Saturday, May 23, 2015

Tranh chấp Biển Đông: Chuyện dài không hồi kết cuộc

HOA KỲ - Những vấn đề ở Biển Đông chủ yếu là do từ Trung Quốc. Không có tham vọng của Trung Quốc, vẫn có thể có tranh chấp ở vùng biển Trường Sa giữa Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia, Indonesia, nhưng với tầm mức không rộng lớn và quá phức tạp để trở thành mối đe dọa cho an ninh toàn khu vực.





Chiến hạm tác chiến cận duyên USS Fort Worth (LCS-3). (Hình: US Navy)

Trước hết về tranh chấp chủ quyền.

Chủ quyền lãnh thổ chỉ là một phần trong toàn bộ những nội dung tranh chấp, bao gồm nguồn hải sản, tài nguyên dầu khí dưới đáy biển và rộng lớn hơn nữa là ý đồ đôc quyền kiểm soát vùng biển làm ngăn trở sự tự do lưu thông hàng hải. Ngoại trừ Hoàng Sa, còn lại hầu hết không phải là hải đảo, chỉ là những mỏm đá, bãi ngầm trên vùng biển xa xôi hoang vắng không có dân cư sinh sống, để coi là tranh chấp lãnh thổ.

Trên thế giới, các tranh chấp chủ quyền hải đảo thường kéo dài mà không bao giờ được giải quyết thỏa đáng. Cuối cùng mọi chuyện sẽ chỉ ở nguyên trạng hoặc lý thuộc về kẻ mạnh. Tòa án hay các cơ quan trọng tài quốc tế không có đủ quyền lực để cưỡng chế thi hành phán định của mình. Do đó nên nếu một bên đã chiếm giữ trong thực tế, thì không có cách nào để đòi hoàn trả.

Chính quyền Việt Nam hiện nay vẫn xác định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng thực tế sau Thế Chiến II, Trung Hoa Dân Quốc đã giải giới quân đội Nhật và chiếm đóng đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa rồi giữ luôn không trả lại cho chính quyền Pháp ở Đông Dương; Việt Nam Cộng Hòa để mất Hoàng Sa năm 1974 và sau đó Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam để mất 3 bãi đá trong quần đảo Trường Sa. Không ai tin rằng Trung Quốc sẽ trả lại những nơi đã chiếm giữ ấy, nếu như không tới một lúc có những biến chuyển lớn xảy ra cho quốc gia họ. Vì vậy Hoàng Sa và Trường Sa sẽ ở thực trạng hiện nay trong một thời gian vô hạn định và tranh chấp lãnh thổ này vẫn là đề tài được nêu lên không bao giờ dứt. Hoa Kỳ không có lý do gì để can thiệp vào tranh chấp và đã công khai tuyên bố không có thái độ ủng hộ bên nào.

Việt Nam và Philippines là hai nước ở tuyến đầu trong việc đối phó với Trung Quốc. Trước hết phải nhìn nhận rằng trên toàn diện, không thể đối phó với sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Nhưng chiến lược cụ thể và bắt buộc phải thực hiện được là không để mất thêm một thực thể địa lý (đảo san hô, bãi cát, đá ngầm,...) nào khác nữa. Sự tăng cường lực lượng hải quân đến một khả năng giới hạn, dù chỉ là nhỏ, sẽ cần thiết để phòng vệ, không cho hải quân Trung Quốc tấn công bất ngờ nhanh chóng chiếm được mục tiêu.

Ít, nếu không phải là hoàn toàn không có triển vọng, trong tình hình địa chính trị toàn cầu hiện nay, sẽ có sự can thiệp của một bên thứ ba, chủ yếu là Hoa Kỳ, nếu xảy ra xung đột cục bộ trên Biển Đông. Cả Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện nay không muốn xảy ra chiến tranh và càng kéo dài thời gian cầm cự, càng có điều kiện giữ nguyên trạng bằng sự vận dụng phương pháp ngoại giao.

Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam vẫn tìm thế đứng trong khối ASEAN. Đó là đường lối ngoại giao thích đáng, tuy nhiên kết quả có giới hạn vì ASEAN cần một sự đồng thuận trong quyết định và Trung Quốc dễ dàng dùng sức mạnh kinh tế để khuynh loát một vài nước thành viên. Có những người lo ngại về hiểm họa Bắc Thuộc trong mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Căn cứ theo lịch sử và hoàn cảnh thực tại, nỗi ưu tư ấy không đáng lo. Trung Hoa đã không thể xóa sổ người dân Giao Chỉ hơn 1,000 năm trước, thì ngày nay không thể nào có chuyện đồng hóa 90 triệu dân Việt Nam. Nhưng trước một nước láng giềng quá lớn, Việt Nam cần có một đối sách uyển chuyển linh động mà bằng chứng là qua lịch sử chưa bao giờ chúng ta trực diện chống Trung Quốc một cách cực đoan. Tránh những thái độ khiêu khích vô ích, đối đầu không hiệu quả để Trung Quốc có lý do gây xung đột quân sự lớn hay nhỏ, là đường lối khôn ngoan nhất mà tất cả các chính quyền ở Việt Nam vẫn phải áp dụng từ xưa đến bây giờ và tương lai.

