Saturday, September 5, 2015

Kêu lỗ nghìn tỷ, EVN xin chuyển vào giá điện

MAI ANH (TỔNG HỢP) 05/09/15 13:53
(GDVN) - EVN dự tính, số lỗ sẽ gấp hơn 10 lần con số 1.200 tỷ đồng. Số lỗ khủng này EVN đề xuất chuyển vào giá điện, nói cách khác xin tăng giá bán điện để bù lỗ.
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến tháng 8/2015 tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM ngày 3/9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đều kêu lỗ do điều chỉnh về tỷ giá.
Đại diện của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam cho biết, chênh lệch tỷ giá đã khiến tập đoàn này bị lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng.
Tương tự một lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng cho rằng, chênh lệch tỷ giá cũng ảnh hưởng rất nhiều đến chỉ tiêu tài chính của PVN, ước tính sản lượng điện do tập đoàn này cung cấp cho lưới điện quốc gia đến thời điểm hiện nay là trên 100 tỷ kWh.
EVN xin chuyển lỗ vào giá điện (ảnh minh họa - nguồn EVN).
Trong khi đó theo ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN, chênh lệch tỷ giá ảnh hưởng đến lĩnh vực điện là rất lớn: “Riêng tỷ trọng điện của TKV chiếm 10-15% toàn hệ thống đã phát sinh lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng. Nếu cộng tất cả các con số mà cả TKV và PVN đưa ra trong lĩnh vực điện, khả năng khoản phát sinh lỗ do tỷ giá có thể gấp hơn 10 lần con số 1.200 tỷ đồng do TKV thống kê”.
Hiện tại, EVN đang thống kê ảnh hưởng của những biến động về tỷ giá trong thời gian qua để báo cáo Bộ Công thương.
Để bù lỗ cả EVN, TKV kiến nghị Bộ Công Thương cho phân bổ khoản thua lỗ trên vào giá điện. Đề nghị trên của EVN dẫn đến lo ngại giá điện sẽ tăng trong thời gian tới.
Trước đề xuất của EVN, trả lời báo chí trong buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều ngày 4/9, ông Đinh Thế Phúc - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết: “Với các DN có hợp đồng vay vốn ngoại tệ, đầu tư, chi phí mua nguyên vật liệu thì đều bị ảnh hưởng do biến động của tỷ giá. Khi tỷ giá có biến động, Cục Điều tiết điện lực đã yêu cầu các đơn vị phát điện tính toán ảnh hưởng của tác động chênh lệch tỷ giá”.
Theo ông Phúc, Cục Điều tiết điện lực sẽ cân đối khả năng chịu đựng của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến chi phí bán lẻ như thế nào để có đề xuất cụ thể.
“Trường hợp có chênh lệch lớn, Cục Điều tiết điện lực sẽ có thảo luận với Bộ Tài chính, qua đó có đề xuất với lãnh đạo hai Bộ Công Thương và Tài chính hướng giải quyết chênh lệch tỷ giá cho phù hợp. Cục Điều tiết điện cũng đang tổng hợp báo cáo từ các đơn vị vì vậy chưa có đề xuất cụ thể đối với lãnh đạo hai Bộ liên quan đến chênh lệch tỷ giá cũng như việc tính toán sự chênh lệch này vào giá thành điện” ông Phúc cho biết.
Trước đề xuất của EVN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, điện là một trong những mặt hàng thiết yếu liên quan trực tiếp đến sản xuất và tiêu dùng, nên trong mọi tình huống phải đảm bảo An ninh năng lượng.
"Việc tăng, giảm giá điện, Bộ Công Thương sẽ xem xét trong thẩm quyền và chức trách của mình, nếu có biến động lớn sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Được biết sau khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục Điều tiết điện lực phối hợp cùng với EVN tính toán các phương án cải tiến giá bán lẻ điện, EVN cũng đã báo cáo lãnh đạo Bộ trong tháng 8 và lãnh đạo Bộ cũng đã có chỉ đạo yêu cầu EVN trong tháng 9 tổ chức hội thảo ở cả 3 miền lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, của các doanh nghiệp, của nhân dân về các phương án cơ cấu biểu giá bán lẻ, sau đó tổng hợp lại thành Đề án để báo cáo Bộ Công Thương trong tháng 10.
Sau đó Cục Điều tiết điện lực tập hợp trình lãnh đạo Bộ phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ về biểu giá bán lẻ điện.
Trước đề xuất của EVN và nhìn vào kết quả kinh doanh những năm qua của EVN có thể thấy, trong hai năm gần đây EVN đều có lãi: Năm 2013, theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước, EVN lãi gần 5.000 tỉ đồng. Năm 2014, EVN báo lãi khoảng 300 tỉ đồng.
Câu hỏi đặt ra, khi có lãi không thấy cơ quan nào tính chuyện hạ giá điện thấp xuống trong khi vừa lỗ, EVN đã kiến nghị để tăng giá điện.
Mai Anh (Tổng hợp)

No comments:

Post a Comment