Tuesday, October 27, 2015

Chiến hạm Mỹ hoàn tất chuyến vào vùng 12 hải lý đảo nhân tạo

WASHINGTON DC (NV) –  Một khu trục hạm của Hải Quân Hoa Kỳ đã hoàn tất việc đi vào vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp ở quần đảo Trường Sa trên biển Đông. CNN trích dẫn lời một giới chức hôm Thứ Hai cho biết, quyết định này đã được sự chấp thuận của Tổng Thống Barack Obama.
Đô Đốc Harry B Harris Jr, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương đứng bên ảnh chụp đảo Chữ Thập do Trung Quốc bồi đắp. (Hình: AP/Cliff Owen)
Trong khi đó, AFP dẫn nguồn tin quân sự Hoa Kỳ nói, khu trục hạm thi hành nhiệm vụ này là USS Lassen, có căn cứ tại Nhật Bản. Chiến hạm này từng do một sĩ quan người Mỹ gốc Việt, hạm trưởng Lê Bá Hùng, chỉ huy trong 2 năm 2009 – 2010.
Tin cho hay, chiếc chiến hạm sẽ đi ngang qua khu vực 12 hải lý vào đêm Thứ Hai, với sự yểm trợ của máy bay trinh sát ở trên không, bay trên không phận quốc tế.
Phi cơ sẽ canh chừng chiếc tàu và túc trực quanh đó nếu cần thiết, để ghi nhận và đối phó với bất kỳ sự kiện nào.
Nguồn tin cho biết phía Trung Quốc không hề được thông báo trước và hy vọng rằng sẽ không gặp phải rắc rối nào.
Các đảo và vùng biển lân cận trên Biển Đông đang là mối tranh chấp chủ quyền của nhiều quồc gia như Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.
Hồi Tháng Sáu, Trung Quốc loan báo sắp hoàn tất việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông và rằng sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở ở trên đó.
Trung Quốc không ngừng khẳng định rằng hoạt động ở Biển Đông không nhắm vào nước nào hay gây ảnh hưởng đến giao thông hàng hải hay hàng không.
Nhiều giới chức Mỹ nói, tàu chiến Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải của Hoa Kỳ, trong phạm vi 12 hải lý của duyên hải ngoài khơi Alaska vào đầu tháng này, khi Tổng Thống Obama đang ghé thăm tiểu bang.
Các giới chức nhấn mạnh rằng hành động của Trung Quốc phù hợp với “sự thông thương không ác ý” chiếu theo luật hàng hải quốc tế.
Tuy nhiên ở Biển Đông, Hoa Kỳ chưa hề xâm phạm vào phạm vi giới hạn 12 hải lý mặc dù Mỹ không hề công nhận các đảo ở đó là lãnh thổ của Trung Quốc, và rằng tính chất nhân tạo của nó không mang lại cho đảo một vùng lãnh hải có giá trị.
Khu trục hạm USS Lassen. (Hình: navsource.org)
* Thách thức Bắc Kinh
Sự kiện chiến hạm của Hoa Kỳ đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái với luật pháp quốc tế cho thấy Hoa Kỳ không nhân nhượng để Trung Quốc làm bá chủ biển Đông.
Trước đó, hôm 12 tháng 10, Hoa Kỳ đã báo cho các đồng minh Á Châu về kế hoạch tuần tiễu gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở khu vực Trường Sa. Một việc sẽ tạo căng thẳng hơn với Trung Quốc.
Hành động này nhằm thách đố nỗ lực của Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với một khu vực biển rộng lớn vốn là thủy lộ chiến lược tại Đông Nam Á Châu.
Không ảnh phổ biến những tháng gần đây cho thấy 7 bãi đá ngầm ở khu vực quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc cướp của Việt Nam, đã được bồi đắp thành 7 đảo nhân tạo khổng lồ. Giới phân tích thời sự tin tưởng chúng sẽ là những căn cứu quân sự quy mô trên biển Trung Quốc nhằm khống chế cả Biển Đông.
Trung Quốc coi những đảo nhân tạo đó là chủ quyền lãnh thổ đòi hỏi các nước khác phải tôn trọng nhưng theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) đảo nhân tạo cũng như các bãi đá ngầm không được kể là những vị trí thực địa để tính chủ quyền lãnh thổ 12 hải lý.
Từ trước tới nay, Hải Quân Mỹ vẫn kềm chế chưa đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp ở khu vực quần đảo Trường Sa, kể từ năm 2012 đến nay.
Tháng 5 vừa qua, một máy bay tuần tra Poseidon P-8 trên có một tướng lãnh Hải quân và ký giả hãng tin CNN bay gần một đảo nhân tạo nhưng vẫn còn bên ngoài phạm vi 12 hải lý. Tin tức cho hay truyền tin Hải Quân Trung Quốc 8 lần xua đuổi máy bay Mỹ P-8 rời khỏi khu vực.
Hồi đầu tháng 10, khi có tin Mỹ dự tính cho tàu chiến di chuyển hay máy bay tuần tra bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo ở Trường Sa, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc qua phát ngôn viên Hua Chunying (Hoa Xuân Oánh) đã nói cứng rằng Trung Quốc không cho phép nước nào thách đố chủ quyền lãnh thổ của họ.
Trên tạp chí thông tin quân sự quốc phòng quốc tế IHS Jane's Defense, nhà phân tích James Hardy cho rằng, nếu Mỹ cho tàu hay máy bay di chuyển bên trong phạm vi 12 hải lý của đảo nhân tạo ở Trường Sa, tùy theo loại tàu chiến nào, máy bay nào, sẽ cho thấy quyết tâm thách đố của Mỹ đến đâu.
Cho tàu cận duyên đi một mình hay một tuần dương hạm trang bị hỏa tiễn lớp Arleigh Burke có thêm một số tàu chiến nhỏ hơn đi kèm, mang những thông điệp khác nhau. (TP-TN)
10-26- 2015 3:42:55 PM 

No comments:

Post a Comment