Sunday, May 24, 2015

Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam bị tắt đầu ra

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2015-05-24
Một số sản phẩm nông nghiệp Việt Nam (minh họa)

         Một số sản phẩm nông nghiệp Việt Nam (minh họa)- Files photos
Nông sản Việt Nam đang bị tắt đầu ra và khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm không chỉ khiến tổng kim ngạch cả nước bị ảnh hưởng mà còn làm cho nông dân lo lắng bức xúc. Đây là những đề tài nóng được đưa ra ngay trong phiên khai mạc Quốc hội sáng thứ Tư vừa qua.
Nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn đáng ngại
Báo cáo của chính phủ Việt Nam về tình hình phát triển kinh tế trong phiên khai mạc quốc hội sáng thứ Tư vừa qua do ông phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày nêu rõ nông nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn đáng ngại, điển hình nhất là nông sản bị tắt đầu ra trong thời gian qua.
Tình trạng suy giảm trong lãnh vực xuất khẩu nông, lâm và thủy sản khiến tổng kim ngạch cả nước bị ảnh hưởng, Ông nói nguyên nhân chính là việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong chuyển đổi cây trồng và đất cảnh tác đều kém hiệu quả.
Trong khi đó chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế của quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu, cũng cho rằng những yếu kém và vướng mắc trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp là nguyên nhân của vấn đề ‘được mùa, mất giá’, sản phẩm không tiêu thụ được dẫn đến thiệt hại và lo lắng cho nông dân.
Ông Nguyễn Văn Giàu nói tiếp, dù đã có những nỗ lực và cố gắng trong việc ban hành các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhưng xem ra Việt Nam vẫn còn chậm và còn nhiều lúng túng trong tổ chức sản xuất, trong ứng dụng khoa học công nghệ cũng như trong việc tăng năng suất lao động.
Ông Nguyễn Trung, nguyên cố vấn thời cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhận định:
Phải thay đổi lại sản xuất nông nghiệp là việc tất yếu vì nông nghiệp nước mình cũng đã phát triển đến cái ngưỡng mà nó phải chuyển sang nền nông nghiệp khác. Các sản phẩm mình làm ra thì bây giờ một phần nó đã bão hòa, một phần thế giới người ta lại có những yêu cầu khác
Ông Nguyễn Trung
Phải thay đổi lại sản xuất nông nghiệp là việc tất yếu vì nông nghiệp nước mình cũng đã phát triển đến cái ngưỡng mà nó phải chuyển sang nền nông nghiệp khác. Các sản phẩm mình làm ra thì bây giờ một phần nó đã bão hòa, một phần thế giới người ta lại có những yêu cầu khác, một phần nữa là điều kiện sản xuất nông nghiệp trong nước cũng bắt đầu thay đổi. Cho nên thay đổi nông nghiệp là việc tất nhiên phải làm, không chỉ riêng Việt Nam mà tôi nghĩ nhiều nước trong khu vực đang phải làm như vậy.
Cái bệnh thâm căn của nông nghiệp Việt Nam
Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, đứng về phía nhà nông mà phân tích chuyện được mùa rơi giá và chuyện nông sản tắt đầu ra thì có thể hiểu như thế này:
Cái bệnh thâm căn của nông nghiệp Việt Nam là hay chạy theo những cái người ta đã làm. Thí dụ như thấy trồng tiêu tốt thì bỏ cây trồng đang làm rồi chạy theo cây tiêu, một thời gian thì khi tiêu mất giá thì bị khốn đốn. Hay là thấy cây điều trồng tốt thì chạy theo cây điều, tức là không tiên lượng cho rõ ràng cũng như không có một chánh sách về hỗ trợ tồn trữ nông sản cho đúng.
Một nông dân trồng dưa hấu ở bãi sông Trà Khúc, xã Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, bên đống dưa hấu ế bắt đầu thối rữa hôm 28/3
Một nông dân trồng dưa hấu ở bãi sông Trà Khúc, xã Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, bên đống dưa hấu ế bắt đầu thối rữa hôm 28/3

