quốc tế với lãi suất thấp. Nhưng nếu tính thêm nợ của doanh nghiệp nhà nước thì vấn đề sẽ gặp khó khăn mà đã từng khó khăn rồi như Vinashin đã không trả nợ được và nếu nợ ngày càng tăng là vấn đề khó. Thứ hai nữa như hiện tại giá trị của đồng tiền Việt và đặc biệt Việt Nam muốn phá giá lớn để có thể xuất khẩu được. Phá giá như vậy khả năng trả nợ sẽ giảm hẳn đi, vì phải trả nhiều hơn bằng đồng VN và như vậy họ có thể không có khả năng trả nợ nữa. Số nợ hàng năm phải trả có thể hơn 20% ngân sách quốc gia, nợ càng tăng lại phá giá đồng bạc nữa thì mất khả năng trả nợ là có.”

Ẩn chứa nhiều rủi ro

Hiện nay Việt nam chưa gặp khó khăn trong vấn đề trả nợ, hầu hết các khoản nợ đó là nợ chính phủ, nợ các tổ chức quốc tế với lãi suất thấp. Nhưng nếu tính thêm nợ của doanh nghiệp nhà nước thì vấn đề sẽ gặp khó khăn mà đã từng khó khăn rồi như Vinashin đã không trả nợ được và nếu nợ ngày càng tăng là vấn đề khó.
-TS Vũ Quang Việt
Liên quan tới đề xuất của chính phủ xin phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để đảo nợ. Báo điện tử VnExpress ngày 22/10 trích lời Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn bày tỏ lo ngại, nếu phát hành trái phiếu thêm nữa sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro và sợ rằng con cháu sẽ oán giận. Ông Sơn nhấn mạnh trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm thì đời con phải trả nợ. Kỳ hạn 30 năm thì đến đời cháu.
Ông Huỳnh Ngọc Sơn đã lật lại hồ sơ việc chính phủ phát hành trái phiếu quốc tế hàng trăm triệu USD rồi cho Vinashin dùng, điều mà ông gọi là những bài học đắt giá.
Trong bối cảnh ngân sách hết tiền, bội chi lớn, thông tin báo chí đề cập nhiều đến quyết định thoái vốn nhà nước ở 10 đại doanh nghiệp đã cổ phần hóa.  Việc dứt khoát bán hết cổ phần nhà nước ở 10 công ty có thể mang lại cho ngân sách khoảng 4 tỷ USD, trong đó riêng Vinamilk số cổ phần của nhà nước theo giá đóng cửa ngày 13/10 trị giá 2,47 tỷ USD. Danh sách thoái vốn này gồm các đại gia làm ăn tốt như Vinamilk, FPT, Bảo Minh, Nhựa Bình Minh và một số công ty khác.
Mặc dù chính phủ cải chính việc bán hết vốn nhà nước ở 10 đại công ty là để lấy tiền bù đắp thiếu hụt ngân sách. Nhưng trên một phương diện khác thì việc này có thể xem như một tín hiệu ban đầu về việc tư nhân hóa nền kinh tế. Tuy rằng có những lo ngại việc thực hiện dễ bị thất thoát tiền nhà nước, cũng như những hậu quả gây tác dụng ngược trên thị trường. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long ở Hà Nội nhận định:
“Việt nam khác với các nước nếu mà nói tư nhân hóa thì dị ứng, có nghĩa là trái với xã hội chủ nghĩa. Cách tư duy như vậy cũng là lỗi thời không đúng, cho nên hiện nay yêu cầu thoái vốn nhà nước đối với những lĩnh vực mà nhà nước không cần đầu tư, mà tư nhân có thể đầu tư vào thì cần phải thoái. Đây là quan điểm hoàn toàn đúng với cơ chế thị trường. Điều này thể hiện việc chú ý tới động lực phát triển khu vực tư nhân. Nhưng việc thực thi có đúng hay không thì hãy chờ đợi, nghe thì biết ở đó thôi. Chứ còn thực thi có hiệu quả thì theo tôi nghĩ rất khó như lời nói.”
Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long nhấn mạnh tới việc Thủ tưóng có kế hoạch đến hết năm 2015 sẽ cổ phần hóa hơn 400 doanh nghiệp nhà nước, nhưng đến nay thực hiện được rất ít. Việc này, theo ông gây ra nhiều hậu quả mà vấn đề trách nhiệm cần phải đặt ra.
Quốc hội Việt Nam khóa 13 bước vào kỳ họp thứ 10 cũng là kỳ họp cuối cùng, kéo dài 31 ngày bắt đầu từ 20/10. Đây là khoảng thời gian sau cùng trước khi rất nhiều đại biểu nắm chức vụ cao cấp trong chính phủ, trong Đảng sẽ kết thúc cuộc đời chính trị của mình vì không đủ điều kiện về độ tuổi được tái cử, thí dụ Ủy viên Trung ương Đảng không quá 60 và Bộ Chính trị không quá 65.
Người dân Việt Nam hiếm khi được nghe những lời nói thật về thực trạng đất nước mình. Nhưng trong những ngày vừa qua, nhiều đại biểu đã bật mí những sự kiện rất thật về tình hình kinh tế tài chánh quốc gia. Báo chí tỏ ý tiếc nuối nếu như Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh không được tái cử vào Trung ương Đảng khóa 12, lý do ông Vinh sẽ ở tuổi 63 vào sang năm. Như thế báo chí và người dân sẽ thiếu vắng một ông dám nói thật trong khi đang còn tại chức.

No comments:

Post a Comment