Monday, July 20, 2015

Tan sương đầu ngõ

Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-07-20
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước bữa ăn với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 07 Tháng Bảy 2015 tại Washington, DC
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước bữa ăn với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 07 Tháng Bảy 2015 tại Washington, DC  AFP
Hai câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du đã vượt qua lũy tre làng Việt nam vào đến tận phòng khánh tiết của Bộ ngoại giao Hoa kỳ, khi Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden cất lời chào đón Tổng bí thư đảng cộng sản Việt nam trong mùa hè năm nay.
Nếu như trong tuần lễ ông Trọng có mặt ở nước Mỹ, người ta bàn nhau về những toan tính chiến lược giữa các bên, những phỏng đoán chính trị thâm sâu cho tương lai,… thì một tuần sau đó dư âm trên các trang blog tiếng Việt về chuyến đi mà ông Trọng xem là lịch sử ấy lại là hai câu thơ của một thi nhân, người cũng từng gánh những trọng trách ngoại giao không dễ dàng hai trăm năm trước.
Có blogger nói là nước Mỹ chơi thâm, vì ví von ông Trọng với nhân vật trùng tên với ông trong truyện Kiều là Kim Trọng, một nhân vật nhạt nhẽo, không bản lĩnh.
Nhưng đa số những bình luận về câu chuyện văn chương- ngoại giao này là tích cực.
Kỹ sư Tô Văn Trường viết trên blog Bauxite Việt nam rằng người Mỹ đã chuẩn bị buổi gặp gỡ một cách kỹ lưỡng đến độ tra cứu cả kho tàng cổ văn Việt nam để tìm ra áng văn mà học giả Phạm Quỳnh từng cho rằng nó tồn tại cùng dân tộc Việt nam. Ông Tô Văn Trường cho là hai câu thơ mà ông Biden trích dẫn là rất thích hợp của cuộc tái hợp ngày hôm nay của hai quốc gia Việt Mỹ. Song ông Trường lại tiếc cho ông Trọng, người ắt hẳn am hiểu truyện Kiều vì đã tốt nghiệp khoa ngữ văn ở Hà nội, là không đem được sở học ấy ra mà đối đáp trong buổi tương giao.
Có blogger nói là nước Mỹ chơi thâm, vì ví von ông Trọng với nhân vật trùng tên với ông trong truyện Kiều là Kim Trọng, một nhân vật nhạt nhẽo, không bản lĩnh
Người cựu sinh viên tranh đấu trước năm 75 Hạ Đình Nguyên lại đặt câu hỏi quanh câu chuyện Tan sương đầu ngõ của ông Trọng.
Hạ Đình Nguyên dùng lại từ xoay trục mà giới phân tích chính trị thường dùng để chỉ chính sách Á châu của nước Mỹ để nói về câu chuyện của ông Trọng, rằng có phải thực sự ông Trọng đã thay đổi hay không, vì ông vốn là một người luôn tuyên truyền cho chủ nghĩa Mác Lê Nin, có phải ông thực sự xoay trục hay không!
Và ông Nguyên nhận xét rằng trong mấy ngày ở đất nước của nữ thần tự do, ông Trọng không hề nhắc đến cả tên của các vị tiền bối cộng sản của ông.
Cũng bàn về Tan sương đầu ngõ, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, sau khi điểm lại lịch sử bang giao Việt Mỹ, cũng có nhận xét rằng con người gắn chặt với hình ảnh cương định chủ nghĩa Mác Lê Nguyễn Phú Trọng không mảy may đề cập đến việc kiên định xã hội chủ nghĩa, hay là chống Tam quyền phân lập,… vốn là những câu nói đầu môi trước đây của ông Tổng bí thư đảng.
Nhưng đâu đó vẫn còn có sự hoài nghi, Ông Hạ Đình Nguyên nghi vấn là với tính giáo điều và sự tự mãn trí thức xã hội chủ nghĩa, liệu ông Trọng có dấn thêm bước đi nữa để tạo nên đột phát cho bế tắc chính trị xã hội ở Việt nam hay không?
