Đại Nghĩa (Danlambao) - Cơ quan nhà nước, nơi tệ nạn con ông cháu cha từ ngàn xưa cho tới ngày nay ở đâu vẫn có, nhưng có ít hay nhiều và mức độ có nghiêm trọng hay không thì mỗi thời có khác. Cộng sản ngày còn đấu tranh giai cấp để cướp chính quyền thì tố cáo chính quyền thế này, thế nọ, nhưng đến khi họ cầm quyền thì họ lại mặc tình tự tung tự tác, mặc tình thao túng. Cơ quan nhà nước dưới chế độ cộng sản ngày nay đa số công chức, cán bộ, con ông cháu cha, tiền hơn chuyên đến mức báo động, chính báo của nhà nước vẫn phải than rằng:
“Con ông cháu cha: Hách dịch, vô kỷ luật nơi công sở. Phải làm việc cùng ‘con cháu các cụ’ là điều không thể tránh khỏi ở công sở, việc này khiến cho chúng tôi rất mệt mỏi, chán nản...
Từ lúc cậu ta vào làm, cậu ta thường xuyên đi muộn, về sớm, đi không xin phép, làm việc cũng không báo cáo. Vì là cháu yêu của sếp tổng nên trưởng phòng tôi không dám ý kiến mà coi cậu ta như một ‘người thừa’…
Trưởng phòng chỉ còn nước ‘trả lại’ Tú cho sếp tổng vì không thể đào tạo nổi một nhân viên vô kỷ luật như Tú”. (Vietnamnet online ngày 12-5-2015)
Vừa qua, sự cố mất điện tại Trung tâm kiểm soát đường dài HCM và tiếp cận Tân Sơn Nhất ngày 20-11 là rất nghiêm trọng, không chỉ thiệt hại kinh tế cho các hảng hàng không mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước. Nguyên do theo Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nói chất lượng kiểm soát viên không lưu hiện nay rất thấp.
“Trước đó, theo báo cáo của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, nhân viên không lưu hiện có tỷ lệ tay nghề trung bình và yếu chiếm khoảng 40%...
Sở dĩ nguồn nhân lực của Hàng không Việt Nam chất lượng kém là do các tổng công ty quản lý cảng, quản lý bay… nhận vào toàn con cháu nên không nói được”. (ĐatViet online ngày 23-11-2014)
Quan Phó tổng giám đốc EVN miền Bắc Thiều Kim Quỳnh thường bỏ nhiệm sở đi dánh golf trong giờ làm việc là chuyện thường trong nhiều năm qua. Bị thiên hạ tố khổ ông Quỳnh làm tờ “kiểm điểm” qua loa đại khái như sau:
“Nội dung văn bản giải trình của ông Quỳnh có ghi nhận việc ông Quỳnh ‘thỉnh thoảng đi chơi golf trong giờ hành chính và không cung cấp được tài liệu chứng minh việc đi chơi golf trong giờ hành chính đã được sự đồng ý của người có thẩm quyền tại EVNNPC”. (Motthegioi online ngày 15-7-2015)
Ngoài số cán bộ con ông cháu cha, còn một loại khác mua quan bán chức. Trong một buổi thảo luận ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội phát biểu như sau:
“Thưa các đồng chí, bây giờ người ta nói dưới 100 triệu đồng không có chuyện đỗ đâu. Còn ‘chạy’ vào đâu? Đó là trưởng phòng Nội vụ các quận, huyện. Tôi xin mách với các đồng chí lãnh đạo quận, huyện, trưởng phòng nội vụ các quận, huyện đang là đầu mối thu hút việc tiếp nhận hồ sơ, nhận tiền ‘chạy’ của các thí sinh để đỗ công chức và không dưới 100 triệu đồng. Nói đến điều này rất đau lòng, nhưng đây là thực trạng”. (LaoDong online ngày 14-6-2015)
Một sự kiện chua chát cho những công chức cán bộ Việt Nam thời cộng sản…Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận nói: “Chỉ có bằng giả mới vào được cơ quan nhà nước”. (SaiGonTiepThi online ngày 28-2-2014) và Dân Trí cũng đưa tin:
“Việc học giả, bằng giả, học thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể ‘chui’ vào hệ thống công chức nhà nước, không chui vào được tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài. Nếu không lọc được thì việc thực học, thực nghiệp vẫn còn là câu hỏi”.(DanTri online ngày 27-2-2014)
Khi dùng bằng thật, học thật mà không có thủ tục “đầu tiên” thì cũng như không, vì thế cho nên “30 thạc sĩ, thủ khoa xuất sắc nước ngoài trượt công chức”, theo ông Nguyễn Đình Hoa, Phó giám đốc sở Nội vụ cho biết “các ứng viên bằng giỏi mà trượt công chức là do chưa tâm huyết”. (Vietnamnet online ngày 26-4-2015)
Chưa tâm huyết hay tại vì chưa chung 100 triệu? vì thế cho nên:
“…kết quả sát hạch về trình độ hiểu biết chung và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với thí sinh, thì trong số 63 thuộc đối tượng tuyển dụng đặc biệt có tới 30 người không đạt.
Cụ thể trong số những người không đạt có 5 người có bằng thạc sĩ loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài các ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Quản trị tài chính, Kỹ thuật hóa học, Ngữ văn.
25 thí sinh còn lại không qua được kỳ sát hạch vừa qua đều là thủ khoa, thủ khoa xuất sắc trong nước, cử nhân bằng giỏi nước ngoài”. (Vietnamnet online ngày 23-4-2015)
Đánh giá hiệu quả một bộ phận công chức ở thủ đô Hà Nội thì có loại công chức“sáng cấp ô đi tối cấp về”.
“Ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Hà Nội cho biết, có khoảng 30% số công chức làm việc tốt, 35% số công chức viên chức khá và trung bình; số còn lại chưa yên tâm khi giao công việc. Ông Dực cũng cho rằng, đây là ‘tồn tại lịch sử’ khi có đến 20-30% số công chức đang hưởng lương nhà nước nhưng không đáp ứng được công việc nhà nước giao…
…Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị), dẫn ra kết quả điều tra một số tỉnh phía Nam, phát hiện hơn 200 cán bộ cơ sở thuê người học hộ, thi hộ và kết quả khảo sát chưa đầy đủ cho thấy chỉ có khoảng 30% số cán bộ sau tuyển dụng làm được việc, 30% phải ‘cầm tay chỉ việc’, hơn 30% còn lại ‘cầm tay chỉ việc’ vẫn không biết cách làm... nhà nước phải bỏ tiền ra nuôi 30% trên tổng số 22 triệu người hưởng lương ngân sách. Tương đương 6.600.000 người”. (LaoDong online ngày 14-6-2015)
Thành phố Đà Nẵng có “Hơn 1.600 cán bộ công chức chính thức cùng làm việc một nơi”, vì thế chính quyền Đà Nẵng đã phải lấy tiền dân để xây một tòa lâu đài nguy nga để làm nơi cho bao nhiêu cán bộ làm việc và bao nhiêu ngồi chơi xơi nước?
“Công trình được xây dựng tại khu đất rộng 23.318 m2, gồm 36 tầng, trong đó có 2 tầng hầm và 34 tầng làm việc, tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động, có khoảng 1.600 cán bộ, công chức đến làm việc hàng ngày và khoảng 600 lượt người dân đến giao dịch…” (Baomoi online ngày 8-9-2014)
Báo Một Thế Giới phải đau lòng viết bản tin “Dân chúng còng lưng nuôi một đám công chức rổi nghề” khi có đến 30% loại “sáng vác ô đi tối vác về” không làm nên tích sự gì cho dân cho nước. Tác giả bài báo nóng ruột và thắc mắc:
“Ngân sách từ đâu nếu không từ đồng tiền thuế của dân. Nhưng đồng tiền đó bao nhiêu năm phải nuôi một bộ máy quá thừa người, mà không ít, theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là có đến 30% vác ô. Vậy là bao nhiêu năm nay, dân chúng còng lưng nuôi một đám công chức vô công rổi nghề”. (Motthegioi online ngày 1-11-2014)
Người dân quê chân lắm tay bùn, một nắng hai sương còng lưng làm ra sản phẩm nhưng phải lo “Gánh nặng quê nghèo: Có thứ quỹ gọi là ‘nuôi cán bộ’...
