2015-05-24
Tiến sĩ Patricia Morris, chủ tịch của tổ chức Women Thrive nói lên sự nghèo đói của phụ nữ trên thế giới-Files photos
20 năm sau Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh được đưa ra về quyền phụ nữ, đời sống của phụ nữ trên khắp thế giới đã được cải thiện. Phụ nữ tham gia nhiều hơn vào chính trường, họ xuất hiện nhiều hơn trong các vị trí lãnh đạo các công ty, tập đoàn, ngày càng nhiều phụ nữ được học hành đầy đủ và quyền bình đẳng của họ với nam giới được cải thiện hơn. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn là những người chịu thiệt thòi hơn hết, nhất là trong chuyện nghèo đói.
Hôm 18/5, ở Washington D.C. diễn ra hội thảo bàn về việc liệu những tiến triển của thế giới trong suốt 20 năm qua có ảnh hưởng tới phụ nữ và đói nghèo như thế nào. Bà Patricia Morris, chủ tịch của tổ chức Women Thrive (tạm dịch là Phụ nữ Vươn lên), cho biết gần một nửa dân số thế giới, tức là khoảng hơn 3 tỷ người, sống trong đói nghèo, với số tiền khoảng 60.000 đồng một ngày. Trong số đó, khoảng 1,3 tỷ người nữa sống trong hoàn cảnh cực kỳ đói nghèo, tức là chưa có tới 20.000 đồng một ngày.
Ở Việt Nam, khảo sát của tổ chức Ngân hàng Thế giới cho biết tỷ lệ nghèo đói giữa hai giới không quá khác biệt tuy nhiên số phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt là ở vùng nông thôn nghèo cao hơn nam giới. Trong khi đó, tỷ lệ những hộ gia đình nghèo có phụ nữ goá bụa cũng cao hơn những gia đình có đàn ông mất vợ.
Bà Patricia Morris nói:
- Phần lớn trong số này là phụ nữ. Thêm vào đó, có hàng trăm triệu người khác không có nước sạch để dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Vẫn còn tình trạng các bà mẹ chết trong khi sinh con và nhiều trẻ em đã tử vong vì các căn bệnh hoàn toàn có thể ngăn ngừa được.
Ở VN, khảo sát của World Bank cho biết tỷ lệ nghèo đói giữa hai giới không quá khác biệt tuy nhiên số phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt là ở vùng nông thôn nghèo cao hơn nam giới. Trong khi đó, tỷ lệ những hộ gia đình nghèo có phụ nữ goá bụa cũng cao hơn những gia đình có đàn ông mất vợ
Trong một báo cáo gần đây của tổ chức Save the Children, nguyên nhân của tình trạng mẹ tử vong trong khi sinh cũng là do đói nghèo. Theo báo cáo này, tỷ lệ bà mẹ chết trong khi sinh con nhiều gấp 20 lần so với nước có hệ thống y tế và kinh tế phát triển là Phần Lan. Việt Nam đứng thứ 98 trong vấn đề chăm sóc bà mẹ trẻ em, tụt tới 12 bậc so với hai năm trước đó.
Trong khi đó, khoảng cách giàu nghèo trên thế giới ngày càng nới rộng. Theo tạp chí Fortune của Mỹ, tổng tài sản của 1% người giàu nhất hành tinh là vào khoảng 7.000 tỷ đôla. Con số này lớn hơn tài sản tổng cộng của 99% những người còn lại trên thế giới. Khắp nơi từ vùng nông thôn các nước Nam Á, tới châu Phi, phụ nữ luôn nằm trong số những người cùng khổ, bà Patricia Morris cho biết.
Có tiến triển gì sau 20 năm?
Trả lời câu hỏi liệu trong 20 năm qua, thế giới đã tiến triển thế nào và liệu số phận phụ nữ có thay đổi gì không, bà Stella Mukasa, giám đốc về giới, bạo lực và nhân quyền tại tổ chức phụ nữ ICRW, cho biết:
- Chúng ta đã đến thời điểm mà chúng ta phải nhìn vào xu hướng toàn cầu về tình trạng nghèo đói và từ đó xem là phụ nữ đang đứng ở đâu trong vấn nạn này. Theo số liệu từ năm 1990 tới 2010, số người sống trong hoàn cảnh vô cùng nghèo đói đã giảm xuống từ 47% xuống còn 22%. Và ta muốn tin rằng nhờ những tiến triển này, phụ nữ được hưởng lợi từ những tiến triển này. Tuy nhiên, khi nhìn vào các xu hướng này thì người ta lại thấy một điều rõ ràng rằng vẫn chưa có nhiều phụ nữ trong giới lao động được trả lương, và nếu được đi làm thì họ được trả lương ít hơn nam giới. Phụ nữ không có nhiều cơ hội tiếp cận với những nguồn để thể giúp họ thoát nghèo. Họ cũng ít được đi học hơn, đặc biệt là các bậc học cao có thể giúp học có công việc tốt hơn và lương cao hơn và nhiều vấn đề nữa. Khi nhìn vào những xu hướng này, chúng ta thấy rằng là dù thế giới đã có nhiều tiến triển, chúng ta còn phải làm nhiều điều hơn nữa cho phụ nữ để giúp họ thoát khỏi đói nghèo.
