Đào Hữu Nghĩa Nhân (Danlambao) - ...Con chó buồn sẽ vẫn còn nằm đó thêm một thời gian ngắn nữa! Đời nó cũng đã bắt đầu nghe tiếng chuông nguyện hồn xa xa. Sự hữu hạn của kiếp người tù ngục rồi cũng sẽ đến. Nhìn con chó có khuôn mặt u sầu và nhìn lại mình nó tự hỏi "vì đâu nên nỗi phận chó và người cứ mãi ám ảnh vết hằn tù ngục?...
*
Vũng Tàu mùa này rét mướt kinh khủng. Buổi sớm hầu như chả thấy ai tắm biển. Thay vào đó từng đoàn người đi dạo đón không khí mằn mặn hương biển, đón cái lạnh khí trời, cái gió bấc mùa đông gầm gào xô những đợt sóng vỗ bờ. Lác đác vài người đánh cá đối ven bờ đang ngụp lặn kéo nhưng mành lưới mảnh. Vài ba kẻ tò mò đi thẳng xuống sát mép nước xem thành quả lao động của họ. Xem những chú cá đối tươi roi rói vô phước dính vào mắt lưới!
Khác với mọi sự ồn ào náo nhiệt của phố thị, của không gian mùa đông phương nam, nơi góc nhỏ Cầu Đá, dưới tán dù che nắng mưa là chiếc bàn con con bên dưới con chó trắng nằm thu lu mang khuôn mặt buồn bã lặng im nhìn dòng đời. Nó nằm đó tự bao giờ, ngày này qua tháng nọ. Cạnh bên chỗ ngủ và ăn của nó là đống phân nó thải ra sáng nay, kết hợp với mùi nước tiểu khai ngấy. Cứ mỗi lần có dịp qua đây nó điều thấy con chó mang khuôn mặt u sầu, khuôn mặt của kẻ ít khi được người chủ vuốt ve, không tình thương, không một ngày trò chuyện...
Ngày nối tiếp ngày, tháng nối tiếp tháng... nó nằm đó, tự do cùng với sợi xích của Lê Kiều Như, lặng lẽ quan sát dòng người chuyển động bất tận. Tự do vượt thoát khỏi sợi xích của Kiều trở thành vô nghĩa và dần chẳng còn nhu cầu tự thân. Với nó màu trắng của cái hộp xốp dường như có ý nghĩa của sự sống hơn là nhu cầu của sự tự do và tình yêu thương của những tay chủ làm nghề bảo vệ khu vực Cầu Đá. Những người chủ đã đem nó về khi nó còn nhỏ xíu. Mấy gã ấy nuôi nó để làm cái việc mà ban đêm những gã bảo vệ người phải làm là... ngủ. Bù lại miếng ăn trong hộp xốp màu trắng đổi lại nhiệm vụ nó về đêm lẫn ngày!
Một đôi lần nó cố vùng vẫy thoát khỏi sợi xích của Kiều. Càng vùng vẫy nó càng cảm nhận sự đau đớn kinh khủng của thể xác, sợi xích dường như có cảm giác thù hận gấp ngàn lần hành động vượt thoát tự do của nó. Sợi xích trả thù, chống trả lại hành động của nó bằng sự bóp nghẹt cổ họng nó một cách tàn nhẫn hơn nó tưởng. Hành động vô vọng đó được lập lại nhiều lần trong ánh nhìn thỏa mãn và hài lòng của gã chủ nuôi nó. Thời gian và cảm giác đau đớn dần dần dạy nó bài học tù ngục như là phương cách tồn tại thân xác. Đánh đổi cho tự do nô đùa ngoài không gian rộng lớn, những bản năng tình dục đầy khoái cảm là những chiếc hộp xốp màu trắng hằng ngày đều đặn. Lâu rồi cảm giác thèm muốn một nơi ỉa xa thật xa nơi ngủ nghỉ, một chỗ đái đánh dấu lãnh thổ chẳng còn mang dáng dấp tập tục truyền thống mà tổ tiên loài chó đã bảo ban nhau. Hành vi tập truyền ấy ngày một xa vời. Người ta thấy cứt nó, nước tiểu nó nằm chen lấn, chồng xếp theo trầm tích thời gian. Không gian sống lộng gió rét hòa lẫn những mùi xú uế cứ bừng bừng thốc từng cơn nôn mửa vào mũi nó.
Hành vi tập truyền không bao giờ ị nơi ngủ nghỉ của loài chó được ghi nhận như là bản năng sinh tồn của loài chó hoang. Sở dĩ chúng không ị hay đái gần nơi làm ổ là vì trong phân và nước tiểu của chúng có mùi vị phân biệt cho từng cá thể loài. Việc phát hiện mùi của đối thủ, các loài động vật ăn thịt khác lớn hơn có nguy cơ sẽ làm dòng giống một nhóm cá thể nhỏ đối diện với nguy cơ bị tấn công. Tập truyền ấy đi vào bản năng bẩm sinh và cứ thế truyền suốt chiều dọc của các thế hệ nối tiếp. Khi được thuần dưỡng sống cạnh "con người" bản năng đó cũng chả mất đi. Người ta thường nói chó giữ vệ sinh chỗ ngủ của hắn là vậy.