Tồn trữ nông sản đây là bao gồm cả lúa gạo và những cây ăn trái có thể xuất khẩu được và làm cái dự trữ quốc gia, dẫn đến chuyện nông dân chịu ảnh hưởng bởi thị trường trước mắt, thấy đồng nghiệp bán được loại gì hay con gì thì họ có xu hướng đi theo làm chuyện đó. Cho nên Việt Nam mình hay có câu “trúng mùa thì mất giá, mất mùa thì thua lỗ”. Trúng mùa mà mất giá thì nó cũng chịu ảnh hưởng bởi biến động thị trường.
Cho nên việc tắt đầu ra ở đây thì ngoài chuyện không có một kế hoạch dài lâu trong nông nghiệp mà cái này đòi hỏi một chiến lược phát triển hết sức đồng bộ và phải có chiều sâu. Thứ hai nữa là cách trồng và sự hỗ trợ cho nông dân chọn con giống, cây giống như thế nào, và trong việc đáp ứng được những tiêu chuẩn của quốc tế. Những việc đó vẫn còn bất cập.
Về qui mô trồng chẳng hạn thì cũng còn nhiều bất cập, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn giải thích tiếp:
Thí dụ như bưởi hay xoài, ngay cả sầu riêng cũng vậy, khi người mua quốc tế đòi hỏi một số lượng lớn thì mình không đáp ứng được và do đó họ cũng không thể đặt hàng được.
Cái bệnh thâm căn của nông nghiệp Việt Nam là hay chạy theo những cái người ta đã làm. Thí dụ như thấy trồng tiêu tốt thì bỏ cây trồng đang làm rồi chạy theo cây tiêu, một thời gian thì khi tiêu mất giá thì bị khốn đốn
CGKT. Huỳnh Bửu Sơn
Phải nói rất nhiều yếu tố làm ảnh hưởng đến việc tìm một thị trường nông sản ổn định cho nông sản Việt Nam. Trường hợp dưa, vải, ổi cũng vậy. Thật ra cái nhu cầu của thị trường thì nông dân mình không được thông tin để đo lường hết. Khi thấy đồng nghiệp của mình bán được dưa hay bán được ổi hay là nhận được một sự đặt hàng ví dụ vài chục tấn, vài trăm tấn gì đó, thì người ta đổ xô nhau đi trồng dưa, trồng vải hay trồng ổi. Đua nhau trồng như vậy thì sản xuất ra rất nhiều, còn mức cầu của thị trường quốc tế không đáp ứng đủ cho nên hàng bị ứ đọng. Không thể tìm đầu ra trên thị trường quốc tế thì ngay thị trường quốc nội cũng bị ứ đọng luôn. Vừa rồi ổi xuống gía chỉ còn 500 đồng một kí lô thôi, chỉ bằng 1/40 của Đô La, không lấy lại được chi phí bỏ ra để trồng cây đó.
Vấn đề mà chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn vừa nêu ra cũng được ông Nguyễn Trung nhìn thấy và nói rằng chắc chắn sẽ phải cố tìm lối ra mà thôi:
Việt Nam đã nhìn thấy cái đòi hỏi này rồi và đang tính cách thay đổi. Thay đổi như thế nào thì còn rất nhiều chuyện phải bàn nhưng mà hướng tôi cho là đúng là bây giờ phải tăng cường tiêu thụ ở nội địa. Thứ hai phải cố gắng làm sao có những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao hơn., nhất là bây giờ chất lượng cao sản phẩm sạch thì thị trường đòi hỏi rất nhiều. Theo tôi hiểu bây giờ nông dân đang cố đi vào hướng này.
Chưa nói sắp đến còn tham gia vào các hiệp định tự do hóa thương mại, tham gia vào những cam kết song phương, đa phương về tự do hóa thương mại, tự do hóa trao đổi sản phẩm, tự do hóa vấn để lao động vân vân và vân vân… Khó khăn thì chắc chắn còn nhiều nhưng tôi nghĩ người ta đã thấy vấn đề và đang tìm mọi cách xử lý vấn đề.
Đương nhiên đặc thù của nông nghiệp là không giống sản xuất công nghiệp hay các thứ khác vì nó phụ thuộc vào đất canh tác, vào giống cây trồng, vào môi trường rồi thói quen canh tác nữa. Cho nên thay đổi cho nông nghiệp phần nào khó hơn chứ không đơn giản không dễ dàng như các ngành khác đâu. Điều quan trọng là người ta đã thấy được vấn đề và đang tìm cách xử lý nó.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn góp thêm ý kiến:
Thật sự mà nói đây không phải vấn đề của riêng Việt Nam, nông nghiệp của nhiều nước đang phát triển cũng vấp tình trạng như vậy. Một chính sách hỗ trợ đứng đắn của nhà nước, cung cấp đầy đủ thông tin đồng thời hỗ trợ cho họ trong qui hoạch trồng hoặc là nuôi và kể cả về mặt sản lượng.
Chính sách về dự trữ nông sản cũng phải tốt, cần có những hiệp hội, những kho dự trữ thế nào cho phù hợp. Đặc biệt phải cho ngành công nghiệp chế biến từ những nông sản mà trong nước làm ra, như vậy nó mới hỗ trợ cho ngành nông nghiệp Việt Nam được.
Thật ra mình cần một chiến lược phát triển bền vững, chắc chắn mà trọng tâm là lợi ích của người nông dân.
Nhiều người quan tâm còn nhắc lại biện pháp liên kết theo chuỗi giá trị. Được vậy thì năng suất lao động sẽ tăng cao, thu nhập của nông dân cũng tăng lên như mong muốn.

No comments:

Post a Comment