Còn Giáo sư Nguyễn Đình Cống lại có thêm một góc nhìn khác trong câu chuyện Tan sương đầu ngõ. Ông cho rằng sương ngoài ngõ có thể tan rồi nhưng câu chuyện trong nhà mới là quan trọng. Ông viết:
Quan trọng hơn là sự hòa thuận và ngăn nắp trong nhà, là xây dựng nhà nước pháp quyền, là tự do hạnh phúc, là nhân quyền cho toàn dân.
Những chuyện trong nhà
Ngay trong ngày ông Trọng kết thúc chuyến thăm nước Mỹ, một người nông dân biểu tình đòi đất ở Việt nam bị xe ủi cán trọng thương.
So sánh hai câu chuyện, câu chuyện tan sương của ngoại giao, với câu chuyện bế tắc của nông dân và đất đai, blogger Viết từ Sài gòn viết rằng mình có một cảm giác bất an! Bất an vì sự trí trá trong đối nội đối ngoại, và bất an về một vụ Thiên An Môn tiềm ẩn trên đất Việt.
Trong một bài viết khác của tuần này, Viết từ Sài gòn đánh giá những động thái đối ngoại của đảng cộng sản trong thời gian gần đây là:
Chuyển loại hình chính trị mà lợi ích nhóm vẫn được bảo đảm.
Bài toán nan giải nhóm lợi ích nhóm đó, một lần nữa lại được ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó ban Tuyên giáo trung ương đảng đề cập trên truyền thông chính thống.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống viết bài Trao đổi thêm với ông Vũ Ngọc Hoàng, trong đó ông cho rằng:
Công trình Văn Miếu Vĩnh Phúc trị giá gần 300 tỉ đồng
Công trình Văn Miếu Vĩnh Phúc trị giá gần 300 tỉ đồng
Muốn trừ diệt được về cơ bản sự tham nhũng, nhóm lợi ích, ngăn ngừa sự phát triển “chế độ tư bản thân hữu” thì hay nhất, có hiệu quả nhất là Đảng phải tự đổi mới, từ bỏ độc quyền, từ bỏ chuyên chính vô sản và đấu tranh giai cấp, thực thi chế độ dân chủ với Tam quyền phân lập, nghĩa là phải thay đổi thể chế để có thể xây dựng một chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Ông Cống vốn là người công khai yêu cầu xóa bỏ chủ nghĩa Mác Lê Nin với tư cách ý thức hệ lãnh đạo tại Việt nam.
Cũng nói về các nhóm lợi ích và chủ nghĩa tư bản thân hữu, blogger Mạnh Kim viết bài phân tích về cái gọi là sở hữu toàn dân mà đảng cộng sản vẫn hay lên tiếng ca ngợi, rằng Nó tạo ra lãnh chúa và sự chia chác thống trị của lãnh chúa với các thế lực kinh tế mang màu sắc giang hồ.
Muốn trừ diệt được về cơ bản sự tham nhũng, nhóm lợi ích, ngăn ngừa sự phát triển “chế độ tư bản thân hữu” thì hay nhất, có hiệu quả nhất là Đảng phải tự đổi mới, từ bỏ độc quyền, từ bỏ chuyên chính vô sản và đấu tranh giai cấp, thực thi chế độ dân chủ với Tam quyền phân lập
Giáo sư Nguyễn Đình Cống
Các nguồn lực kinh tế bị chia chác bởi các nhóm lợi ích, không chừa cả những vùng quê nghèo khó nhất, đó là câu chuyện lạm thu trên những nông dân nghèo khó tại tỉnh Hà Tĩnh, quê hương của nhà thơ Nguyễn Du.
Và cũng chính trên mảnh đất nghèo khó này một miếu thờ Khổng tử nguy nga sắp mọc lên. Blogger nhạc sĩ Tuấn Khanh viết:
Sắp tới đây, một Văn miếu nguy nga với giá gần 100 tỷ sẽ được dựng nên tại đây. Các quan chức cán bộ Hà Tĩnh nói rằng Văn miếu này sẽ giúp đẩy mạnh được giá trị văn hoá truyền thống đền ơn đáp nghĩa, đặc biệt là dành cho những người đã khuất. Trớ trêu thay, cái nghĩa dành cho người còn sống còn chưa trọn thì quy bái cho người chết có là gì? Mồ hôi và nước mắt của nông dân nghèo để đắp xây lên lâu đài, văn miếu... thì nơi đó phải chăng chỉ để gióng lên những tiếng oán thán cho đến tận đời sau?
