Theo ĐấtViệt-08-04- 2015
Mới đây, chính quyền tỉnh Sơn La đã quyết định thông qua đề án xây dựng tượng đài ông Hồ Chí Minh tại tỉnh này.
Người dân kêu gọi phản đối xây dựng tượng đài nghìn tỉ
Theo đó, tượng đài sẽ được xây dựng trên quảng trường rộng khoảng 20ha, được khởi công vào ngày 11/10/2015 nhân dịp kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh. Tổng số tiền dự kiến bỏ ra để xây dựng lên đến 1,400 tỷ đồng. Ngay lập tức, đề án này đã gặp phải làn sóng phản đối từ người dân.
Các ý kiến cho rằng, với một tỉnh nghèo như Sơn La, hàng năm phải nhận cứu trợ thì bỏ ra cả đống tiền để xây dựng tượng đài là lãng phí và phô trương. Thay vì xây dựng tượng đài nên dùng số tiền ấy xây dựng các công trình công cộng, phục vụ cho mục đích y tế và giáo dục.
Giáo sư Ngô Bảo Châu trên Facebook của mình nói rằng: “Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1400 tỷ để xây dựng tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh”.
Việc phản đối xây dựng tượng đài ông Hồ còn gặp phải sự phản đối của những người làm trong chính quyền CSVN. Trên tờ Infonet, bà Trương Thị Thông- phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết bà rất ngạc nhiên trước đề án này của tỉnh Sơn La. Theo bà, việc lấy kinh phí từ nguồn ngân sách để xây dựng là “hoàn toàn không được”.
Rất nhiều Facebooker đã chống lại dự án bằng cách chụp hình bên cạnh dòng chữ phản đối đề án xây tượng đài ông Hồ. Chẳng những vậy, họ còn cho lập một Group để thâu nhận ý kiến phản đối.
Phản đối lại luồng ý kiến cho rằng việc xây dựng tượng đài ông Hồ là vô bổ, lãng phí. Trên tờ Vietnamnet dẫn lời ông Trần Bảo Quyến, phó Giám đốc Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch nói rằng, đề án này “nhằm đáp ứng nguyện vọng và tình cảm của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. ..Đã là tình cảm của nhân dân Tây Bắc không thể cân đong đo đếm được. Do đó, cá nhân nào nói lãng phí là chưa đúng”.
Dự án đầu tư xây dựng tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc” tại thành phố Sơn La đang gây tranh cãi trong dư luận.
Giới chức tỉnh Sơn La nói Đề án tượng đài Hồ Chủ tịch 1.400 tỷ đồng là “nhằm đáp ứng nguyện vọng và tình cảm của đồng bào”.
Bà Nguyễn Thị Phương, một người nội trợ, sống ở thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, Sơn La, nói bà cảm thấy “ngại” khi đọc tin.
“Tôi thấy những người sống quanh mình có cái nguyện vọng dựng tượng ngàn tỷ đâu.”
“Không hiểu báo đài họ moi đâu ra cái nguyện vọng đấy cơ chứ?”
Trong khi đó, thầy Tòng Văn Dịn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sam Kha, Huyện Sốp Cộp, Sơn La, cho rằng người dân địa phương đang cần những thứ khác.
“Khoảng 70% các em học sinh là từ gia đình thuộc diện nghèo, tức thu nhập dưới 400 nghìn/người/ tháng.”
“Các thầy cô phải thường xuyên vận động gia đình các em cho đi học. Họ làm láng trại trên nương, đến mùa gặt hoặc mùa gieo cấy thì học sinh vắng nhiều lắm.”
Nếu những công trình hạ tầng không cần thiết lắm, để tiền đầu tư cơ sở vật chất cho địa phương thì hay hơn.
Thầy Tòng Văn Dịn
Ông mô tả tình hình tài chính của trường: “Có năm trường được xây một cái nhà hai tầng được 2,3 tỷ, nhưng có khi 5 năm liền không được gì.”
“Sách giáo khoa thì trước kia được cấp hoàn toàn, sau nghị định 49 về thì vận động học sinh mua rất khó vì gia đình không tự giác mua, các em học sinh thiếu sách giáo khoa từ 30 tới 40%.”
“Quần áo tư trang cá nhân nhiều em cả năm chỉ mặc một bộ. Thầy cô giáo đôn đốc cũng không được vì họ không có điều kiện. Những ngày trời nắng mới giặt được, còn trời mưa thì đành chịu.”
Vì vậy, ông cho rằng: “Nếu những công trình hạ tầng không cần thiết lắm, để tiền đầu tư cơ sở vật chất cho địa phương thì hay hơn.”
Dường như ngay cả một số người ủng hộ việc dựng tượng cũng cảm thấy băn khoăn.
Bà Trần Mai Dung, một người buôn bán ở thành phố Sơn La, cho biết: “Hồ Chủ tịch là vĩ nhân của Việt Nam và quốc tế, nên việc xây tượng người dân ai cũng ủng hộ.”
“Thế nhưng con số khổng lồ quá, tiền ấy người nghèo ao ước mà không có. Tôi nghĩ xây là cần thiết, nhưng ngân sách chỉ vừa phải thôi thì mới phù hợp.”
Tổng hợp BBC/ Vietnamnet
No comments:
Post a Comment