Sunday, August 2, 2015

Tượng Ðài Thuyền Nhân và dấu tích tội ác cộng sản

Theo Người Việt-08-02- 2015 1:59:30 PM
Tạp Ghi Huy Phương

Ngày 13 Tháng Sáu, 2015, sau bao nhiều trở ngại và chờ đợi, cộng đồng người Việt ở Na Uy đã tổ chức một buổi lễ khánh thành và trao tặng Tượng Ðài Thuyền Nhân tại Bảo Tàng Viện Hàng Hải, Oslo.

Khác với 18 tượng đài thuyền nhân Việt Nam rải rác trên khắp thế giới được xây dựng trên mặt đất, Tượng Ðài Thuyền Nhân Na Uy có tên là Hoa Biển (Sjoblomst), mang hình dáng một đóa hoa, được kết hợp bởi năm cánh buồm thiết kế bởi điêu khắc gia Thor Sandborg được đặt ngoài bờ biển.


Tượng Ðài Hoa Sen. (Tài liệu của CÐNV Na Uy)

Năm cánh buồm lấy ý tưởng từ những con thuyền mong manh vượt biển của những người Việt tỵ nạn đi tìm tự do. Tượng đài này được làm bằng một loại thép không rỉ sét, đặt trên những trụ được xây từ đáy biển. Ðường kính của Hoa Biển là 6 mét và được thiết kế cách xa bờ khoảng 12 mét. Trên bờ có một tấm bia ghi những dòng chữ tri ân dân tộc Na Uy với tên của tất cả các con tàu đã cứu người Việt Nam.

Câu chuyện Tượng Ðài Thuyền Nhân này nhắc nhở cho chúng ta tội ác của Cộng Sản Việt Nam. Sau ngày Cộng Sản chiếm miền Nam hàng triệu đồng bào của chúng ta đã vượt biển, vượt biên ra đi tìm một cuộc sống tự do ở các nước khác. Theo số liệu của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, trong khoảng thời gian hai mươi năm (1975-1995) đã có 849,228 người vượt biên bằng đường biển và đường bộ, tuy nhiên thực tế, con số này còn nhiều gấp bội. Người ta ước tính rằng có khoảng từ 500,000 đến 600,000 người đã chết ngoài biển trong cuộc hành trình gian khổ.

Người Việt tỵ nạn đã xây dựng những tượng đài tưởng niệm người chết và tri ân những quốc gia đã dang tay cứu vớt và cưu mang những con người Việt Nam khốn khổ vì tai ương Cộng Sản.

Trên thế giới tự do, hiện nay có rất nhiều Tượng Ðài Thuyền Nhân.

Một chiếc thuyền vượt biển của thuyền nhân, được Cap Anamur cứu vớt Tháng Tư năm 1984, được đem về đặt tại Troisdorf, Ðức làm đài kỷ niệm, khánh thành năm 2007.

Một tấm bia bằng đồng tri ân nước định cư và kỷ niệm thuyền nhân, dựng ở Hamburg, Ðức năm 2009.

Một đài tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam được xây dựng tại Brisbane, tiểu bang Queensland, Úc Châu.

Tượng Ðài Thuyền Nhân, tác phẩm bằng đồng của Vi Vi Võ Hùng Kiệt dựng ở Westminster, California, khánh thành năm 2009.

Lịch sử thế giới đã cho chúng ta thấy những cuộc chạy trốn kinh hoàng từ những vùng đất Cộng Sản, từ Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Ðông Ðức, Bắc Triều Tiên, Cu Ba Cộng Sản, và rõ nét nhất là Việt Cộng sau Hiệp Ðịnh Geneve năm 1954 chia hai đất nước, hay làm kinh hoàng cả thế giới như những cuộc vượt biển của người Việt Nam sau năm 1975.

Những tượng đài thuyền nhân hiện nay được xây lên trên thế giới là những biểu tượng lên án chế độ Cộng Sản Việt Nam. Do đó nhà cầm quyền Việt Nam luôn luôn tìm cách đánh phá, triệt hạ và dùng áp lực ngoại giao để ngăn chận và phá hủy những Tượng Ðài Thuyền Nhân Việt Nam.

Tấm bia trong trại tị nạn cũ ở Pulau Galang, Indonesia, có ghi những dòng chữ tưởng nhớ những người bỏ mình trên đường vượt biển và tri ân những người đã giúp đỡ thuyền nhân, được khánh thành ngày 24 Tháng Ba, 2005, có sự hiện diện của các viên chức Bộ Ngoại Giao Indonesia, đã bị đục bỏ do áp lực của chính phủ Việt Nam Cộng Sản.


Thuyền Trưởng chiếc Hoegh Sword, Kristian Homlund, vớt thuyền nhân năm 1979. (Tài liệu của CÐNV Na Uy)

Tượng đài thuyền nhân trên đảo Bidong cũng đã bị dẹp bỏ, Malaysia đã có quyết định này sau khi nhận được than phiền và phản đối từ chính phủ Việt Nam.
Nhưng lần này tại Na Uy, thì không!