Bình luận về sự tình cảnh bế tắc hiện nay của chính trị và xã hội Việt nam, Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc cho rằng đảng cộng sản đang tước bỏ vai trò lãnh đạo của mình vì độc ác và hung bạo.
Một chuyện khác cũng có thể xem là chuyện trong nhà đó là sự hòa giải giữa chính quyền của đảng cộng sản hiện nay với cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Giáo sư Lê Xuân Khoa từ California viết bài Hòa giải với người chết.
Sắp tới đây, một Văn miếu nguy nga với giá gần 100 tỷ sẽ được dựng...Trớ trêu thay, cái nghĩa dành cho người còn sống còn chưa trọn thì quy bái cho người chết có là gì? Mồ hôi và nước mắt của nông dân nghèo để đắp xây lên lâu đài, văn miếu... thì nơi đó phải chăng chỉ để gióng lên những tiếng oán thán cho đến tận đời sau?
Blogger nhạc sĩ Tuấn Khanh
Giáo sư Khoa là người từng gặp gỡ nhiều giới chức cao cấp của đảng cộng sản Việt nam để xúc tiến việc trùng tu nghĩa trang quân đội Việt nam cộng hòa trước đây. Đây là ý tưởng xuất phát từ một trí thức người Việt sống tại Mỹ, cho rằng có lẽ phe thắng trận trong cuộc chiến Việt nam nên bắt đầu việc hòa giải bằng cách hòa giải với những người đã khuất, vì đó có thể là bước đi dễ dàng được chấp nhận.
Nhưng theo bài viết của Giáo sư Khoa thì những cố gắng hòa giải dù là với những người đã mất đó, cho tới nay vẫn gặp vô vàn trở ngại từ phía các giới chức Việt nam.
Không rõ trong chuyến đi của ông Trọng tới Mỹ, ông có muốn tiếp tục xúc tiến sự hòa giải giữa đảng của ông và những người Việt hải ngoại hay không, nhưng trong những phát biểu của ông hướng tới chính quyền Mỹ ông nói rằng ông mong muốn đất nước này tạo điều kiện cho các đồng bào của ông được thuận lợi trong việc làm ăn sinh sống.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng lời phát biểu đó là theo một công thức có sẳn, và theo ông thì nó có tính chất trịch thượng đối với một cộng đồng hằng năm gửi về quê hương một số tiền, mà ông gọi là viện trợ không hoàn lại, trị giá đến 15 tỉ đô la Mỹ, giúp đỡ rất nhiều cho nền kinh tế yếu kém của Việt nam do đảng cộng sản lãnh đạo.
Nhìn vào những xung đột đối đầu giữa người Việt với nhau dù chiến tranh đã chấm dứt 40 năm, từ Pháp Giáo sư Cao Huy Thuần viết rằng:
Chẳng lẽ chúng ta cũng cứ ở mãi trong tình trạng bất bình thường từ bốn chục năm qua? Cứ chiến tranh với nhau hoài? Cứ hận thù hoài? Cứ đánh gục mọi ý kiến khác, dù đầy thiện chí, như nã súng cối vào kẻ thù? Cứ đặt vòng kim cô trên đầu xã hội với mệnh lệnh và khẩu hiệu?
Ông viết thêm rằng ông chỉ mong có hai điều cho xã hội Việt nam hiện tại là nó sẽ trở nên bình thường và tìm thấy một sự đồng thuận.
Lời kết
Có lẽ cũng khó thấy thế nào là thành công hay không thành công sau chuyến đi gọi là lịch sử của ông Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ, vì có những góc nhìn những quan điểm hãy còn rất khác nhau. Nhưng trang Bauxite Việt nam nhận định rằng chuyến công du Hoa kỳ của ông Tổng bí thư là một vết son đậm nhất trong cuộc đời chính trị tẻ nhạt của ông.
Blogger Hạ Đình Nguyên cũng có hy vọng:
Theo đạo Phật, những ngày tháng cuối mùa, cuối đời thường có những thay đổi đáng giá, gọi là ánh sáng của giai đoạn “cận tử nghiệp”. Tình hình này ứng vào bản thân ông, vào thể chế, và cũng là tình hình đất nước.
Lành thay! 

Đáng hoan nghênh thay!
Đó là lời kết trong bài viết Tan sương đầu ngõ của ông mà chúng tôi cũng xin mượn để đặt tựa đề cho bài điểm blog tuần này.

No comments:

Post a Comment