Về vấn đề tranh chấp tài nguyên biển.

Đây là nội dung mới do Trung Quốc tạo ra chỉ trong vòng 30 năm gần đây do nhu cầu phát triển kinh tế của họ. Biển Đông là một trong những vùng thủy sản phong phú nhất trên thế giới cùng lúc với nhu cầu bảo vệ sinh môi trở thành nghĩa vụ hàng đầu của nhân loai. Trước kia Trung Quốc không ngăn trở hoạt động của ngư dân Việt Nam, nhưng càng ngày họ càng lộ rõ ý đồ ấy. Với sự bành trướng lực lượng hải quân, Trung Quốc có thừa khả năng khống chế Biển Đông bằng chiến hạm, một số rất lớn các tàu bán quân sự và hạm đội ngư thuyền khổng lồ. Những va chạm vô tình hay cố ý với tàu thuyền Việt Nam sẽ là điều không thể tránh khỏi, và đây là một trong những lãnh vực mà Việt Nam rất khó đối phó trong khi cần bảo vệ lợi ích cho dân chúng nước mình.

Không nghi ngờ về tài nguyên dầu khí dồi dào ở Biển Đông và đó là một  mục tiêu quan trọng trong ý đồ chiếm đoạt của Trung Quốc. Tuy nhiên chưa có bằng chứng xác thực nào về trữ lượng và khả năng khai thác. Sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu HD 981 đến Hoàng Sa, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã gây nên một tình thế căng thẳng hồi giữa năm ngoái. Cuối cùng sau ba tháng, Trung Quốc lặng lẽ rút đi và các hai phía đều có thể nhận phần thắng về mình.

Sự thật thì Việt Nam cũng chẳng có gì để thắng bởi lẽ không tranh đoạt  và không được thêm điều gì hết. Việt Nam chỉ thụ động bảo vệ và tránh mọi cách không gây nên xung đột để chịu hậu quả gần như chắc chắn sẽ là những tổn thất không thể dự đoán. Còn về phía Trung Quốc, người ta không hiểu rõ được mục đích sâu xa của hành động này là gì, thăm dò phản ứng chính trị hay thăm dò khai thác dầu khí. Trung Quốc chỉ nói rằng giàn khoan HD 981 đã hoàn thành nhiệm vụ và không ai biết về dầu khí kết quả là lạc quan hay thất vọng và liệu trong tương lai sẽ có hành động tương tự trở lại hay không. Vì vậy nếu Việt Nam chỉ đánh tiếng chứ không thực sự đưa vấn đề ra trước tòa án trọng tài quốc tế thì cũng là thích đáng, nhất là gần như chắc chắn tòa quốc tế sẽ không giải quyết được hoặc Trung Quốc không tuân hành phán quyết.

Mưu chiếm quyền kiểm soát toàn bộ Biển Đông.

Có lẽ đây mới là mục tiêu tối hậu của Trung Quốc, dựa trên trên nhiều dấu hiệu khởi đầu từ cái gọi là Đường Lưỡi Bò, khái niệm hoàn toàn vô căn cứ và bất hợp pháp mà Trung Quốc đơn phương khẳng định, không chính thức tuyên bố mà cũng không che đậy.

CNA (Center for Naval Analises), công ty tư nhân làm công việc nghiên cứu chiến lược hải quân cho chính phủ Hoa Kỳ, đã nhận xét rằng ở Biển Đông Trung Quốc áp dụng chiến lược “tàm thực,” nghĩa là lấn chiếm từ từ và âm thầm không gây sự chú ý hay phản ứng mạnh mẽ.

