Theo Người Việt-07-20-2015 12:55:46 PM
Lê Diễn Ðức
Ngày 10 tháng 7 trên mạng xã hội Facebook lan truyền một hình ảnh, tiếp theo là video clip cho thấy một người phụ nữ nông thôn đang nằm dưới xích sắt của xe xúc đất.
Bức ảnh gây phẫn nộ dư luận, có người còn xem nó như một “Thiên An Môn” nhỏ!
Riêng tôi nhìn tấm hình, đã ngao ngán viết mấy câu thơ:
Người nông dân cơ cực, hiền lành
Xích sắt nghiền lên cùng với cờ của đảng
Hai cuộc chiến tranh theo đảng làm cách mạng
Ðể hôm nay bị đảng dập vùi...
Sự sôi động của cộng đồng dư luận khiến Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Hải Dương đã phải họp khẩn cấp về vụ việc. Công an địa phương và báo cáo gửi Văn Phòng Chính Phủ, các cơ quan trung ương của ủy ban tỉnh một mực khẳng định rằng, người dân chỉ va chạm với máy xúc chứ không bị máy xúc chèn qua người.
Thực tế là vào ngày 10 tháng 7, trong cuộc cưỡng chế thu hồi đất tại khu công nghiệp Cẩm Ðiền, thuộc huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, công ty xây dựng và thương mại Thành Trung sử dụng máy xúc thi công san lấp mặt bằng cho công ty liên doanh của Việt Nam và Singapore VSIP. Việc thu hồi đất và đền bù không thoả đáng khiến hàng chục nông dân biểu tình phản đối.
Tại xã Lương Ðiền, còn 4 hộ có tài sản trên đất chưa có phương án bồi thường. Xã Cẩm Ðiền còn 115 hộ chưa nhận tiền bồi thường, với số tiền trên 8.8 tỷ đồng; 56 hộ có diện tích trong khu vực đã cưỡng chế chưa nhận tiền.
Suốt 7 năm nay, từ năm 2008, trên mảnh đất này nông dân không thể trồng trọt hoặc thu hoạch bất cứ thứ gì vì bị cấm. Công ty đầu tư trả giá đền bù rẻ mạt trong khi giá trị thực sự hơn hai trăm triệu cho mỗi sào. Họ đã gửi nhiều đơn khiếu nại từ địa phương tới trung ương, nhưng không được giải quyết. Vì vậy họ tự thủ, cắm trại ngày đêm giữ đất.
Khi những lá cờ bị ủi sập, bà Trâm đã ra gom lại và ngã, xe xúc cứ tiếp tục tiến tới chèn lên người bà. May mắn bà nằm lọt vào chỗ trũng nên không bị đè bẹp, chỉ bị gãy xương vai, bể xương hàm và mặt bị bầm tím.
Ngày 17 tháng 7, tờ VNExpress cho hay, “Ðại Tá Bùi Như Luyến, trưởng công an huyện Cẩm Giàng, cho biết cơ quan điều tra đang làm rõ việc ông Nguyễn Văn Sinh (42 tuổi, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, Hải Dương) bị cáo buộc điều khiển xe xúc bánh xích cán trọng thương bà Lê Thị Trâm (55 tuổi, trú xã Cẩm Ðiền, huyện Cẩm Giàng).”
Như vậy là cả bộ máy nhà nước đã không có cách nào che giấu lấp liếm một sự việc tai tiếng, dã man. Bà Lê Thị Trâm bị xe xúc chèn lên là sự thật.
Dĩ nhiên không ai sai khiến chỉ đạo tên Sinh lái máy xúc chèn lên nông dân, nhưng cần phải được hiểu rằng, một chế độ cai trị bằng luật lệ của bầy sói, sẽ đẻ ra những con sói. Tên Sinh là hậu quả tất yếu của chế độ đó.
Ðây không phải là lần đầu tiên nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam dùng bạo lực thực hiện cưỡng chế thu hồi đất.
Tại Tiên Lãng, Hải Phòng vào tháng 1 năm 2012, nhà cầm quyền đã huy động hàng trăm công an, quân đội thực hiện một cuộc cưỡng chế bất hợp pháp, thu hồi ao vườn của anh Ðoàn Văn Vươn, khiến anh Vươn và người thân phải nổ súng chống cự.
Ngày 24 tháng 4 năm 2012, nhà cầm quyền sử dụng một lực lượng hàng ngàn công an, cảnh sát cơ động đàn áp nông dân để lấy đất giao cho doanh nghiệp tư nhân làm dự án Ecopark tại Văn Giang, Hưng Yên. Trong sự kiện này, cảnh lực lượng công an xúm vào đánh trọng thương hai phóng viên của đài phát thanh Việt Nam (VOV) được ghi lại qua một video clip mà nhà cầm quyền lớn tiếng cho là giả mạo, cắt xén. Nhưng một năm sau đó, công an tỉnh Hưng Yên đã phải nhìn nhận và xin lỗi hai phóng viên.
Cuộc đàn áp nông dân với quy mô lớn và hung hãn đến mức mà cụ Lê Hiền Ðức, một công dân chống tham nhũng nổi tiếng, đã nổi giận viết bài “Phản cách mạng đã rõ ràng”:
“Ðảng Cộng Sản và Nhà nước CHXHCN Việt Nam thừa nhận ở Việt Nam, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai rất tròng tréo, rắc rối, có nhiều thiếu sót
và mâu thuẫn nhau. Nhưng ai là tác giả của chúng? Chính là họ. Ai được hưởng lợi từ chúng? Cũng chính là họ.”
