Saturday, May 23, 2015

Phi cơ Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông

WASHINGTON (NV) - Đó là tuyên bố của ông Daniel Russel, phụ tá đặc trách khu vực Đông Á của ngoại trưởng Hoa Kỳ. Ông Russel nói thêm, các phi vụ tuần tra trên Biển Đông là bình thường.


Hình chụp hiện trạng Vành Khăn qua cửa sổ một phi cơ của hải quânHoa Kỳ. Vành Khăn vốn là một bãi đá như Chữ Thập nay cũng đã được Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo. (Hình: US Navy)

Tuyên bố vừa kể được đưa ra sau sự kiện, hải quân Trung Quốc đã tám lần ra lệnh cho phi cơ Hoa Kỳ phải rời khỏi vùng trời bên trên quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc vừa bồi đắp xong một chuỗi đảo nhân tạo.

Trong tuyên bố mới nhất liên quan đến sự kiện vừa kể, ông Russel nhấn mạnh, Hoa Kỳ sẽ duy trì khả năng thực hiện quyền tự do lưu thông trên biển và trên không cho cả Hoa Kỳ lẫn các quốc gia khác, dẫu cho Trung Quốc phản đối hay thách thức.

Theo phụ tá đặc trách khu vực Đông Á của ngoại trưởng Hoa Kỳ, bất kỳ ai có “đầu óc bình thường” sẽ không tìm cách ngăn cản các hoạt động của phi cơ quân đội Hoa Kỳ thực hiện các phi vụ trên không phận quốc tế.

Cũng vào thời điểm này, hải quân Hoa Kỳ đã cho công bố các băng ghi hình và ghi âm liên quan đến việc đấu khẩu giữa phi cơ tuần thám của Hoa Kỳ và hải quân Trung Quốc. Theo đó hải quân Trung Quốc đã lên tiếng đuổi phi cơ Hoa Kỳ khỏi vùng trời bên trên quần đảo Trường Sa. Khi phi công của quân đội Hoa Kỳ trả lời rằng phi cơ Hoa Kỳ đang bay tại không phận quốc tế thì phía Trung Quốc gào lên giận dữ: Đây là hải quân Trung Quốc. Hãy đi ngay!

Khi trao đổi với phóng viên CNN về chuyện hải quân Trung Quốc xua đuổi phi cơ tuần thám của Hoa Kỳ, chỉ huy trưởng phi đội tuần thám của quân đội Hoa Kỳ tại Châu Á cho những phóng viên của CNN biết thêm rằng, liên lạc qua vô tuyến điện giữa hải quân Trung Quốc và phi cơ Hoa Kỳ có thể đã được thực hiện từ một trạm radar mà Trung Quốc mới thiết lập trên Đảo Chữ Thập - trước đây vốn chỉ là một bãi đá ngầm. Sau khi được bồi đắp thành đảo nhân tạo, nay Chữ Thập có cả một phi đạo dài 3,000 mét và có thể sẽ được sử dụng vào cuối năm nay.

Tin mới nhất liên quan đến mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc quanh chuyện phi cơ Hoa Kỳ tuần tra trên Biển Đông là Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc vừa tố cáo các hoạt động vừa kể là “nguy hiểm và vô trách nhiệm.”

Trong thực tế, Trung Quốc không chỉ hành xử như thế đối với phi cơ Hoa Kỳ. Hôm 7 tháng 5 vừa qua, Phó Đô Đốc Alexender Lobez, chỉ huy trưởng khu vực phía Tây Philippines, từng báo cáo với Thượng Viện Philippines rằng, trong vòng ba tháng, Trung Quốc đã sáu lần sách nhiễu các phi cơ của không quân Philippines. Tuy những phi cơ này đang thực hiện các phi vụ trong không phận quốc tế nhưng Trung Quốc đã phát cảnh báo qua liên lạc vô tuyến rằng, phi công Không quân Philippines “xâm nhập khu vực liên quan đến an ninh, quốc phòng của Trung Quốc.”

Phó Đô Đốc Lobez nhận định, Trung Quốc đang thăm dò phản ứng của Philippines để công bố ADIZ tại Biển Đông.