Việc đào vét biển để bồi đắp một số bãi đá và xây dựng những căn cứ trong vùng biển Trường Sa nằm trong chiến lược ấy. Những căn cứ này không có giá trị về quân sự, không phải là “một hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm” như  truyền thông Trung Quốc khoa trương và một số người lầm tưởng. Nếu nói cho đúng, đây là một hàng không mẫu hạm không có động cơ, đứng yên giữa biển, và nếu xảy ra chiến tranh thật sự thì sân bay dễ dàng bị phá hủy trở thành vô dụng cho máy bay. Căn cứ quân sự cũng không có ý nghĩa vì ở vị trí xa xôi không thể nhận và dự trữ hàng tiếp liệu đầy đủ, chưa nói tới việc không thể phòng thủ chống oanh kích bằng máy bay hay hải pháo, hỏa tiễn. Giá trị tối đa về mặt quân sự của những đảo nhân tạo này chỉ có thể là bến ghé lại cho chiến hạm, phi trường cho máy bay lấy thêm nhiên liệu, căn cứ của máy bay tuần thám, đài radar kiểm soát biển và không phận.

Những đảo nhân tạo này có nghĩa xác định sự hiện diện của Trung Quốc trong vùng biển xa xôi coi như chẳng có liên hệ gì với quốc gia họ. Về mặt công pháp quốc tế, theo UNCLOS, chỉ được coi là hải đảo những thực thể địa lý có một diện tích nổi trên mặt nước thủy triều lên. Đảo nhân tạo lập trên nền đá ngầm không được coi là hải đảo, không có hải phận (lãnh hải 12 hải lý) và khu vực đặc quyền kinh tế EEZ 200 hải lý. Trung Quốc tất nhiên hiểu rõ điều ấy và không thể đòi hỏi ngược lại.

Nhưng trong chuyện này có vấn đề thực thể và thực tế. Nên chú ý là chiến hạm USS Fort Worth, trong một tuần lễ đầu tháng 5 tuần thám ở vùng biển Trường Sa, đã tránh đến gần các đảo nhân tạo đó dưới 12 hải lý. Điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ tôn trọng hải phận vô hình mà chỉ vì không muốn tạo nên bất cứ rắc rối nào ngoài dự tính, và Trung Quốc cũng mặc nhiên đồng ý thái độ ấy tuy nhiên chỉ làm như có phản đối qua những lời tuyên bố ở cấp phát ngôn viên bộ ngoại giao.

Tuần báo quốc phòng IHS Jane's International Weekly nói rằng hoạt động của Hoa Kỳ và Trung Quốc làm gia tăng hiểm họa xung đột trên Biển Đông, tuy nhiên nhận định là trong hiện tình toàn cầu bây giờ và mối quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế, xung đột chưa thể xảy ra.

USS Fort Worth là chiếc thứ ba trong loại tàu tác chiến cận duyên (Littoral Combat Ship) mới nhất của Hải Quân Hoa Kỳ được triển khai cho vùng biển Đông Nam Á và đặt căn cứ ở Singapore từ cuối năm ngoái. Trong tuần lễ ở vùng biển Trường Sa, USS luôn luôn có một hộ tống hạm của Trung Quốc bám sát theo dõi. Hai chiến hạm đều cùng cỡ 3,500 đến 4,000 tấn và trang bị hỏa tiễn nhưng không có chuyện gì va chạm và chiến hạm Mỹ, theo quy định, đã hơn 20 lần phát tín hiệu không có ý định khiêu chiến CUES (Code for Unplanned Encounters at Sea). CUES là thỏa thuận ký kết năm 2014  giữa 21 quốc gia có chiến hạm hoạt động trong vùng Tây Thái Bình Dương nhằm giảm thiểu những đụng độ ngoài ý muốn trên biển, bao gồm Australia, Canada, Chile, Pháp, Indonesia, Nhật, Cambodia, Tonga, Malaysia, Brunei, New Zealand, Papua New Guinea, Trung Quốc, Peru, Philippines, Nam Hàn, Singapore, Nga, Việt Nam, Thái Lan và Hoa Kỳ.

Có lẽ ý đồ cao nhất của Trung Quốc là một dãy những đảo nhân tạo tồn tại trong điều kiện như thế sẽ cụ thể hóa cái gọi là Đường Lưỡi Bò và dần dần sẽ đóng vai trò kiểm soát quy định lưu thông hàng hải trong Biển Đông. Nhưng điều kiện Hoa Kỳ vẫn bênh vực và có thể can thiệp trực tiếp vào Biển Đông là khi vi phạm đến quyền tự do hàng hải. Tới lúc đó, diễn viên chính sẽ không còn là Việt Nam, Philippines và các nước Đông Nam Á nữa. Tuy nhiên đây là chuyện tương lai xa và chưa thể dự đoán phương cách “tàm thực” của Trung Quốc sẽ dừng lại ở chỗ nào. (HC)

05-22-2015 8:29:36 PM
HÀ TƯỜNG CÁT/Người Việt

No comments:

Post a Comment