HÀ NỘI (NV) - Ðó là điều khiến ông Trần Ðình Thiên, viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam, thất vọng. Tuy nhiên điều làm viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam tuyệt vọng là Việt Nam bế tắc, không có lối thoát.
Trong cuộc trao đổi với tờ Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, ông Thiên - người từng cảnh báo về nguy cơ kinh tế Việt Nam bị lệ thuộc Trung Quốc, tỏ ra hết sức thất vọng khi nhập siêu từ Trung Quốc tiếp tục tăng đều đặn, quan hệ thương mại giữa hai bên vẫn tiếp tục mất cân đối.
Ðịnh hướng và chính sách của chính quyền Việt Nam chỉ khuyến khích dân chúng “cõng hàng từ Trung Quốc về.” (Hình: Dân Trí)
Việt Nam vẫn chỉ xuất cảng nông sản thô, khoáng sản thô sang Trung Quốc, doanh nghiệp Trung Quốc chỉ thực hiện công đoạn sau cùng là hoàn thiện rồi... hưởng hết giá trị gia tăng.
Trong nhập cảng, Việt Nam nhập hầu hết nguyên liệu, phụ liệu của Trung Quốc để lắp ráp, gia công và “xuất cảng dùm Trung Quốc.”
Ðối với các giao dịch thương mại qua biên giới. Trong khi chính quyền Trung Quốc khuyến khích dân chúng dùng xe ba gác “thồ quặng từ Việt Nam về” thì chính quyền Việt Nam chỉ khuyến khích dân chúng “cõng hàng từ Trung Quốc về.”
Ông Thiên nhận định, cấu trúc kinh tế của Việt Nam sai trầm trọng và không có cách nào thay đổi được. Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, Việt Nam thuộc loại “đẳng cấp thấp.” Còn Trung Quốc thì xuất “ăn” đường xuất, nhập “ăn” đường nhập!
Theo ông Thiên hậu quả đó là do định hướng sai, chính sách sai từ tỉ giá, lãi suất, đất đai, hệ thống động lực... không khuyến khích sản xuất trong nước, đẩy các ngành công nghiệp xuống đáy của chuỗi giá trị.
Ngoài quan hệ thương mại với Trung Quốc, ông Thiên còn tỏ ra bất bình và bất an về quan hệ thương mại với các quốc gia khác. Việt Nam đã ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) trong khi năng lực của nền kinh tế, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam rất kém.
Ông Thiên cho rằng, lẽ ra, chỉ nên dồn sức cho một vài FTA để doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị, củng cố, phát triển nội lực. Ông Thiên thắc mắc, ký hơn một chục FTA thì năng lực đâu để tận dụng cho hết (?). Cuối cùng, dẫu phải nhượng bộ nhiều thứ để ký hơn một chục FTA nhưng lợi ích mà FTA mang lại thì “kẻ khác” hưởng. Ông Thiên nhắc đến hiện tượng nhiều doanh nghiệp dệt may của Trung Quốc đã “dọn” sang Việt Nam để có thể hưởng lợi ngay khi TPP (Hiệp Ðịnh Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương) có hiệu lực như một ví dụ.
Viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam kể thêm rằng, các chính sách kinh tế đối ngoại của Việt Nam dường như chỉ nhằm chứng tỏ Việt Nam đang tự do hóa thị trường, chứ không tính toán xem các chính sách đó tạo ra những tác động như thế nào và hậu quả ra sao trong tương quan kinh tế với Trung Quốc.
Ông Thiên nhận định, lẽ ra phải dự liệu rồi mới quyết định về thời gian ban hành chính sách, liều lượng nhưng Việt Nam không làm như thế. Chẳng hạn, khi quyết định bán bất động sản cho người ngoại quốc thì phải cân nhắc đến yếu tố, nếu giới đầu tư Trung Quốc đổ vào mua với số lượng lớn thì làm sao (?). Hoặc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là tốt, nguồn lực đó cần chuyển cho doanh nghiệp tư nhân nhưng vì có kẻ “đang há mồm đứng phía sau,” không nhìn xa, tính kỹ, có thể bị “đớp luôn cả ngành công nghiệp, chứ không chỉ là vài doanh nghiệp,”...
Giống như phân bua, viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam bảo rằng, tình thế của Việt Nam rất khó. Làm được cái này thì mất cái kia. Cái được là ngắn hạn, cái mất lại là dài hạn. Ông Thiên ngao ngán cho rằng: Phải nhắm mắt lại để được cái trước mắt vì chúng ta... bí! (G.Ð)
09-01- 2015 4:11:27 PM
No comments:
Post a Comment