ADIZ là cách gọi tắt cụm từ Air Defense Identification Zone - vùng nhận dạng phòng không. ADIZ do mỗi quốc gia tự xác lập dựa trên các qui định của công đồng quốc tế. ADIZ không phải là không phận mà là vùng trời liên quan đến an ninh-quốc phòng của một quốc gia. Do vậy, tất cả các phi cơ dân sự qua lại ADIZ phải thông báo trước, phải theo hành lang bay được qui định, phải giữ liên lạc và thực hiện tất cả các mệnh lệnh của quốc gia kiểm soát ADIZ. Các phi cơ dân sự có thể bị trừng phạt bằng nhiều biện pháp khác nhau nếu không tuân thủ những yêu cầu vừa kể.

Hồi tháng 11 năm 2013, Trung Quốc từng công bố ADIZ trên biển Hoa Đông. Bởi phạm vi của ADIZ trên Biển Hoa Đông trùm lên cả những khu vực đang có tranh chấp chủ quyền với Nhật và Nam Hàn nên hành động này đã bị cả Nhật, Nam Hàn lẫn cộng đồng quốc tế phản đối bởi gây bất ổn trong khu vực và làm xáo trộn hoạt động hàng không quốc tế. Nay, có nhiều dấu hiệu cho thấy, Trung Quốc đang chuẩn bị cho việc công bố ADIZ ở Biển Đông.

Đã có nhiều chuyên gia an ninh-quốc phòng trên thế giới từng cảnh báo như thế kể từ khi Trung Quốc tiến hành bồi đắp các bãi đá ở Biển Đông thành đảo nhân tạo rồi biến các đảo nhân tạo này thành một chuỗi căn cứ quân sự.

Ông Richard Heydarian, một chuyên gia về an ninh-quốc phòng, nhận định, trước đây, Trung Quốc chỉ có thể điều động các chiến hạm để xâm nhập Biển Đông. Bây giờ chuỗi đảo nhân tạo tại Biển Đông sẽ giúp Không quân Trung Quốc khống chế phía trên Biển Đông. Nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ tại Biển Đông và gia tăng các cuộc tuần tra cả trên biển lẫn trên không. Các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông sẽ bị đẩy khỏi khu vực này vì đường tiếp liệu cho các hòn đảo mà họ kiểm soát bị cắt.

Cũng vì vậy, Hoa Kỳ đang thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn Trung Quốc làm điều đó. Trong đó có kế hoạch điều phi cơ và chiến hạm đến tuần tra tại khu vực mà Trung Cộng vừa thiết lập một chuỗi căn cứ quân sự mà người ta tin là nhằm khống chế Biển Đông.

Mới đây, khi trò chuyện với tờ The Wall Street Journal, nữ Đô Đốc Michelle Howard của hải quân Hoa Kỳ tiết lộ, chiến hạm USS Fort Worth của hải quân Hoa Kỳ đã đối đầu với một chiến hạm của hải quân Trung Cộng ở Biển Đông. Cả hai chiến hạm đã cùng sử dụng những quy tắc mà hai bên đã từng thỏa thuận rằng sẽ áp dụng nếu tình cờ gặp nhau trên biển.

Hoa Kỳ cũng đã vài lần hứa rằng nếu các quốc gia ASEAN phối hợp tuần tra tại Biển Đông để bảo vệ an ninh và tự do hàng hải, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ nỗ lực đó.

Một số chuyên gia lo ngại sẽ có xung đột tại Biển Đông. Tại cuộc Triển Lãm và Hội Nghị Phòng Vệ Biển lần thứ 10, vừa diễn ra ở Singapore, trò chuyện với lãnh đạo hải quân của 23 quốc gia, ông Ng Eng Hen, bộ trưởng Quốc Phòng Singapore, cảnh báo, xung đột tại Biển Đông sẽ làm gián đoạn các tuyến hàng hải trong khu vực, gây nguy hại cho cả Singapore lẫn kinh tế toàn cầu.

Phó Đô Đốc Lai Chung Han của hải quân Singapore thì nhấn mạnh, với những diễn biến như vừa qua và mức độ căng thẳng tăng dần, Biển Đông nay là một thảm họa đang cận kề. Ông Ng thì kêu gọi ASEAN và Trung Quốc nhanh chóng thông qua một cam kết không sử dụng sức mạnh quân sự tại Biển Đông. (G.Đ)
05-22-2015 2:37:06 PM

No comments:

Post a Comment