6 giờ trước
Dù muốn gọi tên hay không, kể từ khi mở cửa nền kinh tế những năm 1990 thành một nền kinh tế thị trường và dù vẫn còn mang nhiều tính định hướng, Việt Nam đã và đang nhìn càng giống một nền kinh tế tư bản, nơi mà tài sản và các tư liệu sản xuất tập trung vào tay một nhóm cá nhân – hay còn gọi là những nhà tư bản, chứ không còn sở hữu bởi nhà nước hay toàn dân như những tuyên truyền và thực tiễn trước đây.
Những nhà tư bản này tạo ra các định chế kinh tế, các công ty và tập đoàn để vận dụng những nguồn nhân lực và tài nguyên của xã hội để đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo ra của cải vật chất, gây dựng cơ nghiệp cho chính bản thân họ và góp phần làm giàu cho quốc gia.
Tuy nhiên, phần lớn các nhà tư bản ở Việt Nam hôm nay là những nhà tư bản đỏ, những người tận dụng những mối quan hệ, quyền lực chính trị, và những cơ hội buổi giao thời để làm giàu.
Điều này là tất yếu và không có gì đáng ngạc nhiên cho một nền kinh tế vẫn đang chuyển biến và trong quá trình định hình.
Tuy nhiên, để Việt Nam có thể trở thành một nền kinh tế cởi mở và có khả năng cạnh tranh cao trong thị trường thế giới, chúng ta cần phải tạo điều kiện để xây dựng một thế hệ các nhà tư bản mới dám nghĩ, dám làm, dám đi lên bằng chính đôi chân mình để trưởng thành, để cạnh tranh, và sánh vai với các cường quốc năm châu như Hồ Chí Minh đã từng nói, chứ không thể phụ thuộc vào những quyền lực đỏ.
Nước Mỹ đã làm rất tốt điều này, và với chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng đến thăm Nhà Trắng vừa qua, thiết nghĩ có nhiều điều chúng ta nên học hỏi – cụ thể là làm thế nào để có nhiều hơn những nhà tư bản lập nghiệp từ hai bàn tay trắng như phần nhiều tên tuổi tỉ phú Mỹ như Steve Jobs hay Mark Zuckerberg mà người Việt cũng rất quen thuộc?
Chính sách hỗ trợ
Nhìn vào môi trường kinh doanh hiện nay, chính phủ hiện chưa có nhiều chính sách trợ giúp cho các doanh nghiệp trong nước so với các nhà đầu tư nước ngoài.
Nếu như nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), vốn đã rất mạnh mẽ về tài chính, được hưởng một loạt các ưu đãi như 10 năm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, được giao hoặc mua đất giá rẻ để phát triển kinh doanh, sản xuất, đặt nhà máy, thì trong cùng một ngành nghề kinh tế, các nhà tư bản trong nước ngay lập tức đã không thể cạnh tranh với các dự án FDI khi họ không có nguồn vốn giá rẻ, phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp ngay từ năm đầu tiên sản xuất kinh doanh, và phải trả giá cao để có thể mua đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp.
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của nguồn vốn FDI trong ngắn hạn cho nền kinh tế, khi dòng tiền đầu tư nước ngoài này có thể tạo ra những hiệu ứng tức thời như công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động, chuyển giao công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng, và đóng góp cho GDP.
Nhà máy và những dự án hàng chục tỉ đô la của Samsung mới vào Việt Nam là một ví dụ điển hình cho những lợi ích này.
Tuy nhiên, phải nhớ rằng, phụ thuộc vào FDI trong ngắn hạn đồng nghĩa với giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa trong dài hạn.
Một điều quan trọng khác là dòng tiền lợi tức từ FDI sẽ chảy ngược lại các chủ sở hữu nước ngoài như các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán New York và Seoul chứ không nằm lại trong nền kinh tế Việt Nam, và những giá trị thịnh vượng mà FDI tạo ra sẽ không ở lại làm giàu cho người dân Việt, trừ các chi phí hạn hẹp cho lao động giá rẻ.
Theo số liệu của Cục Đầu Tư Nước Ngoài, Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, nguồn vốn FDI đăng kí vào Việt Nam là 21,92 tỉ đô la cho năm 2014 và 22,34 tỉ cho năm 2013, chiếm 12,5% tổng GDP.
Con số rất lớn này cho thấy tăng trưởng kinh tế Việt Nam lệ thuộc quá nhiều vào nguồn đóng góp từ FDI, đặc biệt là khi vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ ở mức 45 tỉ đô la thể hiện sức khỏe yếu ớt của các doanh nghiệp nội địa.
Cần phải nhận ra rằng thực lực của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn phải đến từ bên trong, từ những nhà tư bản trong nước tạo ra của cải vật chất và những giá trị có tiềm năng quay vòng trong nền kinh tế.
Khi mà thị trường tiêu dùng trong nước vắng bóng các nhãn hiệu nội địa được ưa chuộng ở gần như tất cả các mặt hàng, từ quần áo đến máy móc, khi mà hàng Trung Quốc tràn ngập và chi phối cả nền kinh tế và chính trị, thì chính phủ cần phải có các biện pháp dài hạn, những sự những ưu tiên và môi trường thuận lợi để một cá nhân từ gia cảnh bình thường có thể lập nghiệp và thành công.
Chúng ta muốn có một môi trường như Silicon Valley năng động, sáng tạo để các nhà tư bản tương lai có thể khởi nghiệp và phát triển.
Trong khoảng vài năm trở lại đây, phong trào khởi nghiệp làm chủ và kinh doanh tự khởi trong giới trẻ và sinh viên ngày càng nhiều phấn khởi.
Những quỹ đầu tư mạo hiểm như IDG Ventures đã chứng tỏ rất thành công, tuy nhiên, số tiền 100 triệu đô la này của các nhà đầu tư Mỹ để hỗ trợ các doanh nghiệp và các nhà tư bản trong nước là không thấm vào đâu so với hơn 20 tỉ đô la FDI hàng năm.
Những nỗ lực từ giới đầu tư tư nhân cần phải nhận được cả sự hỗ trợ và bảo hộ của nhà nước trong dài hạn để các nhà tư bản nội có thể phát triển.
Đành rằng các nhà tư bản nội sẽ phải mất 10, 20 năm, hoặc hơn để có thể tích lũy và xây nhà máy cho hàng chục ngàn lao động như Samsung, nhưng chúng ta phải bắt đầu từ bây giờ để Việt Nam sẽ có thể đứng vững hơn trên đôi chân mình trong tương lai.
Thay vì đầu tư hàng ngàn tỉ vào những tượng đài đá không làm giàu gì thêm cho xã hội, hãy đầu tư vào một thế hệ trẻ các nhà tư bản Việt Nam mới!
Bài thể hiện cách hành văn và quan điểm riêng của tác giả, một cử nhân Đại Học Cornell và hiện là doanh nhân, giám đốc quỹ đầu tư Vietnam Angel Investors Circle.
No comments:
Post a Comment