Cuba có dân số trẻ trung, giáo dục và y tế đều đạt tiêu chuẩn tốt
Hồi nhỏ ở Hà Nội tôi đến thăm một người bạn và thấy ảnh ông Fidel Castro treo giữa nhà, nơi trang trọng.
Ba của bạn ấy là bác sỹ, từng đi thăm Cuba, được chụp ảnh chung với ông Fidel và đem về nhiều kỷ vật, hình ảnh từ 'quốc gia cộng sản anh em' ở Tây Bán Cầu, theo quan niệm một thời tại Hà Nội.
Gần đây hơn, một lãnh đạo Việt Nam sang thăm Cuba còn nhắc chuyện hai nước 'bên ngủ bên thức' canh giữ hòa bình thế giới.
Nhưng từ một thời gian qua, cả Cuba lẫn Việt Nam đều tấp nập tăng cường quan hệ với chính 'đế quốc Mỹ', kẻ thù ý thức hệ trong nhiều thập niên của Havana và Hà Nội.
Và các hoạt động đó tăng tốc từng ngày, từng giờ.
Tháng Bảy này Hoa Kỳ và Cuba tuyên bố sẽ mở đại sứ quán của cả hai bên.
Cũng trong tháng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên sẽ vào Tòa Bạch Ốc, điều chưa từng ai nghĩ có thể xảy ra.
Trước hết ta cần làm rõ bối cảnh của quan hệ nồng ấm Cuba với Hoa Kỳ để có thể gợi ra một số ý cho Việt Nam.
'Giã từ vũ khí'
Tiến triển trong quan hệ Cuba và Mỹ đã không thể diễn ra nếu không có những chuyển biến rộng hơn ở khu vực Nam Mỹ từ một thập niên qua.
Như ta biết, vấn đề lớn nhất của giới cầm quyền châu Mỹ La tinh từ ngày độc lập khỏi thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha luôn là cái bóng quá to của 'ông kẹ Hoa Kỳ'.
Trong suốt thế kỷ 20, châu lục giàu đẹp này bị kẹt giữa hai làn đạn 'thân Mỹ và chống Mỹ'.
Như một anh bạn Colombia ở London nói với tôi, người Nam Mỹ từng "có thể đi từ Mexico City đến Santiago de Chile không cần phiên dịch" nhưng họ "nói cùng ngôn ngữ Tây Ban Nha mà không hề nói chung một thứ tiếng".
Khắp nơi là xung đột, nội chiến lâu dài, gây rỉ máu toàn xã hội, hoặc biến các cộng đồng thành băng đảng ma tuý.
Các vấn đề giai cấp, tôn giáo, sắc tộc (giữa nhóm gốc Âu và gốc bản địa) rất khác nhau về liều lượng ở mỗi nước nhưng chúng đều bị trộn vào chủ đề phe phái, 'chống đế quốc' hay theo Hoa Kỳ để nhận viện trợ.
Các nước Colombia, Argentina, Chilê, Brazil còn chịu ít nhiều ảnh hưởng của phe tả châu Âu (Pháp, Tây Ban Nha, Ý) nhưng Cuba đi theo một hướng khác hẳn, cực đoan hơn là thân Liên Xô.
Khủng hoảng tên lửa Cuba 1962 là bước ngoặt, tạo thêm chia rẽ khu vực.
Một thời cách mạng: Fidel Castro bắn súng ở Mexico năm 1956
Phe ủng hộ Fidel Castro cũng có nhưng phe phản đối cho rằng quyết định phiêu lưu của ông ta đã kéo Tây Bán Cầu tới bờ vực hủy diệt.
Hiển nhiên, Hoa Kỳ cũng có đầy trách nhiệm trong công tác hỗ trợ các chính quyền quân phiệt hoặc các nhóm bán vũ trang thiên hữu.
Thái độ bao vây 'tới cùng' của Washington sau cuộc cách mạng 1953 cũng là động lực cho Havana càng kiên trì theo Moscow và để kinh tế hòn đảo này rơi vào tình trạng suy sụt vì mô hình lạc hậu.
Nhưng gần đây, tình hình đã biến chuyển.
Trên 600 triệu người dân ở toàn vùng, sống trong hơn 20 xứ sở nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, tiếng Anh, Pháp nếu tính cả một số đảo quốc nhỏ, dần dần bỏ xa ý thức hệ.
Nội chiến Columbia sau 50 năm nay bắt đầu có cơ hội chấm dứt.
El Salvador, một thời là chiến trường hai phe (1979-1992) nay có nền kinh tế tăng trưởng cao (GDP đạt 30 tỷ USD trên 6 triệu dân), thu nhập bình quân gấp bốn lần Việt Nam, nước mà chiến tranh đã chấm dứt hàng chục năm trước vẫn còn cố thoát nghèo.
Nước lớn nhất vùng, Brazil cũng công nghiệp hoá nhanh chóng và vươn lên vị trí cường quốc khu vực với tiếng tăm lên cao trên thế giới: vào nhóm BRIC, đăng cai World Cup và sắp tới là Olympics.
Argentina, nước đậm chất Âu nhất tại khu vực, thì không chỉ có vị tân Giáo hoàng Francis nổi tiếng bình dân mà còn sản sinh ra nhiều ngôi sao thể thao, bóng đá và tennis.
