Quanh năm vươn khơi bám biển mưu sinh, không ít lần ngư dân Bình Định đối diện hiểm nguy, gặp giông tố, bị sóng gió đánh chìm tàu, hay những cuộc đâm va của tàu Trung Quốc…
Những chuyến biển hãi hùng
Ngày 26/7/2015, thuyền trưởng Nguyễn Sinh (trú xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn, Bình Định) đưa được tàu cá BĐ 96617 cập bến an toàn. 13 ngư dân trên tàu vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự tấn công vô cớ của tàu sắt Trung Quốc.
Thuyền trưởng Nguyễn Sinh, kể: Ngày 23/7 khi tàu đang đánh bắt tại tọa độ 10o51’N – 113oE thì bị tàu quân sự Trung Quốc màu xám có số hiệu 994 đâm va làm hư hỏng ca bin và thân tàu.
Thuyền viên tàu BĐ 96496 trở về sau khi bị tấn công ở Trường Sa. Ảnh: H. Văn |
“Dù các thuyền viên hô to và ra hiệu tàu đang đánh bắt trên vùng biển Việt Nam nhưng tàu sắt Trung Quốc vẫn không ngừng đâm va”, thuyền trưởng Sinh bức xúc. Vừa trấn an tinh thần các bạn tàu, ông Sinh vừa liên hệ với chủ tàu Bùi Thanh Ninh nhờ báo với cơ quan chức năng yêu cầu hỗ trợ.
Chỉ trước đó mấy ngày, tàu cá BĐ 96496 của ông Nguyễn Nhật Ngọc (53 tuổi, thôn Thạnh Xuân, xã Hoài Hương, Hoài Nhơn) làm chủ cũng tơi tả trở về sau khi bị một tàu sắt khổng lồ tấn công khi đang hoạt động khai thác cá trên vùng biển Trường Sa.
Tại Trạm Kiểm biên phòng Mũi Tấn thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Quy Nhơn, ông Ngọc trình bày sự việc: Khoảng 13 giờ ngày 21/7, tàu cá của ông đang hành nghề khai thác thủy sản trên biển tại vị trí có tọa độ 14o47’ bắc, 113o52’ đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam) khoảng 15 hải lý thì bất ngờ bị một tàu sắt lớn tấn công. Nghe tiếng còi tàu hú lớn, tôi nhìn qua cửa cabin thì phát hiện chiếc tàu khổng lồ, xịt khói đen lao thẳng về phía tàu mình. “Tôi tăng ga chạy, chúng liền rượt theo.
Chạy được khoảng 10 phút thì tàu mình bị nó tông vào bên phải gần buồng lái làm sập giàn đèn, vỡ vụn, gãy ống bô tàu. Rồi chúng chuyển qua đâm 2 lần vào mạn trái tàu cá. Anh em trên tàu rất lo lắng nhưng vẫn động viên nhau bình tĩnh. Tôi cho tàu chạy lòng vòng để tránh các cú đâm, vì tàu của chúng lớn khi bẻ lái sẽ chậm. Rượt đuổi căng thẳng chừng gần tiếng đồng hồ chúng mới chịu bỏ đi”, ông Ngọc kể.
Thuyền viên Lương Xuân Nguyên (31 tuổi, trú thôn Trường An 2, xã Hoài Thanh, Hoài Nhơn), nhớ lại: Lúc đó tôi đang ngủ thì có tiếng va mạnh vào tàu. Tỉnh dậy thấy đang bị con tàu rất lớn tấn công. Anh em ngư dân vội đóng cửa tàu lại nhưng chúng vẫn tiếp tục đâm vào tàu mình, càng chạy chúng càng rượt đuổi. May mà thuyền trưởng bình tĩnh, tàu lại mới được tu sửa lắp máy mới, công suất lớn mới chạy thoát...
Tình người trên biển
Đã hơn hai tuần tàu kể từ khi 11 ngư dân trên tàu cá QNg 98604 thoát chết trở về. Không ai quên được cảnh hãi hùng, khi mọi người cùng nhau bu bám trên chiếc thúng chai giữa đại dương đen kịt, sau khi tàu bị sóng dữ đánh chìm.
Anh Đỗ Văn Thu (thôn Lâm Trúc 2, xã Hoài Thanh, Hoài Nhơn, Bình Định), thuyền trưởng tàu QNg 98604 vẫn chưa hết thất thần. Đó là chuyến biển kinh hoàng nhất trong gần 30 năm bám biển của anh. Tối ngày 9/7/2015, anh Thu cùng 10 thuyền viên khác đang hành nghề lưới vây gần đảo Đá Lớn, trong khu vực quần đảo Trường Sa thì tàu bị phá nước, chìm dần. Các thuyền viên chỉ kịp vơ vài gói mỳ tôm rồi hô nhau nhảy xuống cái thúng chai để khỏi chết chìm.
Gần 40 giờ đồng hồ bám thúng chai chờ ứng cứu, 11 thuyền viên vật lộn với sóng gió, đói khát. Trời yên thì 11 người leo lên thúng, mặc thúng trôi vô định. Nhưng lúc giông gió thì một nửa phải nhảy xuống nước bám mạn, người ở trên thì thay nhau tát nước.
Lúc quá đói, chia nhau miếng mỳ tôm sống cầm chừng, còn nước thì hứng nước mưa vào mảnh túi bóng nên cũng phải rất hạn chế. “Cũng không biết lúc nào mới được cứu nên anh em cũng chỉ biết bảo nhau ráng hết sức. Ai kiệt sức thì cho lên thúng nghỉ ngơi, ai khỏe hơn chút thì ngâm mình dưới nước”, anh Thu kể.
Các tàu của ngư dân miền Trung và Bình Định hay tin, chia nhau bủa đi tìm kiếm cứu bạn. Đến sáng 11/7, các ngư dân may mắn được tàu BĐ 95541 của ông Trương Định (trú xã Hoài Hương, Hoài Nhơn, Bình Định) tìm thấy và đưa lên tàu. Lúc này, mọi người hầu hết đã kiệt sức, chỉ còn chút nữa là tuyệt vọng buông tay…
Ông Bùi Thanh Ninh, chủ tàu cá BĐ 96617 (Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn, Bình Định) chia sẻ kinh nghiệm: Để quản lý đội tàu 16 chiếc, ông tự trang bị máy Icom, radio kết nối liên lạc trực tiếp với các tàu hoạt động ngoài khơi, thường xuyên cập nhật tin tức và nắm bắt tình hình. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời ứng cứu khi tàu gặp nạn.
No comments:
Post a Comment