“Cuộc cách mạng mà lớp người chúng tôi đã tham gia 60-70 năm trước nay đã bị phản bội một cách trắng trợn, triệt để. Công hữu, sở hữu toàn dân chỉ là chiêu bài để tư hữu hoá, tư nhân hoá, biến của chung thành của riêng.”
Còn nhà văn Thùy Linh, một người đang sống ở Hà Nội, đã viết trong bài “Ðất Vỡ”:
“Lửa đã cháy và máu đã đổ không phải từ ngoại xâm mà từ những người họ hay gọi là đồng chí. Ôi người dân quê tôi lam lũ nhiều đời sẽ còn bị bần cùng tới khi không còn nước mắt để khóc, không còn máu để chảy trong huyết quản. Ngày mai những thân phận người không còn được bú mớm dòng sữa Ðất Mẹ sẽ vất vưởng ra thành phố lay lắt kiếm sống qua ngày. Những kiếp sống tàn đời không biết đến ấm no.”
“Con ơi... Ông bà cha mẹ ngàn lần xin lỗi vì đã không thể giữ lại mảnh đất này... Khi ông bà cha mẹ chết đi con hãy viết trên mộ chí dòng chữ ‘thế hệ chỉ biết nhân nhượng’ là điều các con nên tránh. Con sẽ phải học bước vào đời với hai bàn tay trắng cái đầu lạnh và trái tim máu nóng không biết bước quỳ. Con hãy ghi nhớ những gì hôm nay ông bà cha mẹ đã phải chịu đựng thất bại ê chề đớn đau tủi nhục để biết sống và tìm cho mình một lối đi khác. Không còn Ðất nhưng tương lai của con phải được gieo trồng trên những cánh đồng của tự do, hạnh phúc, công bằng, yêu thương.”
“Ðất đang vỡ như trái tim đang vỡ... Từng mảnh tim ứa máu rải khắp quê hương này... Và người ta đang lấy máu Ðất để sơn phết những gương mặt quỷ đang nhảy múa cuồng điên trong cơn khát tiền tài danh vọng.”
Trong bài “Vietnams Bauern wehren sich” trên tờ “Neue Zürcher Zeitung” của Thụy Sĩ, ngày 3 tháng 4, 2012, có đoạn:
“Các quan chức tham nhũng khó có thể chống lại sự cám dỗ là nhượng đất cho các công ty tài chính nhiều tiền hoặc các nhà đầu tư thay vì phân bổ đất cho nông dân. Tiền hối lộ cho họ rất hậu do giá đất tăng nhanh chóng. Những ai muốn thưa kiện tại tòa án đều có nguy cơ là đơn kiện bị từ chối bởi ngành tư pháp thiên vị, hoặc bản án không được thực hiện (...). Một điều không ít xảy ra là các cơ quan nhà nước cũng đã sử dụng một lý do không rõ ràng là vì ‘lợi ích công cộng’ nhằm kết thúc quyền sử dụng đất (của người dân) một cách nhanh chóng.” (*)
Suốt nhiều thập niên qua, phổ biến tình trạng người nông dân khiếu nại, phản đối thu hồi đất, nhiều trường hợp chống đối dẫn đến thương vong cho cả người dân và lực lượng của nhà cầm quyền.
Chính sách “Ðất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước thống nhất quản lý” thực chất là quyền sở hữu đất đai bị thâu tóm vào một thiểu số cầm quyền, gây ra oan trái chồng chất. Người nông dân chỉ được quyền sử dụng có thời hạn nhưng có thể bị cưỡng chế thu hồi bất cứ lúc nào khi nhà cầm quyền cần đến.
“Ðền bù” là giải pháp duy nhất cho việc vi phạm hợp đồng cho thuê và hoa màu trên mảnh đất của họ, nhưng thường được giải quyết qua các cơ quan hành chính tham nhũng và quan liêu thay vì phán quyết của toà án độc lập, công bằng. Cho nên mới có chuyện khiếu nại kéo dài vô tận, như quả bóng đá qua đá lại giữa trung ương và địa phương từ năm này qua năm khác, trong khi lòng tham của quan chức liên quan tới giá đất và giá trị đền bù cũng vô đáy.
Tự bản thân luật đất đai đã tạo ra khe hở cho các quan chức thao túng thị trường đất, làm giàu bất chính, bất chấp mọi quyền lợi tối thiểu, thậm chí tính mạng của nông dân, những người mà trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã gửi nhiều nhất con cháu của mình ra trận, chỉ vì momg muốn đất nước độc lập, tự do và “người cày có ruộng.” Họ đã bị phản bội và lừa gạt trắng trợn!
Một người quen nói với tôi rằng, ở Việt Nam bây giờ quan chức không còn “ăn” bằng muỗng, muôi hay xẻng nữa mà xúc bằng máy, để nếu có hề hấn gì thì còn có tiền chạy án. Vì thế, những “cỗ máy xúc” tràn ngập trong bộ máy công quyền. “Chủ nghĩa xúc” hoành hành khắp mọi nơi, từ dưới lên trên.
Bà nông dân Hải Dương bị chèn hôm 10 tháng 7, 2015, là hình ảnh sống mà “chủ nghĩa xúc” dã man và bất nhân ấy thể hiện.
[*]: http://www.nzz.ch/vietnams-bauern-wehren-sich-1.16238721
No comments:
Post a Comment