Friday, June 12, 2015
Từ chủ quan, bất cẩn đến hiểm họa'
Trần Phan
11.06.2015
Tựa của bài viết này chính là tựa của bài viết trong mục Sự Kiện & Vấn Đề của tác giả Vân Khanh, đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng số 13647 (ngày 2/6/2015). Bài báo viết về thực trạng tai nạn giao thông, và đề xuất các biên pháp cải thiện.
Bài báo gồm 5 khổ:
Khổ đầu là một tổng quan ngắn về tai nạn giao thông, với tổng kết gọn: “Những hiểm họa đó xảy ra do nguyên nhân chủ quan, bất cẩn khi tham gia giao thông”.
Khổ hai nói về tai nạn do xe cồng kềnh, xe siêu trường siêu trọng bị mất thắng, bể lốp. Câu kết của khổ này là “xe mất an toàn thực chất cũng là do sự bất cẩn, chủ quan của tài xế”.
Khổ ba tập trung nói về tình trạng tài xế chạy ẩu, không tuân luật giao thông.
Khổ bốn nói về tài xế: các tật xấu của họ như thức khuya, bài bạc, nhậu nhẹt, dùng ma túy…; trình độ chuyên môn lái xe yếu kém của họ. Từ đó tác giả đề nghị biện pháp: giáo dục, xử phạt nghiêm khắc, tăng nặng các mức phạt tù, phạt tiền tài xế.
Bài báo này xuất hiện sau tai nạn giao thông khủng khiếp và vô lí: chiếc xe 7 chỗ đang đậu chờ đèn đỏ thì bị một xe đầu kéo đổ dốc đâm thẳng từ phía sau. Cú đâm mạnh tới nổi chiếc xe bảy chỗ bị dúm nát, 5 người trên xe chết hết. Trước khi tai nạn này xảy ra, đã có bao tai nạn cũng khủng khiếp và vô lí như vậy từng xảy ra và giết chết khoảng một chục ngàn người mỗi năm.
Bài viết có tính xã luận nói trên về tai nạn giao thông và đưa ra:
a) chẩn đoán: do tài xế bất cẩn, không tuân luật giao thông
b) biện pháp điều trị: xử phạt nghiêm, nặng tài xế
Than ôi, tờ báo Sài Gòn Giải Phóng, tiếng nói của đảng bộ chính quyền thành phố lớn nhất nước Việt Nam, có thể đăng một xã luận nông cạn như vậy sao?
Đúng là tai nạn giao thông là do tài xế. Tuy nhiên, khi con số tài xế vi phạm quá lớn như vậy, khi các tai nạn khủng khiếp và vô lí lặp lại, nối tiếp nhau với tần suất cao như vậy, thì đây là hiện tượng xã hội, cộng đồng, quần thể, chứ không còn là hiện tượng cá nhân nữa. Cách hành xử của quần thể khác với của cá thể, do đó cách xử lí đối với hai loại đối tượng này cũng khác.
Nói tới xã hội, cộng đồng là nói tới tổ chức. Tài xế chạy ẩu, bất cẩn, chở cồng kềnh, không tuân thủ luật giao thông… thì cảnh sát giao thông xử phạt, dặn dò, nhắc nhở ra sao? Tài xế không thuộc, không biết luật giao thông thì cơ quan cấp giấy phép lái xe có trách nhiệm gì?
Tài xế thiếu đạo đức nghề nghiệp như lái xe khi buồn ngủ, mỏi mệt, say xỉn… thì cơ quan nào của Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm? Bộ Giáo dục Đào tạo có trách nhiệm không với nền giáo dục tạo nên những con người như vậy?
Người viết bài này từng gặp rất nhiều trường hợp các xe thô sơ, xe 3 bánh, xe máy…chở các thanh sắt dài 4-5 mét, dài và nặng, chạy lạng quạng giữa đường đông đúc như sẵn sàng đâm vào xe phía trước. Các anh cảnh sát dường như không để ý tới. Những chiếc xe buýt, xe ben, xe vận tải nặng chạy bạt mạng, chạy lấn đường lấn tuyến. Các anh cảnh sát giao thông ngó vô tư. Trong khi đó xe cộ bình thường vẫn cứ đều đều bị cảnh sát giao thông ngoắc vào. Nếu có làm một thăm dò người điều khiển giao thông, tôi tin rằng gần 100% trả lời đã từng nộp tiền tươi cho cảnh sát giao thông.
Những sự việc như vậy có là nguyên gây tai nạn giao thông không?
Những con đường đầy ổ gà, ổ voi. Những con đường bị cày xới đá lẫn vào bùn đất, bụi mù khi trời nắng ráo và trơn trợt khi trời mưa. Những chiếc cầu yếu ớt run lên khi xe chạy qua…Chúng có là nguyên nhân gây tai nạn giao thông không?
Cảnh sát Giao thông có trách nhiệm gì? Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm gì? Nói chung chính quyền có trách nhiệm gì? Có phải tất cả trách nhiệm thuộc về “sự thiếu ý thức của tài xế” không? Cho dù như vậy, sau 40 năm cầm quyền lãnh đạo toàn diện, chính quyền có trách nhiệm gì trong “sự thiếu ý thức của tài xế”? Hơn nữa, chính quyền có đã thực hiện các biện pháp an toàn để giảm tới mức tối thiểu các hậu quả có thể có do “sự thiếu ý thức của tài xế” chưa?
Chính quyền có thấy trách nhiệm của mình không? Có tìm hiểu, phân tích tìm ra nguyên nhân gốc hay không? Có đề ra kế hoạch khắc phục không? Kế hoạch đề ra có mô tả rõ ràng các mục tiêu phải đạt được không, có xác định thời gian phải đạt không, vv…?
Tác giả Vân Khanh nói đúng: Từ quan, bất cản đến hiểm họa
Sự chủ quan và bất cẩn của tài xế là dễ thấy, và ở mức thấp. Mức cao hơn là ở sự chủ quan và bất cẩn của bộ máy chính quyền có trách nhiệm. Tại sao chính quyền lại có thể chủ quan, bất cẩn trước thảm họa do tai nạn giao thông, trong rất nhiều năm, mỗi năm cướp đi trên dưới chục vạn sinh mạng người dân?
Sự chủ quan, bất cẩn có tính hệ thống như vậy chỉ có thể xảy ra khi người có trách nhiệm không hoàn thành nhiệm vụ mà không phải chịu hậu quả gì. Sự chủ quan, bất cẩn có tính hệ thống như vậy chỉ có thể xảy ra trong một xã hội mà các giá trị như quí trọng con người, an toàn, tinh thần trách nhiệm, tính kỹ luật… không được tôn trọng.
Có phải đây mới là sự chủ quan, bất cản gốc của mọi sự chủ quan bất cẩn hay không?
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Nguồn: VOA Tiếng Việt
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment