Tuesday, October 27, 2015

Công lý lệch lạc, thêm một vụ hoãn tử hình vào giờ chót

THANH HÓA (NV) - Sáng 26 tháng 10, đại diện Tòa Án Tối Cao đã tiếp thân nhân tử tù Lê Văn Mạnh và hứa sẽ xem xét lại toàn bộ vụ án, đồng thời phủ nhận kế hoạch xử tử tử tù này.



Một trong những cuộc biểu tình yêu cầu tạm hoãn xử tử, tái xét lại bản án
đã tuyên đối với ông Mạnh. (Hình: Internet)

Trước đây, tòa án tỉnh Thanh Hóa từng gửi thư cho gia đình tử tù Lê Văn Mạnh, 33 tuổi, thông báo sẽ tổ chức xử tử ông Mạnh vào ngày 26 tháng 10. Sau khi nhiều người, nhiều giới hỗ trợ thân nhân ông Mạnh kêu oan, kêu gọi tạm hoãn thi hành án tử đối với ông Mạnh, cuối tuần qua, khi trò chuyện với tờ Thanh Niên, một thẩm phán phụ trách thi hành án của tòa án tỉnh Thanh Hóa phủ nhận kế hoạch xử tử ông Mạnh vì “hội đồng thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh chưa họp và chưa có bất kỳ quyết định nào.”

Trong khi đó, lúc trò chuyện với tờ Tuổi Trẻ, chánh án tòa án tỉnh Thanh Hóa lại thừa nhận đã quyết định tạm hoãn thi hành án tử hình đối với ông Mạnh theo đề nghị của thân nhân ông Mạnh để chờ ý kiến của Tòa Án Tối Cao vì chỉ Tòa Án Tối Cao mới có quyền quyết định xét lại vụ án hay không.

Tháng 3 năm 2005, ông Mạnh, lúc đó 23 tuổi, ngụ tại xã Yên Thịnh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, bị bắt, bị cáo buộc và thú nhận đã cưỡng hiếp rồi giết một thiếu nữ 14 tuổi.

Tuy nhiên sau đó, ông Mạnh liên tục kêu oan. Ông Mạnh giải thích, sở dĩ ông nhận tội là vì bị tra tấn. Trong ba năm từ 2005 đến 2008, vụ án này được xử sáu lần (ba lần sơ thẩm, ba lần phúc thẩm). Cuối cùng, tại lần thứ bảy, khi giám đốc thẩm vụ án này, Tòa Án Tối Cao vẫn không quyết định giữ nguyên phán quyết của thuộc cấp: Tử hình ông Mạnh!

Đáng lưu ý là khi xác định ông Mạnh “hiếp dâm” và “giết người,” hệ thống tư pháp Việt Nam không thu thập được bất kỳ chứng cứ nào chứng minh ông Mạnh là hung thủ. Phán quyết “tử hình” chỉ dựa vào hai yếu tố: (1) Ông Mạnh đã từng thú tội và (2) Tố cáo của em gái ông Mạnh.

Ông Mạnh đã từng giải thích nhiều lần rằng, trong quá trình điều tra, sở dĩ ông nhận tội vì liên tục bị các điều tra viên treo lên rồi đánh. Nếu không nhận tội, có thể ông đã chết và không còn cơ hội xin minh oan.
Còn “tố cáo” của em gái ông Mạnh về chuyện anh trai “hiếp dâm” và “giết người” được công an vào tận trường của cô để “thu thập.” Dẫu lúc đó, em gái ông Mạnh chỉ mới 9 tuổi nhưng công an không hề mời cha mẹ của cô giám sát việc lấy lời khai. Gia đình ông Mạnh chỉ biết em gái của ông được công an sử dụng làm “nhân chứng” khi tòa công bố “bằng chứng.” “Nhân chứng” thì khẳng định cô chẳng biết gì cả và đã “ký tên, điềm chỉ” theo yêu cầu của “các chú công an.”

Trước hàng loạt dấu hiệu bất thường trong vụ án Lê Văn Mạnh, bảy luật sư ở Việt Nam đã tình nguyện hỗ trợ thân nhân của ông Mạnh kêu gọi tạm hoãn xử tử, tái xét lại bản án.

Ông Trần Vũ Hải, một trong bảy luật sư này, kể rằng, hôm 22 tháng 10, bảy luật sư đã ký tên vào một kiến nghị, phân tích những điểm bất thường của vụ án, đề nghị tạm hoãn xử tử ông Mạnh, tái xét lại bản án nhưng Tòa Án Tối Cao không chịu nhận kiến nghị.

Đã có những vụ biểu tình trước Tòa Án Tối Cao kêu gọi tạm hoãn xử tử, tái xét lại bản án đã tuyên đối với ông Mạnh. Công an thành phố Hà Nội đã dùng vũ lực giải tán những cuộc biểu tình này, kể cả bắt một số người biểu tình, trong đó có cả mẹ của ông Mạnh.

Tháng 12 năm ngoái, dưới áp lực của dư luận, lần đầu tiên, hệ thống tư pháp Việt Nam phải hoãn thi hành án tử hình đối với tử tội Hồ Duy Hải, ngụ tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An, bị cáo buộc “cướp tài sản” và “giết người” để tái xét lại vụ án vì có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Hải bị oan.

Lần này, ngoài áp lực của dư luận Việt Nam, còn có một số chính phủ và tổ chức quốc tế kêu gọi tạm hoãn xử tử, tái xét lại bản án đã tuyên đối với ông Mạnh. Chẳng hạn, Đại Sứ Quán Đức tại Hà Nội vừa chuyển lời kêu gọi của ông Christoph Strasse, đặc trách nhân quyền và hỗ trợ nhân đạo của chính phủ Đức, đề nghị tạm hoãn tử hình và thẩm tra lại vụ án bằng một quá trình điều tra, xét xử công bằng vì hành vi phạm tội của ông Mạnh chưa rõ ràng.

Ủy Ban Luật Gia Quốc tế (International Commission of Jurists - ICJ) cũng vừa công bố thư ngỏ gửi chủ tịch nhà nước Việt Nam, kêu gọi ngưng ngay kế hoạch tử hình ông Mạnh và mở một cuộc điều tra độc lập về các cáo buộc liên quan tới chuyện công an đã tra tấn, buộc ông Mạnh nhận tội.

Trong thư, ICJ nhắc nhở rằng Việt Nam cần tôn trọng Công Ước Chống Tra Tấn và phải có trách nhiệm bảo vệ quyền được sống, quyền được xét xử một cách công bằng, không để ai bị tra tấn, đối xử vô nhân đạo.


ICJ nhấn mạnh, việc sử dụng lời thú tội của ông Mạnh, dẫu ông nhiều lần khẳng định đã bị tra tấn làm chứng cứ để kết tội cho thấy một cách rõ ràng rằng, tiến trình tố tụng không phù hợp với luật pháp và tiêu chuẩn quốc tế. Chỉ riêng điều đó đã đủ để hoãn vĩnh viễn việc thi hành án tử đối với ông Mạnh. (G.Đ)

No comments:

Post a Comment