Tư tưởng và tình cảm
Nhưng quan trọng hơn cả là thay đổi trong tư tưởng.
Oliver Stuenkel, một nhà bình luận ở Sao Paulo, Brazil gần đây có nói trên kênhDW của Đức rằng cả châu lục ngày nay "không còn một nhà chính trị cánh tả nào nghiêm túc tin vào thuyết chống Mỹ".
Thay vào ý thức hệ thiên tả hoặc cộng sản, người ta cần làm ăn, cần đầu tư nước ngoài.
Các phong trào dân quyền và nhân quyền cũng buộc nhiều chính phủ cánh hữu phải cải tổ.
Giáo hoàng Francis người Argentina đã tạo động lực mới cho ngoại giao khu vực
Tính thực dụng trong kinh tế, gồm cả nhu cầu thu hút đồng tiền từ Hoa Kỳ, Canada và EU, để cân bằng lại đồng tiền Trung Quốc ngày một mạnh, khiến toàn vùng Nam Mỹ chuyển động.
Trong bối cảnh đó, Cuba vẫn đóng vai trò quan trọng, gần như là 'chìa khóa' mở thêm các cánh cửa tâm lý cho Hoa Kỳ vào Nam Mỹ.
Nói như Jacob Parakilas trên trang Prospect, bình thường hóa với Cuba sẽ giúp Hoa Kỳ thêm uy tín và sức mạnh trong bang giao với các nước châu Mỹ La tinh còn lại, nơi dư âm về cuộc cách mạng Cuba vẫn còn được phái tả và người bình dân ngưỡng mộ.
Nhưng nhà Castro cũng có những nhượng bộ cụ thể.
Ông Fidel Castro đã nghỉ và em ông, Chủ tịch Raul Castro, cũng tuyên bố sẽ về hưu năm 2018, mở đường cho một thế hệ lãnh đạo Cuba mới mẻ.
Như vậy, quả là những nhà lãnh đạo quá tuổi thượng thọ của Cuba đã 'giã từ vũ khí' vì một tương lai cho quốc gia.
Cuba thậm chí có nhiều cơ hội trở thành giàu có và an toàn, thịnh vượng và dân chủ hóa hơn nhanh nhiều so với Việt Nam.
Dân không đông (11 triệu), đa số trẻ và có đông trí thức gốc Âu, học cao, văn hóa gắn chặt với EU, Bắc Mỹ, họ còn có viễn cảnh nhận nhiều đầu tư (riêng bang Texas dự tính sẽ đổ vào Cuba hàng tỷ USD), nên tôi tin Cuba sẽ cất cánh.
Một khi đã bình thường hóa với Hoa Kỳ, Cuba cũng không phải lo về an ninh nữa vì vùng biển Caribean đã và đang không có tranh chấp, căng thẳng gì.
Cuba vừa mời Total của Pháp vào khai thác dầu khí trong vùng biển của mình và được cả thế giới hoan nghênh.
Cùng lúc, tình hình của Việt Nam lại không được như vậy.
Nhìn từ bên trong, Việt Nam chịu sức ép dân số với trình độ tay nghề rất kém, và hệ thống giáo dục, y tế đầy vấn đề.
Bác sỹ Cuba đi sang nhiều nước chữa bệnh còn Việt Nam chưa đủ trình độ tiếng Anh cho y tá, hộ lý giành thị phần dịch vụ bệnh viện ở châu Âu mà Philippines đang chiếm lĩnh.
Năm 2016 ông Obama hết nhiệm kỳ nhưng ông Castro cũng hứa sẽ nghỉ vào năm 2018
Đất không rộng nhưng địa hình phức tạp và cơ sở hạ tầng vốn đang được xây dựng ồ ạt lại hay hỏng hóc, đổ vỡ vì thiếu tư duy khoa học và quản lý tệ.
Bộ máy ở Việt Nam quá đông quan, đa số vẫn bám vào tư duy cũ, có thể vì ngoại ngữ còn yếu nên việc hiểu biết quốc tế không thể bằng quan chức Cuba luôn thành thạo hai ngôn ngữ quốc tế là Tây Ban Nha và Anh.
Động lực của cải cách ở̉ Việt Nam đã hết đà, chưa thấy một 'cú hích' mới trong lúc lại phải bỏ hàng tỷ USD ra tăng cường quân bị, mua tàu ngầm, nhập phi cơ, thuyền tuần tra biển vì áp lực an ninh khu vực.
Về môi trường xung quanh, khác với Cuba luôn được cả châu Mỹ La tinh mến mộ, Việt Nam tuy là thành viên của ASEAN nhưng khối này đang chia rẽ và Campuchia, Thái Lan, Myanmar đang ngày một mặn mà với Bắc Kinh chứ không phải với Hà Nội.
Trở lại câu chuyện ban đầu về những người Việt Nam yêu mến Cuba.
Có người từng lo 'Cuba mất chủ nghĩa xã hội' và thế là Việt Nam không còn 'người bạn cùng canh thức'.
Đây là một tình cảm đáng quý của một thời, nhưng thực tế những năm tới thì chắc cần có thêm các bạn Cuba lo lắng cho Việt Nam hơn là ta lo cho họ.
No comments:
Post a Comment