Phụ nữ không có nhiều cơ hội tiếp cận với những nguồn để thể giúp họ thoát nghèo. Họ cũng ít được đi học hơn, đặc biệt là các bậc học cao có thể giúp học có công việc tốt hơn và lương cao hơnBà Stella Mukasa
Trong khi đó, chính sách vĩ mô về kinh tế của chính phủ các nước thường không tính tới phụ nữ và những đóng góp dường như vô hình của họ trong đời sống cộng đồng. Bà Afra Rahman, tư vấn về xã hội tại Ngân hàng Thế giới, nói rõ hơn về vấn đề này:
-Chỉ số tổng sản phẩm quốc hội GDP được cho là không phân biệt nam nữ nhưng vấn đề là nó không tính tới những công việc không được trả lương. Chúng ta đều biết rằng phụ nữ phải làm đa số những công việc đó như chăm sóc người thân, chăm sóc nhà cửa vân vân. Khi những công việc đó không được tính tới, nó trở nên vô hình và vì thế nó cũng không được cân nhắc tới trong quá trình xây dựng luật. Năm 2012, ở Mỹ, một nghiên cứu xem xét giá trị những công việc không trả lương và người ta thấy là nó có giá trị là 1,3 nghìn tỷ đô la, tương đương với 21% của GDP năm đó. Thế nhưng, những công việc nội trợ, công việc gia đình này nó không được tính là có đóng góp vào nền kinh tế. Và vì thế, khi khủng hoảng tài chính diễn ra, chính phủ sẽ cắt giảm chi phí cho các dịch vụ công cộng. Ta thử nghĩ xem ai là người dùng các dịch vụ đó? Chính là phụ nữ, họ là người cung cấp cũng là người hưởng lợi.
Ở Việt Nam, từ năm 2007 tới năm 2009, Ngân hàng Thế giới cho biết tỷ lệ phụ nữ phải làm việc nhà tăng lên từ 14% tới 22%, trong khi đó tỷ lệ này ở nam giới vẫn giữ nguyên ở mức 11%. Trong khi đó, gần một nửa phụ nữ bị xếp vào hàng những công nhân không có ngành nghề và có tới 70% phụ nữ làm những công việc thuộc vào nhóm “dễ bị tổn thương”, một cách gọi khác của các công việc không được trả lương và không có bảo hiểm.
Sự vắng mặt của phụ nữ trong phát triển về kinh tế còn được thể hiện qua việc ít phụ nữ có tài khoản ngân hàng. Bà Amada Epting, chuyên gia về giới của tổ chức quyền phụ nữ PACT, cho biết có nhìn tổng thế, tỷ lệ nam giới sở hữu các tài khoản ngân hàng hay tài khoản tiết kiệm nhiều hơn nữ giới là 9%, những khu vực nông thôn, khoảng cách này còn lớn hơn. Điều này cho thấy phụ nữ bị rơi vào nghèo đói nhiều và dễ hơn nam giới.
GDP được cho là không phân biệt nam nữ nhưng vấn đề là nó không tính tới những công việc không được trả lương. Chúng ta đều biết rằng phụ nữ phải làm đa số những công việc đó như chăm sóc người thân, chăm sóc nhà cửa vân vân. Khi những công việc đó không được tính tới, nó trở nên vô hìnhBà Afra Rahman
Trách nhiệm của nam giới
Nhìn đến 20 năm tiếp theo, các chuyên gia cho biết sự đóng góp của nam giới trong tiến trình xoá nghèo cho phụ nữ là vô cùng quan trọng. Bà Stella Mukasa nhận định trong vấn đề nghiên cứu khoa học như sau:
-Quan trọng là chúng ta cần có nam giới tham gia vào tiến trình này ở tất cả các cấp độ. Về khía cạnh khoa học mà nói, ta đều biết rằng có nhiều nhà khoa học nam giới trong nhiều nhà khoa học là nam giới hơn là nữ giới và các nhà khoa học nam giới nắm những vị trí quan trọng trong các cơ sở nghiên cứu lớn, và vì thế họ có thể tạo ra sự khác biệt. Chúng ta vừa nhắc tới việc phụ nữ làm những công việc không lương và không được tính là có đóng góp vào nền kinh tế, nếu các nhà khoa học cả nam và nữ cùng nghiên cứu vấn đề đó, họ có thể giúp tìm ra những bằng chứng để những nhà quản lý có thể dựa vào đó để thay đổi chính sách.
Bà Amanda Epting thì cho biết những người chồng, người anh, người bạn nam giới của phụ nữ cũng cần được giáo dục về hoàn cảnh dễ bị tổn thương của phụ nữ về vấn đề nghèo đói. Để từ đó, họ có thể tích cực tham gia vào quá trình xoá nghèo cho phụ nữ cũng như giúp phụ nữ phát triển.
Tạp chí phụ nữ tuần này xin tạm dừng tại đây. Hải Ninh xin cảm ơn quý vị. Mọi ý kiến đóng góp về bài vở cho trang tạp chí, xin quý vị gửi emai về theo địa chỉ phamn@rfa.org hoặc trang Facebook www.facebook.com/haininhrfa. Xin hẹn gặp lại quý vị vào giờ này tuần sau.
No comments:
Post a Comment