"Loài người" cũng có những tập truyền huyền bí như vậy. Nhưng thay vì ngoài tính tự thân bẩm sinh, rủi thay "con người' còn có ngôn ngữ truyền đạt bằng tiếng nói, bằng chữ viết, bằng hình vẽ... họ bắt đầu cổ xúy tập truyền ấy, ngợi ca tập tục truyền thống"văn hóa ị" của đồng chủng mình rằng độc đáo, mới lạ và đầy bản sắc. Hơn hẳn cái bản sắc truyền thống của dân tộc khác. Rồi còn bảo ban nhau phải cùng nhau gìn giữ truyền thống văn hóa ấy. Bằng khả năng có thể, hãy làm văn hoá ấy nở nang như loài cây xâm thực, lan tràn khắp bờ cõi. Ai ai cũng thấm nhuần cái thứ chết tiệt ấy. Xâm thực vào nền văn hoá khác. Cốt sao cho cái văn hoại nhà ta trở thành văn hóa chủ đạo, bao phủ các cộng đồng người còn lại. Nhất nguyên hóa, đồng hoá,... sao cho nay mai chỉ còn một cộng đồng, một thế giới đại đồng bị tập tục truyền thống "văn hoá ị" chúng ta nhuộm một màu đỏ thắm! Phúc thay cho những gã chủ chăn có đàn chiên ngoan ngoãn như thế!
Con chó nằm đó mặc cho cái lạnh của gió đông từng cơn ùa về, mặc cho ngày nắng cháy bỏng da nó, cái lưỡi thè ra, tiếng thở mệt nhọc từng cơn khô cháy. Đôi khi người chủ quên béng nó cần có nước và vì thế niệu liệu pháp bất đắc dĩ trở thành nhu cầu thường xuyên!?
Con chó tồn tại bên đống phân và mùi xú uế mỗi ngày. Tự do biểu lộ tình cảm nỗi buồn luôn hiện hữu trong mắt nó. Có lẽ là cái duy nhất mà gã chủ "tốt bụng" không cướp lấy của nó. Ban đặc ân cho nó, Phần thưởng cao quí mà gã chủ ban phát và ưu ái cho nó. Riêng ở điểm này con chó còn có giá trị hơn "con người" trí tuệ chúng ta. Sự ngục tù mà ta cảm thấy đôi khi là một cái gì đó đầy hoài nghi và đố kỵ. Ta cảm nhân sợi xích tù ngục của Lê Kiều Như là sự nhục cảm trí tuệ tính dục giác. Ta tranh cãi sợi xích tù ngục ấy như một giá trị tập truyền tất yếu mà dân tộc tính ta cần phải đeo mang. Nó là một giới hạn hữu hình mà chúng ta những kẻ hoài nghi tự do cần phải có. Khi đã thích nghi với sợi xích tù ngục, ta càng thấy thích thú, càng thấy gia tăng nhu cầu ca ngợi sự tù ngục, ca ngợi sự giới hạn... rằng tất thảy các yếu tố "limit" ấy như là không gian vô tận cho sự an toàn, tình yêu "đấng" đỉnh cao trí tuệ đã vẽ ra. Rồi khi yên vị trong vòng tròn giới hạn ấy, gã chủ tháo sợi xích ấy đi ta cũng vô hình cảm nhận chúng hiện hữu. Cảm nhận nhu cầu phải tuân thủ bạo lực. Tụng ca hành động cởi bỏ sợi xích của gã chủ trong vòng tròn mà ta đang trú ngụ. Cõi bình yên ấy dìm ta trong niềm đam mê khoái lạc. Và dĩ nhiên khi những nhu cầu sinh lý trỗi dậy. Ta cần đái, cần ị, cần khạc nhổ... ta thích thú không gian toilet cận kề. Mặc cảm kẻ bội bạc vong ân, ta dùng thứ nguyên liệu chất thải ấy để bắt đầu pha trộn tạo thành các tuyệt tác văn chương, nghệ thuật, hội họa. Truyền tay nhau hít ngửi, ngợi khen, và hoan lạc bất tận! Rồi hằng năm "con người" vĩ đại chúng ta lập ra các ban bệ, hội đồng hít ngửi để quyết định trao cho ai đó kẻ ngu nhất nào đã "sáng tạo" tụng ca hay nhất mà chẳng hề biết xấu hỗ!
Con chó nằm đó vô cảm với thời gian và không gian. Đôi mắt buồn của nó ẩn chứa một tiền kiếp xa xôi. Con người cạnh nó đang nghĩ ngợi về thân phận mình. Hắn thích thú cái thế giới an toàn do biết nghe lời và ngoan ngoãn. Hắn biết mọi bản năng đều có khoái lạc tràn ngập khi hắn yêu sợi xích tù ngục, phụng sự cho nhu cầu gã chăn dắt bất lương!
Con chó buồn sẽ vẫn còn nằm đó thêm một thời gian ngắn nữa! Đời nó cũng đã bắt đầu nghe tiếng chuông nguyện hồn xa xa. Sự hữu hạn của kiếp người tù ngục rồi cũng sẽ đến. Nhìn con chó có khuôn mặt u sầu và nhìn lại mình nó tự hỏi "vì đâu nên nỗi phận chó và người cứ mãi ám ảnh vết hằn tù ngục?"
12.05.2015
No comments:
Post a Comment