“Có nơi thu theo đầu sào, có nơi thu theo đầu khẩu, có nơi thu theo đầu hộ. Có nơi mặc nhiên thừa nhận, có nơi cố tình lập lờ. Nhưng chắc chắn ‘quỹ nuôi cán bộ’ là một trong những gánh nặng trên vai người nông dân bởi đều đặn hàng năm họ phải góp thóc hoặc tiền để nuôi mà có người cho rằng không cần thiết…
Bằng hình thức ‘núp bóng’ quỹ hành chính phúc lợi, mỗi năm, trong chiến dịch thu nộp sản phẩm, xã Thanh Lộc lên phương án thu của người dân hàng trăm triệu đồng để chi trả cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách”. (Boxitvn online ngày 14-7-2015)
Hình ảnh người cán bộ cộng sản ngày nay được Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó giám đốc Học viện Quốc phòng (đại biểu Bến Tre) nhận định:
“Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa. Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng”. (RFA online ngày 2-6-2015)
Đảng CSVN tự nhận “đảng ta là đảng cầm quyền” cho nên 16 Ủy viên BCT và 4 thành viên BBT Trung ương được ưu đải như sau:
“Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vừa ban hành một quy định mới, theo đó các Ủy viên Bộ chính trị, Ban Bí thư được phân biệt thự có diện tích đất từ 450 tới 500 m2…
Ngoài ra, văn bản cũng quy định mức kinh phí trang bị nội thất cơ bản cho biệt thự, căn hộ chung cư cho khu vực đô thị là 120-250 triệu đồng, với căn nhà ở khu vực nông thôn là 75-120 triệu đồng”. (VOA online ngày 15-7-2015)
Người dân có diệp ngắm cung điện rồng phụng sơn son thếp vàng của vua Nông Đức Mạnh hay cuộc sống vương giả với tượng đồng, trống đồng, ngà voi, vườn rau sạch của vua Lê Khả Phiêu, người dân có thể thấy được lý do tại sao dân tộc còn nghèo nàn và đất nước còn lạc hậu là do đâu.
Nói về cơ ngơi của đảng cộng sản thì từ trên xuống dưới nguy nga chẳng khác nào cung vua, phủ chúa. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu IDS thắc mắc về các chi phí của những văn phòng này dân phải gánh bao nhiêu?
“Nếu mình nhìn vô bốn văn phòng gọi là đầu não của cả nước là văn phòng chủ tịch nước, văn phòng quốc hội, văn phòng chính phủ, và văn phòng đảng, thì một điều hết sức ngạc nhiên là văn phòng đảng chi tiêu nhiều nhất, tức là gần 2.000 tỉ, tức là gần 100 triệu đô la. Trong khi văn phòng của chủ tịch nước chỉ có 200 tỉ, tức là bằng 1/10…
Riêng văn phòng Trung ương đảng đã như thế còn 61 văn phòng thành ủy, tỉnh ủy, huyện ủy, rồi đến cấp xã, cấp thôn, thì không hiểu rằng người dân Việt Nam này đóng bao nhiêu thuế để nuôi đảng CSVN”. (RFA online ngày 26-3-2015)
Đứng trước xu thế thời đại chủ nghĩa Mác Lê đã bị các nước cộng sản Âu châu vứt vào xọt rác, chủ nghĩa xã hội không biết đến chừng nào mới thành hiện thực thì TBT đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng vẫn kiên quyết tuyển chọn người vào Trung ương đảng phải theo tiêu chuẩn cũ.
“Đặc biệt, các ủy viên Trung ương phải có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Marx- Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của đảng, Hiến pháp của nhà nước và lợi ích của dân tộc”. (Vietnamnet online ngày 7-5-2015)
Đảng Cộng sản Việt Nam cứ khư khư ôm cái chủ nghĩa phản động này hoài thì nhân dân Việt Nam vẫn còn làm ăn chưa khá được.
20.07.2015
No comments:
Post a Comment