Theo nguoiduatin-01.09.2015 | 14:00 PM
Số tiền gần 400 triệu đồng sẽ dành mua điều hòa, camera, máy chiếu, rèm cửa… cho học sinh lớp khối 6 khiến nhiều người choáng váng. Đây phải chăng là biểu hiện của tình trạng lạm thu đầu năm?
Tin tức trên một số diễn đàn những ngày qua chia sẻ bản Dự toán kinh phí lắp đặt thiết bị phòng học khối 6 của một trường trung học cở sở tại Hà Nội. Nhiều ý kiến bày tỏ đây là biểu hiện của tình trạng lạm thu đầu năm trong ngành giáo dục.
Người chia sẻ thông tin cho biết, đây là bản dự toán kinh phí lắp đặt thiết bị phòng học khối 6 của Trường THCS Mỹ Đình 2 (Hà Nội). Tổng số tiền mà bản dự toán kinh phí nêu là 372.000.000 đồng cho toàn bộ khối 6 và trung bình mỗi lớp sẽ phải đóng 74.400.000 đồng.
Cụ thể danh mục các máy móc cần mua: Máy chiếu (73.450.000 đồng), camera (29.100.000), điều hòa Gree (GWBA – 18C: 96.000.000 đồng), công lắp đặt (11.000.000 đồng), máy tính (37.600.000 đồng), rèm (30.000.000 đồng), bảng lớp (10.000.000 đồng -4 cái), bảng tương tác (85.000.000 đồng – 5 bộ).
Bản dự toán gây choáng váng cho nhiều người
Nhiều người không khỏi giật mình khi nhìn bảng dự toán kinh phí với số tiền hàng trăm triệu đồng trên. Thông tin trên được lan truyền vào thời điểm đầu năm học mới, liên quan đến việc thu chi đầu năm nên nhiều phụ huynh học sinh đặc biệt quan tâm. Không ít người nghi ngờ, đây phải chăng là biểu hiện của tình trạng “lạm thu đầu năm”?
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, bà Hoàng Thị Yến – Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Đình 2 cho biết, đây là bản dự toán do phụ huynh đưa lên vì trong quá trình họp bàn, họ chưa rõ về mục đích, cách thức của các khoản thu nên mới thắc mắc như vậy.
Nói rõ về các khoản thu trong bản dự toán trên, bà Yến phân tích, những năm gần đây, nhà trường đã thực hiện công tác xã hội hóa trên nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác xã hội hóa về cơ sở vật chất phòng học. Hội phụ huynh của trường nhiều năm nay đã rất tích cực trong việc đóng góp, ủng hộ nhà trường về công tác xây dựng cơ sở vật chất phòng học.
Năm nay, phụ huynh khi vào tuyển sinh lớp 6 cho con đã đi thăm quan cơ sở vật chất của nhà trường. Trong quá trình đến sinh hoạt hè, phụ huynh đã phản ánh với nhà trường về việc các phòng học chỉ có bàn ghế, quạt và thiết bị chiếu sáng mà chưa có các thiết bị khác. Chính vì thế phụ huynh đại diện các lớp đã gặp ban giám hiệu nhà trường xin được lắp đặt một số thiết bị để phục vụ cho con em học tập.
Theo bà Yến, đại diện ban giám hiệu đã yêu cầu phụ huynh phải tổ chức họp bàn, thống nhất và có đơn đề xuất với nhà trường. Trên cơ sở nguyện vọng của phụ huynh, nhà trường đã họp với hội đồng, họp với các tổ chức nhà trường và đi đến quyết định đồng ý để cho phụ huynh được lắp đặt một số thiết bị phòng học.
Theo Hiệu trưởng nhà trường, mọi khoản thu xã hội hóa đều do phụ huynh quyết định (Ảnh minh họa)
Về bản dự toán mà PV báo Người Đưa Tin nêu, bà Yến cho biết, đó hoàn toàn là do phụ huynh đưa ra trên cơ sở tham khảo ý kiến của các khối trước và các thầy các cô để xem thiết bị nào là cần thiết cho các con em.
Bảng dự toán đó chưa được sự kiểm duyệt của nhà trường mà chỉ là do phụ huynh tự kê ra. Để đi đến thống nhất là có lắp hết số trang thiết bị đó hay không thì còn phải bàn bạc. Nếu lắp hết thì sẽ hết chừng đó tiền, còn nếu không thì sẽ ít hơn.
Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Đình 2 nhấn mạnh: Sau cuộc họp phụ huynh, nhà trường cũng được thông báo là cơ bản phụ huynh đã nhất trí với các nội dung. Tuy nhiên, vì vẫn có những nội dung không đạt được sự đồng thuận tuyệt đối nên nhà trường cũng nhắc với ban phụ huynh là cái gì được sự nhất trí cao thì mới triển khai, còn những gì chưa được nhất trí thì để lại. Để xem sau này đã hoàn toàn đồng thuận thì mới làm, còn không thì thôi.
Nhà trường cũng hướng dẫn phụ huynh là nên mua thiết bị gì phù hợp cho học sinh và những thiết bị nào thì không nên mua. Thực tế, những khóa trước, nhà trường từng khuyên phụ huynh bỏ một số thiết bị không phù hợp với quá trình giảng dạy, học tập.
Nói về mức dự toán tương tự của các năm trước, bà Yến cho hay, không có con số cụ thể cho các năm mà tùy điều kiện của phụ huynh. Gia đình có điều kiện thì đóng nhiều, gia đình nào khó khăn thì sẽ được giảm hoặc miễn. Nhà trường hoàn toàn đứng ngoài và không can thiệp, chỉ đạo gì vào vấn đề này.
Số tiền này chỉ đóng góp vào năm lớp 6, còn các năm lớp 7-8-9 sẽ không phải đóng gì thêm. Sau 4 năm học, phụ huynh hoàn toàn được quyền quyết định về số phận của khối thiết bị trên.
Hạnh Nguyên
No comments:
Post a Comment