Ngô Nhân Dụng
Nhà văn Sławomir Mrożek ở Ba Lan thời còn cộng sản có lần kể chuyện mấy đứa trẻ chơi tuyết. Chúng đắp một đống tuyết, rồi nặn một tảng tuyết lớn đặt lên trên, rồi vo một quả bong bóng tuyết đặt trên cùng. Buổi tối, bố mẹ lũ trẻ bị công an khu vực gọi tới “làm việc.” Ðồng chí bí thư nghiêm khắc cảnh cáo họ đã để cho con cái phản động, nói xấu tổ quốc xã hội chủ nghĩa!
Bố mẹ lũ trẻ không hiểu gì cả. Ông bí thư xã hỏi: Chúng nó bầy ra trò đắp tuyết để làm cái gì? Thưa, trẻ con chơi làm thằng người bằng tuyết! Nói láo! Không thể bịt mắt được nhân dân đâu nhé! Bọn phản động vừa mới rỉ tai nhau trong nhà thờ, nói rằng chế độ này là một thằng ăn cắp ngồi trên đầu một thằng ăn cắp, lại ngồi trên đầu một thằng ăn cắp khác! Mấy người đang âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân! Về bảo con phá ngay cái đống tuyết xuyên tạc vai trò lãnh đạo của đảng tiền phong của giai cấp công nhân, nếu không nhân dân sẽ trừng trị!
Các ông bố bà mẹ thành khẩn nhận lỗi không biết dậy con. Lập tức về nhà bắt lũ trẻ thi hành chỉ thị của ông bí thư, phá bỏ cái đài kỷ niệm ba thằng ăn cắp.
Sáng hôm sau, chỗ nào cũng thấy những hình người tuyết mọc lên. Bọn trẻ khắp làng đã lén cha mẹ thức suốt đêm chơi tuyết.
Sławomir Mrożek sống trong lòng chế độ cộng sản. Truyện ngụ ngôn của ông mô tả cơ cấu hệ thống chính quyền xã hội chủ nghĩa: Một thằng ăn cắp ngồi trên đầu một thằng ăn cắp, ngồi trên đầu một thằng ăn cắp khác!
Chế độ ăn cắp có hệ thống gọi là “đạo tặc chế” (kleptocratie)! Trong bài trước, mục này đã giải thích mánh khóe làm cách nào người ta đem tiền bán dầu lửa của PetroVietnam (tức là của tất cả mọi người dân Việt) tuồn qua một ngân hàng, từ đó chuyển sang những doanh nghiệp nhà nước, rồi cuối cùng chúng biến mất! Không thấy đồng tiền nào chạy ngược chiều trở lại túi thằng dân hết! Trong khi tiền chạy lòng vòng làm xiếc như vậy, chúng lần lượt rớt vào túi bọn chúng: Một thằng ăn cắp ngồi trên đầu một thằng ăn cắp, trên đầu một thằng ăn cắp khác! Việt Cộng chỉ sao chép bài bản của Cộng Sản Trung Quốc.
Ngày Thứ Hai, 27 Tháng Bảy năm 2015, thị trường chứng khoán Thượng Hải lại mất 8.5%, số tụt giảm trong một ngày lớn nhất kể từ năm 2007 đến nay. Tân Hoa Xã nói hai phần ba các cổ phiếu công ty tụt giá đến giới hạn 10%, phải ngưng mua bán, trong đó có các đại công ty của nhà nước như China Unicom, Bank of Communications, và PetroChina; cùng hai công ty chứng khoán Citic và Haitong. Nếu không có giới hạn 10% này thì không biết giá còn xuống đến bao nhiêu! Ngày Thứ Ba, 28 Tháng Bảy, thị trường lại tụt thêm gần 2% nữa.
