Ở phút thứ 4'16" đến 4'30" khúc nhạc được tấu lên khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bước lên bục phát biểu trong chương trình 'Khát vọng đoàn tụ' tối 27/7 tại Hà Nội.
Theo BQP, VOA-02.08.2015
Bộ Quốc phòng Việt Nam mới thông báo “xử lý nghiêm túc” nhóm thực hiện chương trình “Khát vọng đoàn tụ” vì “sử dụng một đoạn nhạc nước ngoài”.
Tuy nhiên, thông báo chính thức trên báo điện tử của Bộ này hôm 2/8 không có từ nào nói rằng đó là bản nhạc Trung Quốc.
Thông cáo có đoạn: “… Trong quá trình thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp đã không kiểm soát được nội dung để xảy ra sai sót là sử dụng một đoạn nhạc nước ngoài vào trong chương trình. Cơ quan cấp trên có thẩm quyền đã tiến hành kỷ luật: Khiển trách đối với Ban Giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội và chỉ đạo xử lý nghiêm túc kíp thực hiện chương trình”.
Bản tin cũng cho biết rằng kịch bản chương trình nghệ thuật kỷ niệm Ngày Thương binh – liệt sỹ phát trực tiếp trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam đã được “thẩm định, thông qua và được tiến hành sơ duyệt, tổng duyệt”.
Sự thừa nhận sai sót được đưa ra gần 10 ngày sau khi một đoạn trong bài hát “Ca ngợi tổ quốc” của Trung Quốc đã vang lên khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên đọc diễn văn khai mạc chương trình tại trụ sở Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Ngoài vấn đề sử dụng bản nhạc được coi là “quốc ca thứ hai” của Trung Quốc, “Khát vọng đoàn tụ” thu hút sự chú ý của công chúng cũng như giới truyền thông vì “tái xuất” của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh sau thời gian chữa bệnh tại Pháp, trong bối cảnh có tin ông đã qua đời.
Thông báo “thừa nhận sai sót” trên đã vấp phải chỉ trích của nhiều người sử dụng mạng xã hội vì đã không nói tới đó là bản nhạc xuất xứ từ Trung Quốc.
Một người trong số đó là nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện từ Hà Nội:
“Họ chỉ nhận là sử dụng một đoạn nhạc của nước ngoài. Đây là một cách làm trốn tránh và một sự xuê xoa không thể chấp nhận được. Nước ngoài đây là nước nào? Đoạn nhạc đấy là đoạn nhạc nào? Họ không nói rõ. Việc đó vừa thể hiện một sự không dũng cảm của những người trong Bộ Quốc phòng. Chẳng qua xử lý như vậy vì dư luận làm căng quá.”
Ông Diện nói thêm rằng sự nhầm lẫn trên đã “làm dấy lên một sự căm giận của công chúng, đặc biệt là những người có tuổi, từng biết bài này ở thập kỷ 50 – 60 trước đây”.
Chính quyền trong nước thời gian qua đã nhiều lần bị chỉ trích vì dùng từ “tàu lạ”, thay vì đề cập cụ thể tàu Trung Quốc trong các vụ va chạm trên biển Đông.
No comments:
Post a Comment