Ngày 20 Tháng Năm, 2015, Lê Thị Tuyết Mai, đại sứ CSVN tại Na Uy đã gửi một văn thư đến các cơ quan chính phủ của Na Uy, nêu lên ba chủ điểm:

1. Phản đối dùng từ “cộng sản” trong hàng chữ tiếng Việt trên tấm bia tượng đài, trong khi hàng chữ tiếng Na Uy và tiếng Anh không có từ “Cộng Sản.”

2. Từ “Cộng Sản” hàm ý vấn đề chính trị trong khi các tượng đài đặt tại Bảo Tàng Viện Hàng Hải, Oslo hoàn toàn phi chính trị.

3. Minh định rằng: Thuyền nhân trốn khỏi Việt Nam trái phép để tìm kiếm cơ hội kinh tế. Chính phủ Cộng Sản Việt Nam chưa bao giờ đối xử tồi tệ với thuyền nhân trốn chạy khỏi Việt Nam.

Câu chuyện khá buồn cười là Cộng Sản phản đối dùng chữ Cộng Sản khắc trên tấm bia, vậy chúng ta phải gọi chúng bằng danh từ gì. Qua thăng trầm của lịch sử, thế giới loài người đã có bao nhiêu danh từ xấu xa để đặt cho chủ nghĩa Cộng Sản, chính quyền Cộng Sản và con người Cộng Sản.

Ðương nhiên danh từ Cộng Sản hàm ý vấn đề chính trị, và chuyện thuyền nhân tỵ nạn phát xuất từ một hành động chính trị, nhưng đây là một tượng đài tri ân đất nước Na Uy của người Việt, được Na Uy chấp thuận đặt trên phần đất của họ.

Riêng chuyện Cộng Sản Việt Nam “chưa bao giờ đối xử tồi tệ với thuyền nhân trốn chạy khỏi Việt Nam,” hay những người tỵ nạn ra đi chỉ vì miếng cơm, thì rõ ràng đây là một lời nói dối trá, ngoa ngoắt mà những tên nhân danh đảng Cộng Sản Việt Nam, cần xem lại và tự vấn lương tâm để khỏi phát ngôn mà không ngượng mồm hay xấu hổ.

Thời VNCH người đói nghèo cũng không nghĩ chuyện bỏ nước ra đi. Chuyện Cộng Sản đối xử như thế nào với những người “trốn chạy” thì người dân đã thấy rõ, bên cạnh những trại tù “cải tạo” khổng lồ, còn những trại tù vượt biên được dựng lên tại các tỉnh vùng biển, mà người dân phải trả giá đắt bằng sinh mạng, tù đày hay bằng tiền đút lót.

Nhiều cựu thuyền trưởng Na Uy đã cứu vớt người tỵ nạn đã có mặt trong buổi lễ để nhận lời chúc tụng và tri ân của thuyền nhân Việt Nam. Ðô trưởng Oslo, Na Uy, Fabian Stang bước lên sân khấu, bất chấp thư khiếu nại của Tòa Ðại Sứ Việt Cộng, và tuyên bố chính thức thay mặt cho người dân Oslo và toàn thể người Na Uy để nhận Tượng Ðài Hoa Biển, và trân trọng nhận những lời tri ân của người Việt Nam tỵ nạn sống tại Na Uy.

Chậm còn hơn không, chúng ta hy vọng còn nhiều Tượng Ðài Thuyền Nhân nữa lần lượt được xây dựng trên thế giới, đó chính là những tượng đài “Ghi Nhớ Tội Ác Cộng Sản,” hay “Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản” như một tượng đài đã được khánh thành tại Washington DC vào ngày 12 Tháng Sáu, năm 2007.

Xin đọc lại lời phát biểu của Tổng Thống George W. Bush trong buổi khánh thành tượng đài này:

“Họ gồm có các nạn nhân Ukraina bị chết đói trong nạn đói vĩ đại dưới thời Stalin; hoặc những người Nga bị giết trong các cuộc thanh trừng của Stalin; những người Litva, Latvia và Estonia bị quăng lên xe chở trâu bò và bị đầy khổ sai trong các trại tử thần vùng giá rét của chủ nghĩa Cộng Sản Xô Viết. Họ bao gồm những người Trung Hoa bị giết chết trong Ðại Nhảy Vọt và Cách Mạng Văn Hóa; những người Campuchia bị tàn sát trong những cánh đồng chết của Pol Pot; những người Ðông Ðức bị bắn chết trong lúc cố trèo qua bức tường Berlin để tìm tự do; những người Ba Lan bị tàn sát tại rừng Katyn; và những người Ethiopia bị tàn sát trong cuộc ‘Khủng Bố Ðỏ’; những người da đỏ Miskito bị giết chết bởi chế độ độc tài Sandinista ở Nicaragua; và những người Cuba, Việt Nam bị chết chìm trong lúc vượt thoát bạo quyền.”

Ðó là lý do Cộng Sản Việt Nam sợ những Tượng Ðài Thuyền Nhân hiện có mặt trên khắp thế giới hiện nay.

No comments:

Post a Comment