Thế nào đảng Cộng Sản cũng sẽ đem thêm tiền ra “cứu giá” cổ phiếu. Tiền của một tỷ người dân sẽ được đổ ra bảo vệ giá trị cổ phần các công ty nhà nước! Trong ba tuần qua họ đã dùng 800 tỷ đô la Mỹ, giúp thị trường lên giá 20%. Nhiều đại gia thấy giá lên như thế đủ cao rồi bèn bán cổ phiếu để thu lời, cho nên giá lại xuống. Mỗi lần thị trường lên hay xuống là hàng tỷ đô la được chuyển từ túi người này sang túi người khác. Trong một bài trước, mục này đã giải thích giới tài phiệt xã hội chủ nghĩa làm cách nào chuyển hàng tỉ đô la từ túi các nhà đầu tư lẻ ngây thơ vào túi các quan lớn, qua hệ thống tài chính xam xám, không ai kiểm soát. Công tác chữa cháy thị trường là một cơ hội bằng vàng cho các đại gia tài chánh chuyển tiền công vào túi mình. Vẫn một cảnh tượng quen thuộc của “nền văn hóa ăn cắp theo định hướng xã hội chủ nghĩa.” Một thằng ăn cắp ngồi trên đầu một thằng ăn cắp, ngồi trên đầu một thằng ăn cắp khác!
Những thằng ăn cắp ngồi trên cùng mới có khả năng huy động tiền của PetroVietnam, PetroChina hay Nhân Dân Ngân Hàng. Nhưng trong hệ thống đạo tặc chế thì bất cứ một “công dân hiền lành” nào cũng được đào luyện dần dần biến thành đạo tặc. Bởi vì họ sống trong nền văn hóa ăn cắp theo định hướng xã hội chủ nghĩa với đặc tính Trung Hoa!
Phải kể hầu quý vị chuyện một công dân hiền lành ở bên Tàu là họa sĩ Tiêu Nguyên (Xiao Yuan). Tiêu Nguyên là họa sĩ, làm quản thủ mỹ thuật trong thư viện của Học Viện Mỹ Thuật Quảng Châu, cho đến khi về hưu năm 2010. Thư viện treo nhiều tranh, ông từng là tác giả nhiều sách về mỹ thuật Trung Hoa. Nếu không sống dưới chế độ cộng sản thì chắc suốt đời ông vẫn chỉ là một quản thủ thư viện, một nhà nghiên cứu hiền lành, lương thiện.
Cuối Tháng Bảy 2015, Tiêu Nguyên mới bị kéo ra tòa, cung khai sự nghiệp ăn cắp tranh từ thư viện trong ba năm trời, ăn cắp ngay trước mắt mọi người.
Năm 2003, Học Viện Mỹ Thuật bắt đầu đưa cả bộ tranh trong thư viện vào computer lưu trữ, cho giới nghiên cứu dễ tìm tòi. Khi tiến hành công việc “số hóa” (digitize), Tiêu Nguyên khám phá ra có nhiều bức treo trên tường là tranh giả. Có người treo tranh giả vô đó, tức là các bức tranh thật đã bị đánh tráo mất rồi. Khám phá ra tội trộm cắp ngay trong sở làm, Tiêu Nguyên lẳng lặng không nói gì với ai; vì đã thấy một cơ hội cho chính mình làm ăn. Sống trong một xã hội nhìn quanh thấy toàn bọn ăn cắp ngồi trên cao, mọi người không ai được tó giác mà còn phải vỗ tay hoan hô chúng, được dịp ăn cắp mà bỏ qua thì ngu dại quá!
Tiêu Nguyên đi mua những tờ giấy trắng cũ và cả loại mực cũ, càng cũ càng trông giống tranh cổ. Mỗi cuối tuần, ông mượn các bức tranh thật về nhà, sao chép tỉ mỉ. Cho đến khi bức tranh giả hoàn tất thì mang đến treo lên tường; chả ai biết gì cả. Làm ăn như vậy, tới năm 2006 Tiêu Nguyên phải ngưng, vì cả bộ sưu tập chuyển đi nơi khác. Tổng cộng Tiêu Nguyên đã ăn cắp được 143 bức tranh, bán 125 bức thu vào 34 triệu đồng nguyên (khoảng gần 6 triệu đô la Mỹ). Phần lớn tranh quý bán qua nhà đấu giá Trung Quốc Gia Ðức Phách Mại (China Guardian Auctions). Tranh đem bán được giá vì có tác phẩm của các họa sĩ nổi danh trong thế kỷ 20 như Tề Bạch Thạch (Qi Baishi), Trương Ðại Thiên (Zhang Daqian) Năm 2012 một bức tranh của Tề Bạch Thạch bán ở Bắc Kinh với giá 72 triệu nguyên! Những tranh cổ được giá là của họa sĩ Chu Ðáp đời Thanh (Zhu Da, 17;1626-1705).
