Friday, June 12, 2015

Việt Nam: Nhiều dấu hiệu khủng hoảng tài chính

HÀ NỘI (NV) - Có nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang đối diện với một đợt khủng hoảng Tài Chính vì mất cân đối trong thu-chi ngân sách của nhà nước.


Ngân sách eo hẹp, đầu tư cho giáo dục, y tế, phúc lợi công cộng bị cắt giảm nhưng chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc vẫn được phép dùng 271 tỷ để xây... Văn Miếu. (Hình: VTC)

Theo Bộ Tài Chính Việt Nam thì tính đến cuối năm ngoái, nợ nần của chính quyền CSVN đã lên đến 2.36 triệu tỷ đồng. Con số này tương đương 60% GDP. So với năm 2013 thì chỉ trong vòng một năm, nợ nần của chính quyền Việt Nam đã tăng thêm một khoản tương đương 5% GDP.

Bộ Tài Chính của chế độ Hà Nội thừa nhận, bốn năm qua, nợ nần của chính quyền Việt Nam vẫn tăng chóng mặt. Các khoản nợ gần đây được vay ở trong nước, thông qua việc bán trái phiếu.

Theo một vài chuyên gia kinh tế, sở dĩ nợ nần tăng nhanh là vì chính quyền Việt Nam phải liên tục đi vay để bù đắp sự thiếu hụt do kinh tế suy thoái. Bởi Việt Nam sẽ không thể vay các khoản có tính ưu đãi như trước nên việc vay mượn mang tính thương mại sẽ khiến chi phí đối với các khoản vay để đầu tư lớn hơn và áp lực về việc kiếm cho ra tiền để trả lãi sẽ rất nặng nề.

Bà Phan Thị Thu Hiền, vụ phó Vụ Tài Chính-Ngân Hàng của Bộ Tài Chính Việt Nam, tiết lộ, trong năm tháng vừa qua, việc phát hành trái phiếu không đạt được kế hoạch đã đề ra vì giới đầu tư không mặn mà với loại trái phiếu dài hạn (thời gian vay từ 5 đến 10 năm).

Ông Huỳnh Quang Hải, vụ trưởng Vụ Ngân Sách của Bộ Tài Chính, cho biết, trong năm tháng đầu năm nay, ngân sách Việt Nam đã chi 455,600 tỷ đồng, tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong số này có 64,870 tỷ được chi để trả nợ và viện trợ. So với cùng kỳ năm ngoái thì năm nay, chi để trả nợ và viện trợ dẫn đầu về tỉ lệ tăng (23.5%).

Dẫu chi tiêu gia tăng nhưng thu ngân sách chỉ đạt gần 42% so với kế hoạch. Trong đó, nguồn thu từ dầu thô chỉ đạt 32.6% so với dự tính vì giá dầu trên thế giới giảm.

Năm tháng vừa qua, Việt Nam bội chi 74,800 tỷ đồng. Đến cuối tháng trước, chế độ Hà Nội đã phát hành 94,300 tỷ đồng trái phiếu để bù đắp bội chi và có tiền chi cho đầu tư phát triển.

Trong bối cảnh như vừa kể, Bộ Tài Chính Việt Nam loan báo, thủ tướng của chế độ vừa yêu cầu hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương đã được yêu cầu tạm ngưng sử dụng 10% dự toán chi thường xuyên (cách gọi những khoản chi để duy trì hoạt động của hệ thống công quyền) cho tám tháng còn lại của năm nay để đề phòng trường hợp “nguồn thu ngân sách sụt giảm mạnh.”

Cũng theo Bộ Tài Chính Việt Nam thì thủ tướng Việt Nam đã đồng ý cho cơ quan này được phép giữ lại 50% nguồn ngân sách dự phòng cho tất cả các cấp. Bộ Tài Chính Việt Nam giải thích đó là những giải pháp mới nhất đối với việc điều hành ngân sách từ nay đến cuối năm.

Để trấn an, vụ trưởng Vụ Ngân Sách của Bộ Tài Chính Việt Nam nói thêm, yêu cầu hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương giữ lại, không được dùng 10% dự toán chi thường xuyên “chưa phải là cắt.” Đến tháng 8, dựa trên tình hình thu-chi, nếu tình hình khả quan thì sẽ cho dùng, còn ngược lại thì phải cắt giảm.

Viên vụ trưởng Vụ Ngân Sách của Bộ Tài Chính Việt Nam thừa nhận những giải pháp vừa kể “sẽ tạo ra một số khó khăn” nhưng sẽ giúp hệ thống công quyền có “ý thức tiết kiệm,” thực hành “tiết kiệm chi tiêu.” (G.Đ)

06-11- 2015 5:58:31 PM
Nguồn : Người Việt

No comments:

Post a Comment