Khi bị bắt, Tiêu Nguyên còn giữ 18 bức tranh quý, trị giá 77 triệu nguyên, gần 12 triệu rưỡi đô la. Chắc các bức tranh đó sẽ được trả lại cho Học Viện Mỹ Thuật Quảng Châu. Nhưng số phận chúng sau này sẽ ra sao, khó đoán được. Bởi vì những bức tranh Tiêu Nguyên vẽ giả đem treo trong thư viện sau đó vẫn có người đánh tráo bằng những bức tranh “giả hơn!” Ra trước tòa, Tiêu Nguyên khai ông nhìn thấy ngay là tranh giả, sao chép vụng về, xấu hơn tranh giả của ông nhiều! Tất nhiên khi nhìn thấy ông cũng không dám tố giác những tay ăn cắp kế nghiệp mình. Vì nếu mở cuộc điều tra thì người ta sẽ khám phá ra những bức tranh bị đánh tráo đem đi cũng là đồ giả, họ sẽ hỏi tới ông.
Hiện tượng này gọi là “lỗi hệ thống!” Ðảng Cộng Sản đặt trên hai hệ thống, tuyên truyền mê hoặc và bạo lực đàn áp. Ðó cũng là nghề chuyên môn của những tay lừa đảo và ăn cướp. Một thằng bịp bợm và ăn cướp rất khó đi tố giác một thằng cướp và bịp khác. Vì chính nó sẽ phải phơi bày tội lỗi của mình! Những anh tham nhũng ngập mặt không ai dám đụng tới vì chuyện đổ bể ra sẽ liên lụy rất nhiều người, cả guồng máy không chạy được nữa. Sự nghiệp ăn cắp của Tiêu Nguyên chỉ bị phát giác tại... Hương Cảng! Một cựu sinh viên Viện Mỹ Thuật Quảng Châu thấy một bức tranh cổ bày bán ở Hồng Kông có đóng dấu thư viện của trường mình, bèn đi báo cảnh sát. Báo chí loan tin, lúc đó cả làng mới biết!
Trong các thư viện và bảo tàng viện bên Tàu không biết có bao nhiêu ông Tiêu Nguyên! Viện bảo tàng tỉnh Hà Nam năm 2013 phát giác nhiều cổ vật là đồ giả, theo tin báo chí nhà nước! Năm ngoái, viện bảo tàng Lộc Thành, tỉnh Liêu Ninh (Lucheng; Liaoning) khám phá ra trong số 8 ngàn món trưng bày có một phần ba là đồ giả, phải tạm đóng cửa! Với nền văn hóa ăn cắp theo định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển rực rỡ như thế, từ nay đi thăm các viện bảo tàng ở bên Tàu quý vị nên cẩn thận. Người Trung Hoa bây giờ chắc biết ơn Thống chế Tưởng Giới Thạch. Năm 1937, khi quân Nhật uy hiếp Bắc Kinh, ông đã cho di tản tất cả các đồ trân ngoạn trong cố cung nhà Thanh, chạy giặc tới đâu ông ôm theo tới đó, năm 1949 tất cả chuyển qua Ðài Loan. Nhờ thế, các thế hệ người Tàu sau này còn được ngắm những bức tranh cổ trân quý tại Cố Cung Bác Vật Viện. Nếu để lại trong lục địa, các vật quý đó chắc đã tiêu tán hết rồi!
Ăn cắp đồ cổ từ các đền chùa dễ hơn lấy từ các viện bảo tàng; và Việt Cộng không thua gì Trung Cộng. Có người khoe với tôi một pho tượng gỗ cổ, sau chuyến về thăm Việt Nam, cách đây hơn 30 năm. Chàng kể rằng một ông bí thư nào đó tiễn chân mình ra tận chân máy bay, lúc từ biệt mới nhét pho tượng vào túi xách tay của “Việt kiều yêu nước.” Ông bí thư nói nhỏ rằng pho tượng đó gốc ở chùa nào ra, nhưng không cho biết ông lấy lén lút hay công khai. Gần đây, chùa Kim Long ở Nha Trang vừa bị kẻ gian đánh cắp 39 tượng phật cổ. Hai anh ăn trộm này chắc không phải bí thư bí thiếc cái gì cả. Họ thuộc hàng ngũ thấp nhất, nằm dưới chân cả đám ba cấp bậc những thằng ăn cắp!
No comments:
Post a Comment